THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:25

Nhà trường cần "bắt tay" với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng

Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các doanh nghiệp và cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố

Theo báo cáo tại hội thảo, TP. Đà Nẵng hiện có 66 cơ sở  GDNN, bao gồm 21 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN và 27 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN, với quy mô đăng ký đào tạo gần 69.860 học viên ở 298 ngành nghề đào tạo các cấp trình độ khác nhau. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng là 18.245 sinh viên của 93 ngành/ nghề; trung cấp là 11.810 học viên của 116 ngành/ nghề; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 39.804 học viên của 156 ngành/ nghề.

Về quy mô tuyển sinh đào tạo, bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng) cho biết, giữa các nhóm ngành/ nghề đào tạo tại các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố cũng có sự chênh lệch đáng kể. Cụ thể, quy mô tuyển sinh đào tạo thuộc nhóm ngành/ nghề thương mại dịch vụ chiếm tỷ lệ lớn nhất với 71,83%, trong khi nhóm ngành/ nghề xây dựng chiếm 26,49% và nhóm ngành/ nghề có tỷ lệ thấp nhất, chỉ chiếm 1,68% là nhóm ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp. Điều đáng nói, theo số liệu báo cáo tại hội thảo, chỉ có 35/66 cơ sở GDNN có phối hợp với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo của mình. 

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp chính là cách tạo việc làm bền vững cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường

Chủ trì hội thảo cùng với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, với gần 69.860 học viên được đào tạo nhưng lại chỉ có 35/66 cơ sở GDNN phối hợp với 596 lượt doanh nghiệp để tiếp nhận 8.538 học sinh, sinh viên vào thực tập, tức là chỉ có khoảng 12% học sinh, sinh viên được thực tập, thực hành nghề nghiệp tại doanh nghiệp và cũng chỉ có 4.350 học sinh, sinh viên được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc. Ông Vinh cho rằng, đây là con số quá thấp, cho thấy sự phối hợp lỏng lẻo giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp.

Tại hội thảo, nhiều cơ sở GDNN bày tỏ, việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp chưa bao giờ được các cơ sở này chú trọng như hiện tại, bởi nó có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội, từ đó tạo việc làm bền vững cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường. Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Tuyên, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng, điều này không hề dễ dàng.

Dẫn chứng thực tế tại trường của mình, ông Tuyên cho biết, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhà trường vẫn rất khó khăn để có thể thiết lập cũng như duy trì được mối quan hệ với một số doanh nghiệp lớn, hoạt động trong lĩnh vực phù hợp với các chuyên ngành đào tạo để gửi giáo viên, đặc biệt là sinh viên đi thực tế, thực tập tại doanh nghiệp. Một số nơi đồng ý tiếp nhận sinh viên vào thực tập nhưng lại ít tạo điều kiện cho giáo viên, sinh viên được tham gia vào các công việc thực tế tại doanh nghiệp….

Ảnh minh họa

Còn theo ông Hồ Viết Hà, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, coi doanh nghiệp như là đối tác chính là cách mà nhà trường đang làm để đào tạo ra nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như được doanh nghiệp tín nhiệm, đặt hàng đào tạo. Nhờ vậy, nhiều năm qua, trong khi một số cơ sở GDNN gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh mới thì số lượng sinh viên lựa chọn học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng vẫn gia tăng.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours cho rằng, sở dĩ có những quan điểm khác nhau giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, thậm chí là chính giữa các cơ sở GDNN với nhau là do thiếu sự liên kết giữa các bên hoặc liên kết không dựa trên thực tế, không hiệu quả. Những điều này không những gây ra hậu quả cung- cầu không gặp nhau mà vô hình chung còn dẫn đến tình trạng các trường cùng nhau mở những ngành, nghề giống nhau, đào tạo một cách ồ ạt, trong khi ngành nghề xã hội đang cần lại bị bỏ trống.

Ông Tùng cũng cho biết, thời gian qua việc tuyển dụng nhân sự của Vitours gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù thông tin tuyển dụng được đăng trên nhiều kênh tuyển dụng khác nhau nhưng số lượng hồ sơ nộp vào không nhiều. Chưa kể, nhiều hồ sơ ứng tuyển nhưng lại không đáp ứng đúng yêu cầu ngành nghề tuyển dụng. Vì vậy, muốn tuyển lao động vào làm việc, doanh nghiệp lại phải đào tạo lại nên không chỉ gây khó khăn mà còn gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho rằng, sự sống còn của nhà trường là sản phẩm đầu ra được xã hội và doanh nghiệp thừa nhận. Khi nền kinh tế phát triển, mối quan hệ cung cầu về lao động cũng thay đổi, doanh nghiệp phải săn nguồn nhân lực có chất lượng để phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc gắn bó giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp càng chặt chẽ bao nhiêu thì hiệu quả trong quá trình đào tạo cũng như sử dụng nguồn nhân lực được nâng cao bấy nhiêu. 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh