Đồng hành cùng người dân giảm nghèo bền vững
- Bài thuốc hay
- 14:54 - 21/11/2023
Tháng 5 năm 2022, gia đình anh Nguyễn Văn Phú (SN 1979), ở thôn Hòa Nội, xã Khám Lạng (huyện Lục Nam) vay số tiền 100 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm . Đây là lần thứ hai anh được hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi này. Năm 2018, khi được vay 50 triệu, anh dành tiền thuê máy làm đất, mua sắm máy bơm phục vụ tưới tiêu cho hơn 10 sào đất trồng bưởi Diễn. Lần này, số tiền được vay gấp đôi, cùng với vốn tích lũy của gia đình, anh đầu tư mở rộng thêm hơn 5 sào trồng loại cây ăn quả này.
Anh chia sẻ: “Khi mới lập gia đình, cuộc sống rất khó khăn, hai vợ chồng tôi không có nghề nghiệp ổn định, cả nhà chỉ trồng mấy sào lúa, vì vậy con cái cũng ít có điều kiện học tập. Nhờ mở rộng sản xuất, lại được vay vốn ưu đãi từ nguồn ủy thác của Hội Nông dân xã, tôi quyết tâm thoát nghèo”. Giờ đây, với khoảng 400 cây bưởi cho thu hoạch, bình quân mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh lãi gần 200 triệu đồng.
Còn với chị Vi Thị Tuyến (SN 1985), thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa ( huyện Tân Yên), nguồn vốn chính sách đã giúp gia đình chị thoát nghèo. Chồng và con trai chị mất mấy năm trước, chị và cô con gái nhỏ sống nương tựa vào nhau. Với số tiền vay 50 triệu đồng từ năm 2019, chị Tuyến được chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hướng dẫn sinh kế phù hợp. Từ đôi bò sinh sản ban đầu, đến nay, chị đã xuất bán được 2 lứa. Có vốn, chị Tuyến mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để tăng thu nhập. Trong đợt rà soát cuối năm 2021, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Ở Bắc Giang, xã Bảo Sơn (Lục Nam) là xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, hiện còn 3 thôn đặc biệt khó khăn (Đồng Cống, Hồ Sơn 1, Quất Sơn). Để hỗ trợ bà con thoát nghèo, dựa vào lợi thế đất đồi để phát triển cây dứa, chính quyền xã và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện đã triển khai hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2022 còn 4,85%, giảm 1,56% so với năm 2021.
Tại xã Bảo Sơn, đã có rất nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Điển hình như gia đình anh Vi Văn Tuấn (SN 1983), dân tộc Dao ở thôn Đồng Cống. Năm 2020, anh được Ngân hàng CSXH huyện giải ngân cho vay 100 triệu đồng xây dựng mô hình trồng dứa Queen theo quy trình VietGAP trên diện tích 0,5 ha.
Anh Tuấn chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, thiết thực mà quả dứa quê tôi trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực, giúp nhiều hộ như gia đình tôi thoát nghèo bền vững. Nguồn thu nhập ổn định từ trồng dứa giúp tôi có điều kiện sửa sang nhà cửa, lo cho các con ăn học”.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang, từ khi triển khai nguồn Quỹ quốc gia về việc làm (năm 2003) đến nay, doanh số cho vay đạt hơn 312,2 tỷ đồng với hơn 10,4 nghìn lượt khách hàng vay vốn; số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là gần 16,6 nghìn người; chất lượng tín dụng an toàn vì tỷ lệ nợ quá hạn thấp (năm 2022 chỉ chiếm 0,02% tổng dư nợ).
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm tại Bắc Giang vẫn còn những khó khăn. Nguồn vốn Trung ương phân bổ vào Quỹ chỉ chiếm 0,96% tổng nguồn vốn cho vay của ngân hàng nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là hộ nghèo; số cho vay chủ yếu từ vốn quay vòng hằng năm.
Trong khi đó, nguồn kinh phí đối ứng của tỉnh, huyện còn hạn chế. Ngoài ra, số vốn được giải ngân tập trung chủ yếu vào nhóm hộ gia đình, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nhỏ lẻ nên số lao động được tạo việc làm mới chưa nhiều. Để chính sách tín dụng này tiếp tục đi vào cuộc sống, Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Chính phủ tăng nguồn bổ sung hằng năm; các địa phương cân đối ngân sách để đối ứng vào nguồn Quỹ, đáp ứng tối đa nhu cầu của người vay.