THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:19

Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD&ĐT: Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" còn phù hợp

Khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn được đặt ở vị trí trang trọng tại nhiều trường.

Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" được đặt ở vị trí trang trọng tại nhiều trường.

Theo GS Trần Ngọc Thêm, xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Và để có con người chủ động thì cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi". Và cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.

“Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển", GS Trần Ngọc Thêm nêu quan điểm.

Nêu dẫn chứng về sự thụ động, GS Thêm cho biết, trong cuộc khảo sát năm 2020 của đề tài cấp Nhà nước về triết lý giáo dục với 3.070 người tham gia, trả lời câu hỏi về những tật xấu mà học sinh - sinh viên Việt Nam cần tránh thì “bệnh thụ động” đứng ở vị trí thứ 4; “thói dựa dẫm, ỷ lại” đứng thứ 8. Thêm vào đó, "thói cào bằng, đố kỵ” đứng thứ sáu. "Tính thụ động của người Việt hội tụ ở mức độ đậm đặc trong giáo dục qua khái niệm "trồng người", “tiên học lễ, hậu học văn”.

“Sáng tạo thuộc về tài năng, trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ lễ, “Tiên học lễ hậu học văn”, để đề cao sự phục tùng”, GS Thêm nói.

Đề xuất trên của GS Thêm ngay lập tức gây chú ý và gây ra một cuộc tranh luận trong giới học thuật cũng như trong dư luận xã hội, khi những quan niệm này vốn đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc, được xem là nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam.

 

Bày tỏ quan điểm về việc nên hay không chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho rằng, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn phù hợp. Bởi, "lễ" không chỉ là lễ phép, đó còn là đạo đức làm người, "văn" là học văn hóa. Trước hết phải học đạo đức làm người, sau đó mới đến học văn hóa. Bởi con người lấy đức làm gốc. "Con người cần những khuôn phép nhất định, không đến mức gạt hết tất cả cá tính, bản sắc của mình để theo lễ giáo khô cứng, nhưng cần chuẩn mực đạo đức", GS Thuyết nêu quan điểm.

 PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng gốc cơ bản của mỗi người là “đức”. Đổi mới giáo dục không phải đổi mới khẩu hiệu, điều quan trọng nhất là giáo viên nắm rõ nội dung chương trình giảng dạy và có cách thức truyền đạt mới mẻ, hấp dẫn, kích thích sự sáng tạo.

“Nói cách khác, muốn khuyến khích học sinh gia tăng kỹ năng phản biện, không cần bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" mà người thầy phải áp dụng nhiều phương pháp dạy học linh động hơn, thầy trò cùng trao đổi vấn đề. Các em được quyền thể hiện cái tôi trong giới hạn cho phép. Hơn thế, mục tiêu lớn nhất của giáo dục chính là hình thành nên những thế hệ học sinh có sự phát triển hài hòa giữa trí tuệ và nhân cách, biết tư duy sáng tạo nhưng đồng thời cũng phải thấu hiểu đạo lý. Bản thân tôi dù ở cương vị là giáo viên hay học trò thì vẫn luôn tôn kính người thầy và đối đáp nhau một cách trân trọng ”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc truyền tải tri thức, người thầy còn phải truyền cảm hứng, gieo khát vọng cho học trò. 

Theo các chuyên gia, quan điểm Tiên học lễ, hậu học văn vẫn phù hợp với giáo dục hiện nay. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).

Theo các chuyên gia, quan điểm "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn phù hợp với giáo dục hiện nay. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).

“Nếu chỉ vì cho rằng câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” tập trung quá nhiều vào người thầy trong khi hiện tại chúng ta phát huy tư duy sáng tạo, phản biện của học trò nên bỏ khẩu hiệu này, thì có phần khiên cưỡng. Bởi lẽ, nhìn rộng ra thì giáo dục đào tạo là giáo dục cả tri thức và nhân cách cho đứa trẻ, muốn thế cũng phải dạy con biết lễ phép với thầy cô, người lớn, biết nhường nhịn em nhỏ. Quan điểm cá nhân tôi thì không cần thiết phải bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” mà làm sao bỏ được suy nghĩ ăn sâu trong tâm trí nhiều người thầy rằng họ chính là đại diện cho tri thức. Và đương nhiên, nếu thầy không phải là độc tôn tri thức thì mối quan hệ thầy trò cũng cởi mở hơn, học sinh có thể phát huy sự sáng tạo, tư duy phản biện với các vấn đề được học”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, dưới sự ảnh hưởng của lễ giáo Nho học, "Tiên học lễ, hậu học văn" đã trở thành khẩu hiệu không thể thiếu ở hầu hết các trường phổ thông. Nó mang ý nghĩa tốt đẹp, như một lời nhắc nhở mỗi học sinh và giáo viên khi đã bước chân vào ngành giáo dục thì điều đầu tiên phải học là học về lễ độ, cách ứng xử.

“Tuy nhiên, đã đến lúc nên chấm dứt khẩu hiệu này bởi mỗi thời đại cần đưa ra một khẩu hiệu, phương châm giáo dục riêng. Không nên đem khẩu hiệu từ thời Nho học, phong kiến để áp vào thời đại xã hội chủ nghĩa; nhất là giai đoạn kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp như hiện tại. "Trong giai đoạn kinh tế tri thức, cần phải xem xét để đưa ra khẩu hiệu mà ở đó đòi hỏi con người làm chủ được tương lai, tri thức và công nghệ; chứ không đơn thuần là "lễ và văn" như thời xưa. Giáo dục kiến tạo, giáo dục hướng đến sự tự do… rất cần cho việc giáo dục con người trong thời đại mới", GS Phạm Tất Dong nói.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh