Đà Nẵng: Hiệu quả từ mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”
- Pháp luật
- 13:46 - 12/09/2017
Ra mắt Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng)
Ý tưởng mới bắt nguồn từ việc, tại không ít các địa phương, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Trong khi đó, thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy lại chỉ dừng lại ở hình thức phạt hành chính rồi giao cho gia đình quản lý, nhưng thực tế nhiều gia đình không thể quản lý được. Đã có không ít trường hợp, thanh thiếu niên sau khi bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu vẫn tiếp tục tái phạm, thậm chí còn lôi kéo, rủ rê bạn bè cùng sử dụng.
Ra đời trong hoàn cảnh đó, với mong muốn có thể giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để các em sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu có thể đoạn tuyệt được với “nàng tiên nâu”, mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” được hình thành sau cả một quá trình gian nan và không hề đơn giản. Bởi theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) TP. Đà Nẵng, để quản lý các em này đưa vào sinh hoạt tập thể là việc làm vô cùng khó khăn, không chỉ bởi đối tượng khó tiếp cận mà hầu hết thân nhân các gia đình đối tượng thường không có thái độ hợp tác, trong khi đó đa số các em lại không có công ăn việc làm, trình độ học vấn thấp...
Bắt đầu từ việc triển khai thí điểm mô hình tại hai phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Chi cục PCTNXH TP. Đà Nẵng cho biết, đây là hai phường thuộc diện trọng điểm về ma túy, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy được xếp vào diện địa bàn nóng. Là địa bàn triển khai thí điểm, Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” tại hai phường lần lượt được thành lập, trong đó trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND phường, Phó trưởng ban là Công an cùng các thành viên là các hội, đoàn thể.
Qua hơn một năm đi vào hoạt động, các Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” trên địa bàn đã đem lại những kết quả vượt cả sự kỳ vọng ban đầu. Từ chỗ chỉ có 35 hội viên khi mới thành lập, đến nay số hội viên đã tăng lên 50 hội viên/ Câu lạc bộ. Trong 100 hội viên tham gia 2 Câu lạc bộ, có 98 hội viên tham gia sinh hoạt đều đặn được xếp loại có tiến bộ (chiếm 98%), 15 em đã được hỗ trợ học nghề, học văn hóa, hàng chục em được hỗ trợ khó khăn đột xuất, 22 em đã có công ăn việc làm ổn định... Trong đó, điều đáng ghi nhận ở mô hình này, ngoài việc tổ chức được một môi trường sinh hoạt tập thể, các em còn được tiếp cận những điều hay, lẽ phải, từ đó chính quyền địa phương có điều kiện quản lý, hỗ trợ và giúp đỡ các em nhiều hơn.
Được biết, tham gia Câu lạc bộ này, tất cả các em đều được kiểm danh, kiểm diện, thử test định kỳ hàng tháng để có những biện pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời. Ngoài ra, hội viên Câu lạc bộ còn được trang bị những kỹ năng sống nhằm khám phá năng lực và sở trường của từng em. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ các phường phối hợp với nhau tổ chức các khóa tập huấn và tọa đàm với doanh nghiệp, từ đó tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng em, giới thiệu và tạo việc làm cho hội viên Câu lạc bộ. Nhiều hội viên tham gia Câu lạc bộ chia sẻ, mô hình có ý nghĩa thiết thực, đem lại những hiệu quả tích cực, giúp các em nhận thức được tác hại của việc sử dụng ma túy, từ bỏ ma túy để tìm ra giá trị của cuộc sống, quyết tâm trở thành một công dân tốt, có ích cho gia đình và cộng đồng.
“Qua việc triển khai thí điểm mô hình, chúng tôi càng nhận thấy rõ hơn, đối với những em mới sử dụng ma túy lần đầu, nếu nhận được sự quan tâm của gia đình, cộng đồng thì khả năng dự phòng nghiện ma túy là rất lớn. Mô hình Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” chính là cầu nối giữa chính quyền với các em lầm lỡ sử dụng trái phép ma túy. Đây cũng là sân chơi lành mạnh để các em có điều kiện trải nghiệm, chia sẻ và là nơi mà cộng đồng xã hội cùng tham gia giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy, giúp các em trở về là chính mình" - ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH TP. Đà Nẵng chia sẻ.