THỨ SÁU, NGÀY 18 THÁNG 10 NĂM 2024 01:45

Đà Nẵng hiệu quả từ những cuộc đối thoại với hộ nghèo

Nắm bắt được nguyện vọng, nhu cầu của các hộ là cơ sở để địa phương có hướng giúp đỡ thoát nghèo hiệu quả.

Nắm bắt được nguyện vọng, nhu cầu của các hộ là cơ sở để địa phương có hướng giúp đỡ thoát nghèo hiệu quả.

Quyết liệt từ địa phương

Là xã còn nhiều khó khăn, đầu năm 2021, xã Hoà Phong (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) có 119 hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn thành phố. Năm 2022 địa phương bắt đầu thực hiện giảm nghèo theo chuẩn mới của thành phố giai đoạn 2022-2025, xã có 142 hộ nghèo còn sức lao động.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, trong 3 năm 2021-2023, xã Hoà Phong tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thực hiện đạt hiệu quả công tác giảm nghèo, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bám sát các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo của Trung ương và thành phố, thông tin cho hộ nghèo biết và thực hiện đầy đủ, kịp thời, xã Hoà Phong xác định việc toạ đàm nhằm nắm bắt nhu cầu của hộ nghèo để hỗ trợ cho phù hợp với từng hộ là biện pháp hữu hiệu đầu tiên trước khi triển khai thực hiện. Do đó, ngay trong quý 1 hằng năm, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức gặp mặt đối thoại với hộ nghèo.

Ông Ngô Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Phong cho biết, để buổi đối thoại đạt hiệu quả mong muốn, công tác chuẩn bị được địa phương thực hiện kỹ càng.

“Chúng tôi lưu ý hộ được mời phải cử người có năng lực đi dự và phải thống nhất nhu cầu trước khi cử người đi dự đối thoại. Nội dung này được xã lưu ý ngay trong giấy mời gửi đến từng hộ và kèm theo đó là mẫu phiếu nắm bắt nhu cầu để các hộ điền trước, giúp cho việc đối thoại được thuận tiện và nhanh chóng hơn”, ông Nhân cho biết.

Tại buổi đối thoại, xã phân chia mặt trận, từng đoàn thể trực tiếp đối thoại với các hộ để tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu của người dân, trên cơ sở đó có hướng giúp đỡ.

“Chúng tôi trao đổi với hộ nghèo, với nhu cầu như vậy khi xã hỗ trợ thì hộ có thoát nghèo trong năm được hỗ trợ hay không. Qua đó, giúp xã chủ động hơn trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong năm”, ông Nhân nói.

Với cách làm này, qua 3 năm thực hiện, xã Hoà Phong đã có gần 320 lượt hộ nghèo dự đối thoại; 59 hộ có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà, 90 hộ có nhu cầu chăn nuôi, 15 hộ cần phương tiện sản xuất, 41 hộ vay vốn và một số hộ có nhu cầu khác…

Sau đối thoại, đối với các hộ có nhu cầu vay vốn, xã chuyển danh sách cho các đoàn thể uỷ thác để chuyển các Tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp cận hướng dẫn hộ nghèo làm thủ tục vay. Đối với các hộ có nhu cầu khác, xã tổ chức phúc tra, kiểm tra tính phù hợp và hướng dẫn hộ nghèo chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận hỗ trợ như chuồng trại, kinh phí thêm vào khi hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà…

“Sau khi phúc tra và tổng hợp lại các nhu cầu của hộ nghèo, UBND xã lập danh sách đề nghị UBND huyện, Uỷ ban MTTQVN huyện xem xét hỗ trợ, đồng thời sử dụng Quỹ Vì người nghèo và phối hợp với các đoàn thể ở địa phương tổ chức vận động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, từ đó giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Nhân chia sẻ.

Được biết, trong 3 năm 2021-2023, xã Hoà Phong đã vận động và hỗ trợ theo nhu cầu hộ nghèo cho 51 hộ xây mới và sửa chữa nhà; hỗ trợ sinh kế cho 82 hộ; hướng dẫn vay vốn cho 92 hộ và hỗ trợ khác cho 169 hộ. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vận động ở xã là gần 3 tỷ đồng. Từ các nguồn hỗ trợ này, toàn xã đã có 175 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong đó, một số hộ đã tự nguyện viết đơn đăng ký xin ra khỏi hộ nghèo, cho thấy hiệu quả từ sự quyết tâm của địa phương, cũng như ý thức tự cố gắng vươn lên của các hộ nghèo.

Kịp thời giải quyết các vấn đề cơ bản, bức xúc đối với người nghèo

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, từ năm 2021-2023 nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được ban hành và triển khai đã kịp thời giải quyết các vấn đề cơ bản, bức xúc đối với người nghèo trên địa bàn thành phố. Trong đó, việc tổ chức đối thoại của các địa phương đã phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... đã tạo điều kiện cho người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... đã tạo điều kiện cho người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã tạo điều kiện cho người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập.

Cùng với đó, thành phố ban hành chính sách hỗ trợ người thuộc hộ nghèo theo chuẩn thành phố được hỗ trợ 20% chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện sau khi trừ đi phần hỗ trợ của bảo hiểm xã hội. Điều này tạo điều kiện cho những đối tượng yên tâm hơn trong tiếp cận với chính sách hỗ trợ về y tế để điều trị bệnh. 

Hay chính sách hỗ trợ về giáo dục cũng được thành phố mở rộng đối tượng hỗ trợ đến con, cháu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo. Đặc biệt, thành phố thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non, giáo dục phổ thông, trung học. Theo đó, có 100% con hộ nghèo được tiếp cận với chính sách hỗ trợ về giáo dục và tạo điều kiện để con hộ nghèo mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc học tập, góp phần giảm tỷ lệ thiếu hụt về tình trạng bỏ học của trẻ em trong độ tuổi đang đi học.

Ngoài ra, hằng năm, các địa phương xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực hỗ trợ nhà ở; kết quả đã hỗ trợ xây mới 248 nhà với kinh phí 12,7 tỷ đồng, sửa chữa 961 nhà với kinh phí 17,45 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách miễn giảm tiền thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được mở rộng đến chuẩn thành phố. Các thủ tục hồ sơ miễn giảm thực hiện nhanh chóng, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tiếp cận nhanh với chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Cũng như nhiều hộ gia đình được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở, bà Lê Thị Thảo (phường Hoà An, quận Cẩm Lệ) cho biết, các thành viên trong gia đình bà đã yên tâm làm ăn, con cháu được học hành, cuộc sống ổn định hơn rất nhiều.

Không chỉ giúp hộ nghèo “An cư lạc nghiệp”, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Đà Nẵng cũng phối hợp với các hội, đoàn thể và các địa phương tiến hành thẩm định và giải ngân cho gần 3.700 lượt hộ vay vốn (1.077 hộ nghèo, 800 hộ cận nghèo và 1.200 hộ mới thoát nghèo) có điều kiện sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế tăng thu nhập, với tổng số tiền 171,79 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đối với hộ nghèo, thoát nghèo, hộ cận nghèo ước đến 30/12/2023 khoảng 250 tỷ đồng.

Qua thực hiện cho thấy, 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn đều được hỗ trợ giải quyết. Đồng thời, các hội đoàn thể kết hợp hướng dẫn cách làm ăn để các hộ vay vốn phát triển kinh tế gia đình đúng mục đích, hiệu quả, nâng cao thu nhập và đời sống, tạo động lực khuyến khích các hộ ý thức vượt lên những khó khăn trong cuộc sống để thoát nghèo bền vững…

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, cùng với các chính sách hỗ trợ, những cách làm quyết liệt từ các địa phương đã giúp người nghèo tự ý thức vươn lên thoát nghèo hiệu quả.

“Với phương pháp và cách tổ chức triển khai thực hiện năng động, sáng tạo, chặt chẽ, sát với từng hộ nghèo của các ngành, đoàn thể và các địa phương đã mang lại hiệu quả cao. Trong đó, việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo cùng với các chương trình cho vay vốn tín dụng, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động…. đã tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Nguyễn Đăng Hoàng nói.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, khiến công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố gặp không ít khó khăn. Trong giai đoạn 2021-2023, thành phố thực hiện 2 lần nâng chuẩn nghèo đa chiều cao hơn so với quy định của Trung ương. Trong đó, đầu năm 2021, thành phố tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020; đầu năm 2022 thành phố thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của các ngành, đoàn thể và các địa phương, từ 8.993 hộ nghèo còn sức lao động, đến cuối năm 2023, toàn TP Đà Nẵng còn 4.188 hộ nghèo còn sức lao động. Qua đó, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo còn sức lao động theo kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2023.

Với những kết quả đạt được, giai đoạn 2024-2025, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu giảm 100% hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố vào cuối năm 2025. Đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được hỗ trợ khi gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.

BÙI MINH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh