Đà Nẵng: Nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra phòng, chống mại dâm
- Pháp luật
- 22:04 - 26/03/2018
Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke bị kiểm tra đều vi phạm kinh doanh quá thời gian quy định, cơ sở vật chất không đảm bảo... (ảnh minh họa)
Tại hội nghị triển khai công tác kiểm tra phòng chống mại dâm và hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa năm 2018 do Đội Kiểm tra liên ngành 178 TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây cho biết, với 282 cơ sở kinh doanh dịch vụ được đơn vị kiểm tra trong năm 2017, bao gồm: 38 cơ sở mát xa, 73 cơ sở lưu trú, 10 cơ sở cắt tóc nam - nữ, 60 cơ sở karaoke, 98 cơ sở internet và 3 quán bar, Đội Kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã phát hiện 69 cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm, với số tiền đề nghị xử phạt hơn 344 triệu đồng.
Đặc biệt, trong năm 2017, tiếp nhận email của thành phố về nội dung xử lý mại dâm đường phố, Đội Kiểm tra liên ngành 178 thành phố cũng đã tiến hành kiểm tra 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ thì có đến 10/12 cơ sở vi phạm, 2 cơ sở bị nhắc nhở và 4 cơ sở yêu cầu ngừng hoạt động do chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Đơn vị này cũng cho biết, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, mát-xa đều bị xử phạt do vi phạm kinh doanh quá thời gian quy định, kinh doanh vượt phạm vi số phòng trong giấy phép, cơ sở vật chất không đảm bảo (như cửa có chốt từ bên trong, không nhìn thấy được vào bên trong phòng xoa bóp,...), sử dụng nhân viên sai quy định, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự...
Triển khai quyết liệt, triệt để nhằm kiểm soát tình hình, tuy nhiên tại hội nghị triển khai công tác kiểm tra phòng chống mại dâm và hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa năm 2018, Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố cho biết, đơn vị vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Theo đó, đơn vị này cho biết, hiện một số cơ sở kinh doanh dịch vụ thường xuyên tìm cách lách luật để vi phạm các lỗi như che chắn cửa phòng mát-xa, karaoke; hoán đổi lao động nữ giữa các cơ sở với nhau. Đặc biệt là tình trạng sử dụng lao động bên ngoài, không đăng ký với cơ quan chức năng để làm việc theo giờ, theo tour. Trong khi đó, một số nhà hàng còn để nhân viên của mình, thậm chí làm ngơ để cho tiếp thị đến gạ gẫm khách mua vui. Những trường hợp này, rất khó và ít được phát hiện. Tuy nhiên, khi được phát hiện cũng rất khó xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, do chưa có chế tài xử phạt, dẫn đến thiếu tính hiệu quả.
Trong khi đó, Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố cho biết, đối tượng khó kiểm soát là vậy, tuy nhiên lực lượng của đơn vị lại rất “mỏng”. Hiện Đội có 18 cán bộ, trong đó có ba cán bộ thường trực, còn lại là làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Do đó, mỗi khi có việc cần điều động lực lượng đi kiểm tra đột xuất, đều rất bị động. Chưa kể, phương tiện đi lại của Đội chủ yếu là tự túc bằng mô tô cá nhân hoặc thuê mướn ô tô dẫn đến nguy hiểm cho các thành viên khi đi làm nhiệm vụ, thiếu cơ động trong việc điều động lực lượng, nhất là khi có chỉ đạo kiểm tra đột xuất của lãnh đạo thành phố.
Ghi nhận những kết quả đạt được, những mặt còn khó khăn, vướng mắt, phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng Trần Công Nguyên cho rằng, trong thời gian tới, Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình. Trong đó, tập trung triển khai một số nội dung như: sớm kiện toàn thành viên trong Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp; tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng thẻ của thành viên, đồng thời đề nghị Đội Kiểm tra liên ngành 178 thành phố tham mưu cho Sở rà soát các văn bản quy định chế độ thù lao, bố trí phương tiện hỗ trợ cho thành viên của Đội Kiểm tra liên ngành. Rà soát những vướng mắc còn tồn tại để báo cáo UBND thành phố.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp cần xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng lao động là người nước ngoài; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng chống mại dâm và hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trong năm 2018. Kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm, phạt tình tiết tăng nặng đối với cơ sở vi phạm nhiều lần.