Đà Nẵng bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh
- Giáo dục nghề nghiệp
- 08:40 - 22/02/2022
Theo đó, Kế hoạch nhằm duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, các trường chuyên biệt trên địa bàn thành phố, bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.
Cụ thể, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu 80% trường học bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc sức khoẻ học sinh theo quy định; 90% trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học theo quy định; trên 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh; trên 95% trường học cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trong trường học bảo đảm chất lượng theo quy định.
100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh, trong đó 70% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định, 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh; 100% trường phổ thông có nhà vệ sinh riêng biệt cho học sinh nữ; 90% trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, trong đó 80% phòng học đạt yêu cầu về chiếu sáng theo đúng quy định, 70% trường học phổ thông bố trí bàn ghế bảo đảm cỡ số theo nhóm chiều cao của học sinh, phù hợp cho học sinh khuyết tật.
Đối với công tác giáo dục thể chẩt và hoạt động thể thao trong trường học, thành phố phấn đấu 80% trường học bố trí ít nhất 1 khu vực bảo đảm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao theo quy định; 85% trường học tổ chức hoạt động vận động thể lực phù hợp cho học sinh thông qua các hoạt động thể thao ngoại khóa, hình thức câu lạc bộ thể thao; 100% trường phổ thông tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại thể lực học sinh theo quy định.
Đồng thời, 100% trường học định kỳ tổ chức thi đấu thể thao theo quy định của pháp luật về thể dục, thể thao; 100% trường phổ thông có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…
Về việc tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học, Kế hoạch đặt mục tiêu 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khoá, hoạt động ngoại khoá; 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó 70% trường học xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm; 70% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định; phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu này đối với các cơ sở giáo dục mầm non.
Đối với công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ học đường trong trường học, phấn đấu 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 70% học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khoẻ tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi…
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu 90% trường học ở khu vực đô thị và 70% trường học ở khu vực nông thôn ứng dụng, triển khai hiệu quả phần mềm quản lý, theo dõi và thống kê, đánh giá về sức khỏe học sinh; 90% trường học ở khu vực đô thị và 70% trường học ở khu vực nông thôn triển khai các phần mềm đánh giá tình trạng dinh dưỡng và phần mềm xây dựng thực đơn cho học sinh (đối với trường học có tổ chức bữa ăn học đường)…