Thanh Hóa: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:41 - 17/03/2016
* Xin ông cho biết kết quả triển khai, thực hiện công tác PCTNXH của tỉnh Thanh Hóa năm 2015?
- Thanh Hóa là tỉnh rộng, có dân số đông, tình hình TNXH diễn biến phức tạp. Từ thực tiễn đó, Chi cục PC TNXH Thanh Hóa đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, văn bản chỉ đạo phù hợp, kịp thời nhằm đẩy mạnh công tác PC TNXH trên địa bàn.
Cụ thể, đối với công tác cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy các Trung tâm Chữa bệnh - giáo dục - Lao động xã hội đã tiếp nhận, chữa trị cai nghiện mới cho 157 đối tượng. Chỉ đạo các địa phương tổ chức cai nghiện tại gia đình cho 1.106 người và 132 đối tượng cai nghiện tại cộng đồng. Bước đầu đã hình thành các dịch vụ điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy ở cộng đồng như: Dịch vụ tư vấn và tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ hỗ trợ sau cai nghiện, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS…
Trong năm 2015, Chi cục cũng đã chỉ đạo xây dựng 3 mô hình là: mô hình quân dân y cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội tại các xã biên giới của huyện Mường Lát; mô hình câu lạc bộ hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng trên địa bàn TP.Thanh Hóa; mô hình cai nghiện tại cộng đồng ở huyện Bá Thước và huyện Quan Hóa. Tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 76 bệnh nhân (đến 15/11/2015).
Ông Vũ Đình Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH Thanh Hóa.
Đối với công tác PCTNMD, Chi cục đã phối hợp với phòng PC45 Công an tỉnh, đấu tranh triệt phá 4 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm, bắt giữ 22 đối tượng. Đội kiểm tra liên ngành 178 của tỉnh đã tổ chức kiểm tra 98 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, xử phạt 10 cơ sở, thu và nộp vào kho bạc nhà nước 122,5 triệu đồng. Kịp thời chấn chỉnh các sai phạm để các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn kịp thời những hành vi kinh doanh có dấu hiệu nhạy cảm dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Phối hợp với Tổ chức liên minh phòng, chống buôn người đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, đầu tư sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cho 60 nạn nhân bị mua bán trở về.
* Để có được kết quả đáng ghi nhận trên, Thanh Hóa đã triển khai, thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
- Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về PC TNXH nên đã được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cả bề rộng và chiều sâu. Sở đã chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể như: LĐLĐ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội PN, MTTQ tỉnh…thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao hiểu biết về tác hại của TNMT, mại dâm; tích cực tham gia phòng, chống TNXH cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp. Cụ thể, đã cấp phát 10 ngàn tờ rơi tuyên truyền về phòng chống mại dâm và hơn 1.000 bản in từ tạp chí tuyên truyền phòng, chống TNXH cho các ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố; lắp đặt 4 pano tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm. Tổ chức 5 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về PC TNMD cho gần 1.500 sinh viên tại 5 trường trung cấp, CĐ, ĐH trên địa bàn; tổ chức 4 diễn đàn tìm hiểu kiến thức pháp luật về công tác PCMD cho gần 1.000 cán bộ và nhân dân tại 4 xã, phường, thị trấn trọng điển về TNMD.
Tổ chức 11 buổi nói chuyện chuyên đề về PC TNMD cho gần 600 cán bộ tại các địa bàn trọng điểm. Tổ chức 4 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho gần 250 cán bộ làm công tác PC TNMD. Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Công thương tổ chức 5 lớp tập huấn hướng dẫn các quy định của pháp luật cho gần 300 chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; tổ chức 8 lớp tập huấn nâng cao năng lực về PCMD cho gần 600 cán bộ làm công tác PC TNXH trên địa bàn; tổ chức 6 lớp tập huấn về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho gần 400 cán bộ tổ công tác cai nghiện và nhân viên công tác xã hội tại địa bàn, tổ chức tập huấn giảng viên nguồn cho 220 tình nguyện viên của 198 đội công tác xã hội tình nguyện…
* Công tác PC TNXH trong năm 2016 sẽ được Thanh Hóa triển khai như thế nào, thưa ông?
- Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của năm 2015, năm 2016, Chi cục PCTNXH tỉnh Thanh Hóa sẽ tích cực tham mưu cho Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường công tác truyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về PCMT, mại dâm và phòng, chống mua bán người phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, tham mưu cho lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của hai Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục - Lao động xã hội; chỉ đạo các địa phương thành lập 48 đội công tác xã hội tình nguyện năm 2016 theo Quyết định số 2134/QĐ-UBND ngày 20/6/2013 của UBND tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế tổ chức tập huấn vê trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP; chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đề án đổi mới công tác cai nghiện; rà soát các địa bàn cơ sở trọng điểm về tệ nạn ma túy, xây dựng và hướng dẫn thành lập các điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng; Thường xuyên tổ chức kiểm tra các nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massge trên địa bàn tỉnh; tập trung chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.