THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:03

Mỗi năm cả nước có khoảng 1.600 người tử vong do sốc ma túy

 

Hội thảo có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cùng đại diện Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các đại biểu quốc tế và đại diện 15 tỉnh thành phố.

 

Hội thảo tổng kết, đánh giá các biện pháp, hình thức và mô hình cai nghiện ma túy theo Luật phòng, chống ma túy dưới sự chủ trì của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có sự tham gia của các Bộ, ban, ngành liên quan và các tổ chức quốc tế tham dự

 

Tình trạng nghiện ma túy diễn biến phức tạp

Theo báo cáo đánh giá tại Hội thảo, vấn đề sử dụng trái phép chất ma túy tại Việt Nam vẫn đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát; ngày càng có nhiều loại ma túy mới, trong đó có những chất mà ngay lần đầu sử dụng đã có thể gây hoang tưởng, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, tại Việt Nam hiện chưa có thống kê toàn quốc về người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội năm 2017 tại 6 tỉnh, thành phố ở Việt Nam của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là 0,66% (khoảng 660/100.000) dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 đến 64 tuổi); 8% sử dụng lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi.

Báo cáo tại Hội thảo cũng cho thấy tại Việt Nam, tính đến 15/11/2017 có 222,582 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 50% có sử dụng ma túy tổng hợp và chất hướng thần. Ngoài ma túy truyền thống, ma túy tổng hợp thì các loại ma túy như: Cần sa, cỏ Mỹ… xuất hiện ngày càng nhiều. Số người nghiện chưa có hồ sơ quản lý bằng khoảng 65% số có hồ sơ.

 

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội thảo

 

Người nghiện ma túy có mặt tại tất cả các địa phương, mọi thành phần lứa tuổi. Mỗi năm cả nước có khoảng 1.600 người tử vong do sốc quá liều, khoảng 50% số người nghiện gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Hiện nay, 2/3 số người nghiện không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, đây là bài toán nan giải trong việc giải quyết tình trạng nghiện mà túy trong bối cảnh dư thừa lao động hiện nay. Trong khi đó tỷ lệ phạm tội trong thanh niên về ma túy là khoảng 50%, cao hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy trong các trại giam, trại tạm giam là 41,04%.

Cần thiết phải thay đổi quan điểm, mục tiêu của chính sách về cai nghiện ma túy

Vấn đề phòng chống ma túy được Việt Nam đặc biệt quan tâm ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX. Những năm qua Việt Nam đã xây dựng chính sách và hệ thống pháp luật với mục tiêu cốt lõi là cai nghiện và sản phẩm sau cai là chấm dứt vĩnh viễn việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học, do cơ chế gây nghiện ma túy là sinh học và tự nhiên, thuộc yếu tố khách quan và trong khả năng hiện tại của nền y học thì mục tiêu giúp người nghiện hoàn toàn và vĩnh viễn từ bỏ ma túy là rất khó, tỷ lệ thành công không cao, những trường hợp từ bỏ ma túy lâu dài chủ yếu là do các điều kiện xã hội tích cực mà họ có được và lý trí của họ kiểm soát tốt hành vi.

Thế nhưng, khi xây dựng Luật phòng, chống ma túy, các nhà hoạch định chính sách cho rằng: sự thèm nhớ do ý thức của người sử dụng ma túy không tự kiềm chế được cơn thèm nhớ, sự thèm nhớ chỉ là nhất thời, có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng cách ly ma túy lâu dài và điều trị bằng các loại thuốc.

 

Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phát biểu tại Hội thảo

 

Chỉ số thống kê những năm qua cho thấy số người nghiện mới gia tăng và tỷ lệ tái sử dụng ma túy rất cao chứng tỏ hình phạt tù và cách ly xã hội dài hạn đối với người nghiện không đạt được mục đích răn đe và mục tiêu cai nghiện.

Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội. Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy ngày càng khó kiểm soát, nhiều loại ma túy mới xuất hiện có độc tính cao, khó xác định tình trạng nghiện và chưa có phác đồ can thiệp hiệu quả.

Có thể coi nghiện ma túy như một bệnh nhưng không thể can thiệp bằng các phác đồ điều trị thông thường như những bệnh bình thường. Đến nay, việc cai nghiện ma túy chưa có đáp số cuối cùng, mục tiêu “cai nghiện” là thiếu thực tế. Từ mục tiêu thiếu thực tế, dẫn đến một số chính sách không phù hợp và công cụ được sử dụng để thực hiện chính sách không hiệu quả. Đây là hạn chế lớn nhất trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam thời gian qua.

Do đó, thực tiễn đã đặt ra là cần phải tiếp cận vào bản chất của vấn đề “sử dụng trái phép chất ma túy” và “nghiện ma túy” với tất cả tính khách quan, khoa học và hệ quả của nó để xác định lại mục tiêu cho phù hợp và có một quan điểm đúng đắn định hướng các chính sách cho thực tiễn, hiệu quả.

Đề xuất, kiến nghị, định hướng sửa đổi pháp luật về công tác cai nghiện ma túy

Qua báo cáo đánh giá, và dựa trên các tham luận của các Bộ, ngành liên quan và các chuyên gia quốc tế, Hội thảo đưa ra đề nghị đưa hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy” và tình trạng “nghiện ma túy” ra khỏi nội hàm của khái niệm “tệ nạn xã hội” (sửa khoản 8 Điều 2 Luật phòng chống ma túy).

Khẳng định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật, được xử lý bằng các chế tài của pháp luật xử lý vi phạm hành chính bao gồm cả các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, buộc phải chịu các biện pháp can thiệp dự phòng, cai nghiện giảm hại, cai nghiện phục hồi và hoà nhập cộng đồng, trong đó ưu tiên trước hết là tinh thần tự giác, tự nguyện. Đối với trẻ em phải bảo đảm các biện pháp can thiệp, giáo dục, chăm sóc với điều kiện tốt nhất có thể.

Phải phân loại theo từng nhóm khác nhau như: nhóm nguy cơ cao; nhóm sử dụng ma túy nhưng chưa nghiện; nhóm nghiện ma túy; nhóm nghiện ma túy có nhân thân phức tạp… Đồng thời phải đánh giá theo các tiêu chí khác nhau như: loại ma túy sử dụng; thời gian sử dụng; tình trạng nghề nghiệp và việc làm… Qua phân loại đánh giá để xác định các biện pháp can thiệp phù hợp, từ can thiệp dự phòng, can thiệp hỗ trợ có lựa chọn đến can thiệp bắt buộc.

Mục tiêu là phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả; can thiệp phục hồi, can thiệp giảm hại và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng bền vững, tiến tới giảm dần số người lạm dụng ma túy; tạo môi trường xã hội lành mạnh, phục vụ phát triển đất nước.

 

Tiến sỹ Khuất Hải Oanh, Giám đốc SCDI chia sẻ về các mô hình cai nghiện ma túy trên thế giới

 

Đề xuất bãi bỏ Bãi bỏ chính sách cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng”, quy định tại Điều 27 Luật phòng chống ma túy; Bãi bỏ chính sách “đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộcđối người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi (Điều 29 luật phòng chống ma túy); Bãi bỏ chính sách quản lý bắt buộc sau cai nghiện ma túy tại Cơ sở quản lý sau cai (Điều 33 Luật Phòng chống ma túy). Chuyển các nguồn lực đầu tư cho biện pháp này sang đầu tư cho công tác hỗ trợ hòa nhập cộng đồng tại nơi cư trú; Bãi bỏ biện pháp xử phạt hành chính bằng tiền đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, quy định tại luật xử lý vi phạm hành chính; Bãi bỏ biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy quy định tại luật xử lý vi phạm hành chính.

Sửa đổi, bổ sung quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện tạo cơ chế minh bạch, cởi mở để động viên mọi nguồn lực xã hội, cả trong và ngoài nước trong công tác cai nghiện ma túy.

Theo đó, cai nghiện tự nguyện tại cơ sơ cai nghiện do tổ chức, cá nhân thành lập và cai nghiện tự nguyện tại cơ sơ cai nghiện công lập đều thực hiện bằng một chính sách xã hội hóa chung, không phân biệt trong hay ngoài công lập.Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với các dịch vụ cơ bản, cho tất cả mọi người tự nguyện cai nghiện.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh