CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:49

Tệ nạn mại dâm và người nhiễm HIV rất đáng lo ngại

 

Đây là thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2017 và triển khai công tác trọng tâm năm 2018 diễn ra sáng nay (8/12), tại Hà Nội.

 
 
Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chủ trì, với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các thành viên Ủy ban Quốc gia, đại diện các bộ ngành; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các tỉnh, thành...
Khiêu dâm, kích dục vẫn còn diễn ra tại một số nhà hàng, quán bar, karaoke 
Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm, hiện nay, số người bán dâm trên cả nước khoảng hơn 13.000 người. Theo báo cáo đánh giá của một số tổ chức xã hội thông qua hệ thống các câu lạc bộ, các nhóm tự lực thì số lượng người bán dâm còn lớn hơn. Hình thức môi giới mại dâm thông qua mạng internet ngày càng gia tăng và phổ biến, các hành vi khiêu dâm, kích dục vẫn còn diễn ra tại một số nhà hàng, quán bar, karaoke, cà phê đèn mờ, spa, xông hơi, mát xa… Toàn quốc hiện có 131.311 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, trong đó: 69.697 cơ sở lưu trú, 21.604 cơ sở karaoke và mát xa, 177 vũ trường, 39.833 các loại hình khác (cắt tóc, gội đầu, nhà hàng ăn uống, cơ sở spa…). 
Qua công tác điều tra cơ bản, công an các địa phương đã rà soát 6.617 cơ sở nghi hoạt động mại dâm và 4.792 nhân viên nữ nghi hoạt động mại dâm. Lập hồ sơ quản lý 819 đối tượng có biểu hiện chứa mại dâm, 649 đối tượng có biểu hiện môi giới mại dâm. Theo báo cáo thống kê, hiện nay có 509 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm; 4.059 người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê qua xử phạt vi phạm hành chính; hỗ trợ xã hội; hỗ trợ y tế…
Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178/CP và các đoàn kiểm tra liên ngành lĩnh vực văn hóa 814, đoàn kiểm tra của ngành công an các địa phương đã tiến hành kiểm tra 26.588 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 9.522 cơ sở vi phạm. Xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 2.365 cơ sở; phạt tiền 6.803 cơ sở với số tiền phạt hơn 58 tỷ đồng 652 triệu đồng; đình chỉ kinh doanh và rút giấy phép kinh doanh 131 cơ sở và 275 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung. 
 
Cả nước hiện có khoảng 11.900 người bán dâm, tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn nhiều (ảnh minh họa)
 
Qua công tác đấu tranh, truy quét (2.209 lượt tại các địa điểm công cộng), triệt phá các tụ điểm nóng về mại dâm, các cơ quan chức năng của địa phương đã phát hiện, bắt giữ 1.177 vụ với 3.053 đối tượng (trong đó, 1.316 người bán dâm; 01 người bán dâm dưới 18 tuổi, 976 người mua dâm; 760 người là chủ chứa, môi giới và các đối tượng liên quan khác). 
 Năm 2017 cả nước phát hiện mới khoảng 9.800 trường hợp nhiễm HIV
Về tình hình nhiễm HIV, theo báo cáo của thường trực Ủy ban, ước tính đến hết năm 2017, cả nước phát hiện mới khoảng 9.800 trường hợp nhiễm HIV, 1.800 người nhiễm HIV tử vong. So với năm 2016, giảm 1,1% số người nhiễm mới, giảm 15% số người tử vong. Số người nhiễm HIV còn sống là trên 208.000 người. Hiện hay có khoảng 122.000 người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV và sẽ đạt 124.000 người vào cuối năm 2017.
Trong công tác can thiệp, giảm tác hại, hiện 53 tỉnh, thành phố đã tiếp cận, phân phát bơm kim tiêm sạch cho 126.000 người nghiện ma túy, phát bao cao su miễn phí cho trên 120.000 người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Trong năm 2018, ngành y tế xác định đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động chuyên môn trong dự phòng, can thiệp giảm tác hại và truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Đặc biệt, tập trung xét nghiệm, tư vấn, phát hiện mới người nhiễm HIV nhằm sớm đạt mục tiêu đầu tiên trong mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình. Mở rộng nâng cao chất lượng công tác điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở điều trị ARV, cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế, nhất là tại tuyến huyện, xã.
Người sử dụng ma túy tổng hợp vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội
Theo báo cáo của Bộ Công an, đến tháng 12/2017 cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 11.831 người so với cùng kỳ năm 2016); trong đó trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện, 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Trong khi khoảng 50% người nghiện vẫn sử dụng  heroin thì ở nhiều địa phương, 85-90% số người nghiện chỉ sử dụng các loại ma túy tổng hợp nhóm ATS. Một số địa phương tỷ lệ người sử dụng ATS vào cơ sở cai nghiện cao như: Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85% và An Giang là 76%... Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loại tâm thần và một số có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
 
Tỷ lệ người nghiện ma túy đá, ma túy tỏng hợp ngày càng gia tăng, gây nguy hiểm cho xã hội
 
Đối với công tác phòng, chống ma túy, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 22.346 vụ, 34.494 đối tượng (tăng 3.031 vụ và 3.493 đối tượng), thu giữ 906,7 kg heroin, 856,9 kg và gần 1 triệu viên ma túy tổng hợp…
Hiện cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 11.831 người so với năm 2016, trong đó số người phát hiện mới chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần. Đáng chú ý, chương trình điều trị người nghiện ma túy bằng Methadone được triển khai ở cả 63 tỉnh, thành phố với 294 cơ sở, 52.818 bệnh nhân.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc điều trị người nghiện bằng Methadone các địa phương phải làm quyết liệt, không bàn nữa. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương bám sát chương trình của năm 2018, tập trung thảo luận, đi vào những giải pháp, hành động thiết thực để bảo đảm vượt và đạt các mục tiêu được đặt ra. 
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ ngành đã khai trương hệ thống quản lý thông tin điều trị Methadone bảo đảm người nghiện ma túy được điều trị bằng Methadone khi di chuyển đến đâu cũng được điều trị liên tục. Sau khi đưa vào sử dụng hệ thống này, đến tháng 6/2018, việc quản lý người nghiện ma túy điều trị Methadone sẽ được tin học hoá hoàn toàn.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh