THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:40

Đà Nẵng: Nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Đẩy lùi tệ nạn xã hội, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng trong diện quản lý và đặc biệt là đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, mại dâm… thế nhưng cũng như nhiều địa phương khác, tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn TP. Đà Nẵng vẫn ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề nóng, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý đối với các ngành chức năng cũng như các cán bộ theo dõi công tác tại cơ sở.

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Đà Nẵng trao bằng khen cho những cá nhân, tập thể làm tốt công tác PCTNXH tại địa phương.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng, chỉ tính trong quý I/ 2017, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tiếp nhận và đưa vào cắt cơn cai nghiện ma túy cho 179 trường hợp, trong đó có 115 trường hợp nghiện mới và 64 người tái nghiện. Nâng tổng số người đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng lên 500 trường hợp, trong đó có 30 người cai nghiện tự nguyện, 35 người ngoại tỉnh; 308 người tham gia điều trị Methadone, 21 người cai nghiện tại gia đình- cộng đồng và hơn 590 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú.

Chia sẻ về tình hình thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng thời gian qua, nhiều cán bộ xã, phường bày tỏ, quá trình triển khai công tác vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề chuyên môn nghiệp vụ. Có nơi chưa hiểu đúng quy trình giải quyết các sự việc cụ thể dẫn đến giải quyết sai, chưa đúng hoặc dẫn đến bế tắc, vướng mắc, khó khăn.

 Là một cán bộ theo dõi công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại phường Tân  Chính, quận Thanh Khê (Đà Nẵng), anh Trần Ngọc Lĩnh được biết đến là một cán bộ năng nổ, nhiệt huyết và hết lòng vì công việc. Tuy nhiên chia sẻ về quá trình thực hiện công tác này tại địa phương, anh Lĩnh khẳng định “Đây là một công việc không hề dễ dàng, ngoài vấn đề nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ, các thủ tục liên quan đến vấn đề lập hồ sơ đưa đi cai nghiện hay quản lý sau cai…người làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở còn là người trực tiếp tiếp xúc với đối tượng để thuyết phục, cảm hóa, giúp đỡ, vì vậy các yêu cầu về kỹ năng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cán bộ làm công tác này đều chưa có những kỹ năng cần thiết”.

Cũng theo anh Lĩnh, vì thiếu kỹ năng mà đã không ít lần, chính bản thân anh cũng đã gặp phải những tình huống khó khăn tưởng như không tìm ra cách giải quyết vấn đề. “Gian nan nhất vẫn là thái độ không hợp tác của gia đình người nghiện. Có gia đình vì không muốn hàng xóm, bà con biết chuyện nên từ chối việc can thiệp của cán bộ cơ sở, có những trường hợp người nghiện lại bị chính người thân xa lánh. Việc gặp gỡ, thuyết phục các đối tượng vì vậy cũng càng trở nên khó khăn hơn”, anh Lĩnh cho biết.

Mới đây, liên quan đến vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận và điều trị người bị loạn thần (do sử dụng chất gây nghiện), một cán bộ chuyên trách phường Hải Châu II, quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã phải xin ý kiến về việc giải quyết một trường hợp cụ thể ngay tại địa phương mình. Đó là trường hợp một gia đình có cả hai chị em đều bị loạn thần và từng cai nghiện nhiều lần tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Tuy nhiên, với chi phí để được tiếp nhận và điều trị tại bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng quá cao (3 triệu đồng/ 1 người/ tuần), nên trong quá trình cùng người nhà bệnh nhân hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được tiếp nhận điều trị, ngay cả các cán bộ phường làm công tác này cũng gặp phải những lúng túng nhất định trong việc phối hợp thực hiện.

Lúng túng, khó khăn, thiếu kỹ năng nghiệp vụ, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, mỗi năm đơn vị đều tổ chức các đợt tập huấn nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và những kỹ năng cần thiết cho các cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại cơ sở, bởi đây là đội ngũ thường xuyên có sự thay đổi về mặt nhân sự, lại phải làm kiêm nhiệm. Mới đây, Chi cục cũng đã phối hợp cùng với các quận, huyện trên địa bàn thành phố tổ chức 3 đợt tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán năm 2017. Tất cả các cán bộ thuộc tổ công tác cai nghiện ma túy tại các xã, phường, đại diện phòng LĐTB&XH các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đã tham dự.

Ông Lê Minh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, ngoài khái quát cho học viên về tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố, đợt tập huấn này cũng là dịp hệ thống lại toàn bộ các quy phạm pháp luật của Trung ương và văn bản của địa phương về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, phòng chống mại dâm, công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho học viên nắm rõ. Bên cạnh những nghiệp vụ cụ thể, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cũng hướng dẫn các cán bộ làm công tác tại xã, phường về việc lập hồ sơ, quy trình, thủ tục đi cai nghiện tự nguyện và bắt buộc tại cơ sở xã hội Bầu Bàng; công tác cai nghiện ma túy tại gia đình- cộng đồng, quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú và thủ tục tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục vào các cơ sở BTXH để chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn thành phố...

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh