CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:00

Cựu tù Phú Quốc và lá cờ làm bằng máu

 

Ở tuổi 72, cựu tù Phú Quốc Nguyễn Thế Nghĩa vẫn miệt mài mưu sinh trong tiệm sửa giày nhỏ của mình tại thành phố Bắc Giang.

Gửi đến triển lãm "Đi qua cuộc chiến" lá cờ đỏ búa liềm và bức vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu, ông cho biết, đó là kỷ vật một thời tuổi trẻ mà ông luôn gìn giữ.

Sinh năm 1945 tại làng Đình Bảng (Tiên Sơn - Bắc Ninh), vì lời dặn của mẹ là lớn lên phải diệt giặc trả thù cho cha, năm 22 tuổi, Nguyễn Thế Nghĩa viết đơn xung phong đi bộ đội. Tuy nhiên, chỉ nặng 38 kg nên nhiều lần khám tuyển anh đều bị loại. Một lần, Nghĩa giấu hai quả cân vào người để thêm cân nặng. Tuy nhiên, sau đó anh lại được thông báo không thuộc diện lấy quân vì là con trai độc nhất trong gia đình có bố liệt sĩ.

"Tôi không chấp nhận nên đã dùng máu của mình để viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Cuối cùng tôi cũng được cầm súng vào chiến trường", ông cho hay.

 

Ông Nguyễn Thế Nghĩa tại triển lãm "Đi qua cuộc chiến". Ảnh: Giang Huy

 

Năm 1969, đơn vị đặc công CK25, trung đoàn 320, trực thuộc Bộ tư lệnh miền Nam do ông Nghĩa chỉ huy nhận được lệnh ám sát một lãnh đạo của chính quyền Sài Gòn. Ông cùng bảy chiến sĩ khác làm nhiệm vụ từ 6h sáng đến 2h chiều nhưng nhiệm vụ bất thành. Trên đường rút lui, ông và đồng đội bị biệt kích của địch chặn đường.

Lúc đó, khẩu K54 của ông chỉ còn bốn viên đạn, khi đã dùng hết ba viên, không muốn rơi vào tay giặc nên ông đã bóp cò tự sát. Nhưng viên đạn không nổ, biệt kích ập đến bắt. 

"Tay tôi bị còng, lúc đó xung quanh có rất nhiều người. Tôi chỉ biết đưa mắt nhìn bà con lần cuối và nghĩ lần này mình đi không bao giờ có thể quay lại đây nữa", ông Nghĩa kể.

Sau khi bị bắt, ông bị kết án tử hình rồi bị đày ra nhà tù Phú Quốc - nơi được xem là "địa ngục trần gian". Ở đó, ông và các đồng đội bị tra tấn thường xuyên, người thì bị nhốt vào chuồng cọp kẽm gai, người bị bẻ răng, đóng đinh...

Từ ngày bị bắt rồi bặt vô âm tín, đồng đội tưởng ông đã bị giết hại nên giấy báo tử ghi tên ông được gửi về quê hương.

Ở trong tù, ông Nghĩa được giao nhiệm vụ Bí thư chi bộ để dẫn dắt đồng đội đấu tranh chính trị. Cuối năm 1970, ông được thông báo phải chuẩn bị lễ kết nạp đảng cho ông Lê Đức Thiện, quê ở Lý Nhân, Nam Hà.

"Nghi thức kết nạp cần lá cờ đỏ búa liềm, mà trong chốn lao tù làm sao có? Còn ba ngày nữa là đến lễ kết nạp nên tôi rất lo lắng, có hôm thức trắng đêm để nghĩ cách", ông cho hay.

Rồi một hôm, có người đồng đội nói với ông: "Anh Nghĩa ơi lấy máu làm cờ được không?".

"Mừng quá, tôi đã quẹt tay vào tấm tôn cánh cửa, sau đó xin băng gạc của giám thị quấn vào. Khi máu đã thấm vào, tháo băng gạc ra thì chỗ đậm, chỗ nhạt nên các đồng đội trong tù đã đề nghị: Cho chúng em góp với, rồi cắn tay chảy máu để nhỏ vào, tạo thành lá cờ đỏ. Chúng tôi tán viên thuốc chống phù nề của tù binh màu vàng rắc lên vẽ hình búa liềm", ông Nghĩa kể.

 

Lá cờ Đảng (trái) và bức vẽ Hồ Chủ tịch (phải) được làm bằng máu của những cựu tù Phú Quốc. Ảnh: Giang Huy

 

Hoàn thành lá cờ Đảng, ông cắn dập một đầu que tăm chấm vào máu để vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên một mảnh giấy nhỏ. Bức tranh vẽ xong, nhiều người không cầm được nước mắt và thốt lên "Bác của chúng ta đây rồi". Tất cả đều rưng rưng xúc động. 

"Để buổi lễ diễn ra trang nghiêm, tôi mượn chiếc áo lành lặn nhất của một bạn tù quê ở Hà Tĩnh, gắn hình Bác Hồ và lá cờ Đảng bên ngực trái. Bên ngoài tôi vẫn mặc chiếc áo rách phòng khi quân cảnh đi tuần. Buổi lễ kết nạp đảng viên mới của Đảng bộ nhà tù Phú Quốc diễn ra thành công", ông Nghĩa nhớ lại.

Cựu tù Phú Quốc kể, sau lễ kết nạp, chiến sĩ ở Nhà tù Phú Quốc cất giữ lá cờ, hình Bác như một “báu vật” và còn được mang ra trong mỗi dịp sinh hoạt văn hóa, hay các buổi họp bí mật, lễ kết nạp đảng viên mới...

Khi hiệp định Paris ký kết vào năm 1973, nhà tù Phú Quốc giải thể, các tù binh được trao trả. Ông Nghĩa quay về đơn vị.

Đất nước thống nhất, ông mang theo lá cờ và hình vẽ Bác Hồ trở về quê hương.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh