CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:57

Khủng hoảng tâm lý học đường vì Covid-19

Học sinh học online trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid19.

Học sinh học online trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid19.

Sang chấn tâm lý đối với học sinh

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, học sinh vừa phải trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý lại vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang gián tiếp. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa kể những yếu tố rủi ro vì dịch bệnh như các em bị mồ côi cha mẹ, mất người thân. Vì thế, những sang chấn tâm lý đối với các em là không thể tránh khỏi, đặc biệt một số em bị khủng hoảng tâm lý.

PGS, TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, học sinh chịu tác động của dịch Covid-19 có biểu hiện suy giảm trí nhớ, khó tiếp thu bài học, căng thẳng, lo âu. Những gia đình nghèo, bố mẹ mất việc, đối mặt nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng khiến học sinh tự ti, sợ hãi. Học trực tuyến trong thời gian dài, thiếu vắng sự tương tác trực tiếp với giáo viên khiến học sinh dễ chán nản, không có hứng thú học tập. Ông lưu ý phụ huynh, giáo viên để ý những dấu hiệu căng thẳng ở học sinh, như: Thích ở một mình, buồn bực không lý do, mất hứng thú với đam mê, luôn cảm thấy mình thất bại… “70% học sinh khi bị stress có suy nghĩ tiêu cực đến cái chết và thực tế đã có những cái chết thương tâm xảy ra. Ở độ tuổi vị thành niên, học sinh chịu nhiều áp lực từ gia đình, ganh đua điểm số với bạn bè và những buổi học dày đặc khiến các em kiệt quệ về tinh thần”, PGS,TS Phạm Mạnh Hà nói.

Cô Nguyễn Hương Thảo, giáo viên Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng, vấn đề khiến cô cùng các đồng nghiệp lo lắng hiện nay là sức khỏe tâm thần của học sinh. Việc học sinh ngồi bên máy tính, không có bạn bè bên cạnh để giao tiếp, vận động trong thời gian dài dễ khiến sức khỏe tâm thần của các em bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, trước khi học sinh quay lại trường học, cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm thú vị tại trường.

Cảnh báo khủng hoảng tâm lý học đường vì Covid-19 là vấn đề được nhiều chuyên gia giáo dục đặt ra. Những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, đội.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc triển khai tư vấn tâm lý học đường hiện còn nhiều khó khăn trong bối cảnh ngành giáo dục chưa có đội ngũ chuyên trách. Đây là vấn đề khó mà ngành giáo dục đang phải tháo gỡ. Thực tế, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các học sinh mà cũng ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của các thầy, cô giáo. Trước mắt, chính các thầy, cô cũng phải biết cách cân bằng công việc gia đình và công việc của trường lớp để có quỹ thời gian phù hợp, làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho các học sinh.

Cần sự chung tay, đồng hành của phụ huynh với thầy, cô giáo

PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Để giúp học sinh vượt qua những vướng mắc về tâm lý trong thời gian nghỉ học dài ngày, cần sự chung tay và đồng hành của các bậc phụ huynh với thầy, cô giáo. Với những trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, giáo viên, phụ huynh cần có nhận thức đúng đắn câu chuyện này; gọi tên cảm xúc, tìm hiểu bản chất của trẻ để thải độc cảm xúc thay vì phán xét, đổ lỗi. Phụ huynh và con cần dành thời gian cho nhau để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia, tham gia các hoạt động giao lưu là một cách giảm căng thẳng cho học sinh. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).

Theo các chuyên gia, tham gia các hoạt động giao lưu là một cách giảm căng thẳng cho học sinh. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).

Bộ GD&ĐT mới đây đã ban hành văn bản gửi các Sở GD&ĐT; trường đại học, cao đẳng sư phạm về việc hỗ trợ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh vấn đề tâm lý. Theo đó, các cơ sở giáo dục cần phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho học sinh khi gặp những vấn đề về tâm lý, an sinh; xây dựng kế hoạch, phương án tư vấn trực tuyến, tư vấn cá nhân khi học sinh cần.   

Để khắc phục phần nào thực trạng này, Bộ GD&ĐT vừa phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức tập huấn trực tuyến cho 1.000 cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19. Các chuyên gia tâm lý Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ với các thầy, cô về kinh nghiệm và kiến thức của 4 chuyên đề gồm: Nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch Covid-19; hướng dẫn kỹ năng tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch Covid-19 và sau khi quay lại trường học; nguy cơ tổn thương tâm lý trên không gian mạng và những phương thức giáo viên, phụ huynh tư vấn hỗ trợ; hướng dẫn các kỹ thuật cân bằng công việc và gia đình cho cán bộ, giáo viên.

Chương trình cũng trang bị cho cán bộ tư vấn tâm lý, giáo viên những kỹ năng về tư vấn, hỗ trợ học sinh khi gặp những khó khăn tâm lý, kỹ năng giúp học sinh bảo đảm an toàn, phòng chống bạo lực, xâm hại và các kỹ thuật giúp cán bộ, giáo viên cân bằng giữa công việc và gia đình.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh