THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:05

Giáo dục nghề nghiệp từng bước gắn với thị trường lao động

 

Giáo dục nghề nghiệp từng bước gắn với thị trường lao động

Học nghề đã có chỗ đứng

Tuyển sinh năm 2017-2018, trường CĐ Công nghệ Thủ Đức vẫn đạt và vượt so với chỉ tiêu được giao. Cụ thể, hệ cao đẳng nghề tuyển sinh nhập học là 2969 sinh viên đạt gần 110% so với chỉ tiêu; hệ trung cấp nghề tuyển sinh nhập học 616 học sinh đạt gần 103%. Khảo sát các cựu học sinh sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng các khóa tuyển sinh năm 2011, 2012 và trình độ trung cấp khóa tuyển sinh năm 2012, 2013 cho thấy, tỷ lệ học sinh sinh viên có việc làm đúng và liên quan chuyên ngành luôn đạt từ 71% - 81% qua các năm.

Có được kết quả tích cực này, bà Nguyễn Thị Lý- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong những năm qua, công tác tuyển sinh của Nhà trường luôn đạt chỉ tiêu được giao, chứng tỏ học hiệu đã có chỗ đứng trong thí sinh; đội ngũ tham gia tư vấn tuyển sinh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, trách nhiệm; hợp tác tốt với các tổ chức truyền thông, báo, đài,… Phát triển giai đoạn 2017 đến 2025, tầm nhìn đến 2030, nhà trường sẽ nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, hướng đến tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới thông qua việc phát triển đội ngũ; phát triển, chuyển giao chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, theo chuẩn quốc gia và quốc tế,...

Tương tự, trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng có được kết quả tuyển sinh khả quan. Hình thức xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, dựa vào điểm môn thi các khối A00, A01 , và D01, thí sinh trúng tuyển và nhập học hệ cao đẳng là 3.246 sinh viên đạt tỷ lệ 108%; Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT là 2.249 sinh viên đạt tỷ lệ 112%; Tuyển sinh hệ trung cấp 1.019 học sinh, đạt tỷ lệ 102%. Theo báo cáo, trong công tác đào tạo, nhà trường đã đẩy mạnh các biện pháp gắn đào tạo với thực tế sản xuất, tạo điều kiện để 100% học sinh sinh viên được tham quan, thực tập sản xuất tại doanh nghiệp, giúp người học củng cố kiến thức, trải nghiệm nghề nghiệp, rèn luyện tác phong công nghiệp, và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp,...

Thực tế cho thấy, năm 2017 đã có nhiều trường Cao đẳng, trung cấp nghề tạo được sự bứt phá trong tuyển sinh và gắn đào tạo với doanh nghiệp, điều này đã giúp cho số đông học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp tìm được công việc phù hợp với kỹ năng đã được đào tạo. Theo báo cáo của các Sở LĐ-TB&XH, tính đến tháng 9/2017 tuyển sinh học nghề đã đạt 1.381.355 người. Trong đó: cao đẳng: 122.432 người; trung cấp: 158.923 người; sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng: 1.100.000 người.

Trao quyền tự chủ gắn với giải trình trách nhiệm

Về những chuyển biến tích cực trong GDNN, TS Nguyễn Hồng Minh- Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Năm 2017 cột mốc quan trọng của hệ thống GDNN, Chính phủ chính thức giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN cho Bộ LĐ-TB&XH (trừ các ngành và trường trung cấp và cao đẳng sư phạm),.. Ngay từ khi được giao nhiệm vụ, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai, sắp xếp lại bộ máy quản lý để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GDNN. Đồng thời, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật GDNN để hỗ trợ các cơ sở GDNN trong hoạt động tuyển sinh và các hoạt động khác của cơ sở. Kết quả tuyển sinh cho thấy, bước đầu đã có sự thay đổi nhận thức của xã hội, của các bậc phụ huynh và các em học sinh khi quyết định con đường tương lai chính là học nghề, lập nghiệp.

Chất lượng đào tạo nghề được khẳng định, từng bước tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế. Kỹ năng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở GDNN được nâng lên; lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN, tỷ lệ này đạt trên 90%, đặc biệt có ngành, nghề đạt tỷ lệ 100%.

Thực hiện mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, TS Nguyễn Hồng Minh cho rằng: cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt chú trọng 3 nhóm giải pháp đột phá là: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDNN; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, Gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. 

PHƯƠNG MINH - ANH QUANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh