CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:55

Cuộc họp bí ẩn thống nhất… án bỏ túi

Bài 2

Không chỉ lộ file ghi âm tố cáo Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) nhận 50.triệu đồng để chạy án, một bằng chứng khác cũng “tố cáo” ba ngành của huyện này gồm Viện KSND – TAND – Công an đi ngược với cải cách tư pháp, vi hiến, vi phạm các quy định của pháp luật thể hiện trong cuộc họp thống nhất nội dung khởi tố bị can, bắt giam một phụ nữ đang mang thai. 

Họp án

Như báo Điện tử Dân Sinh đã phản ánh, chị Hoàng Thị Hương, ở xã Hòa Phú, (huyện Chiêm Hóa) có vay của chị Phan Thị Thanh số tiền 70 triệu đồng, với lãi là 5000 đồng/triệu/ngày. Chị Hương đã trả cho chị Thanh 20 triệu đồng tiền lãi. Chị Hương vẫn ý thức với khoản nợ và trách nhiệm trả nợ, song do kinh tế khó khăn, chị chưa thanh toán được. Không tạo điều kiện cho chị Hương trả nợ, chị Thanh đã làm đơn gửi Công an huyện Chiêm Hoá, kết quả là chị Hương bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Biên bản họp giữa Công an - Tòa án - Viện kiểm sát với nội dung thống nhất khởi tố bị can

Nhà nước có chủ trương cải cách hệ thống tư pháp, nâng quyền lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là tòa án với tiêu chí “tòa án xét xử công khai, độc lập”. Đi ngược lại điều này, ngày 1/7/2014, đại diện 3 cơ quan tiến hành tố tụng: Cơ quan CSĐT Công an huyện Chiêm Hóa gồm: Ông Phạm Xuân Tuyên, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, ông Đặng Đình Cường,  Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, ông Đặng Trung Tuyến,  Điều tra viên, ông Triệu Đức Kiên, cán bộ điều tra; Viện KSND huyện Chiêm Hóa gồm ông Vũ Văn Tuyên, Viện trưởng Viện KSND, ông Ma Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện KSND, bà Ma Thị Kim, Kiểm sát viên; Tòa án nhân dân có ông Ma Hồng Thắng – Chánh án TAND, đã tiến hành họp. Biên bản họp liên ngành của “bộ ba quyền lực” đều thống nhất “khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Hoàng Thị Hương với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Và như được ủng hộ từ cơ quan tư pháp, kiểm sát, Cơ quan CSĐTđã thực hiện bắt người.

Điều này là vô cùng khó hiểu, dư luận cho rằng, nếu ba ngành đã thống nhất với nhau về việc khởi tố thì có gì để Viện KSND “giám sát” và Tòa án còn gì để “xét xử độc lập”. Mỗi một cơ quan có một chức năng, nhiệm vụ riêng trong việc thực hiện các công đoạn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nhưng nay, tất cả các cơ quan đã ngồi thống nhất được với nhau rồi thì ai sẽ là người mang chức năng giám sát việc thực hiện, tuân theo pháp luật của cơ quan khác như quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự? Có phải chỉ cần có sự thống nhất ba ngành như thể hiện trong biên bản nêu trên thì việc có hay không hành vi cấu thành tội phạm không còn quan trọng nữa?

Điều đáng nói ở đây là Chánh án TAND huyện Chiêm Hóa lại là một thành phần của cuộc họp và thể hiện quan điểm “đồng ý với đề xuất của ông Tuyến (đồng ý với ý kiến đề xuất khởi tố vụ án, khởi tố bị can của điều tra viên)”. Trong hệ thống Tòa án đã từng tồn tại nhiều trường hợp thẩm phán chờ chánh án “duyệt án”, và ở trong vụ án này có lẽ cũng không ngoại lệ, khi chánh án tham gia họp liên ngành với nội dung “quán triệt  tư tưởng” và “định hướng xét xử”. Và dĩ nhiên, người ta sẽ nghĩ sự nỗ lực của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương trong cuộc cải cách tư pháp là đổ xuống sông xuống bể, nếu không thì “chỉ là nói miệng”, tức nói mà không làm nếu như bỏ qua việc làm này của ba ngành huyện Chiêm Hóa?

Đi ngược với cải cách tư pháp

Theo nhiều ý kiến, việc họp thống nhất của ba ngành nêu trên là “vi hiến” và là "tàn dư của án bỏ túi" mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội cùng toàn xã hội đang làm hết sức để loại bỏ. Xét riêng về chức năng, nhiệm vụ của ngành toà án cũng đã minh chứng cho điều này.

Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm…”.

Cùng với đó, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới xác định: “Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa… để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục…”; Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tiếp tục đề ra yêu cầu: “Đổi mới việc tổ chức phiên Tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, vai trò trách nhiệm của người tiến hành tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp…”.

"Thành quả" của buổi họp liên ngành là bản án sơ thẩm đầy sai sót

Và để đảm bảo nguyên tắc độc lập và chỉ tuân thủ pháp luật trong hoạt động xét xử, ngày 1/3/2007, Chánh án TAND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 01, trong đó nêu rõ: “Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về quản lí đối với các mặt công tác, đặc biệt là chất lượng xét xử, không được lạm dụng việc tổ chức công tác xét xử, trao đổi ý kiến về chuyên môn nghiệp vụ để hình thành chế độ duyệt án, áp đặt quan điểm cá nhân trái với nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án…”.

Đây là những quy định mới, thể hiện sự kiên trì, quyết tâm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với tổ chức và hoạt động tư pháp, đặc biệt là tranh tụng trong xét xử. Việc “họp án” và thực hiện theo sự thống nhất về nội dung xử án (về tội danh, về mức án..) từ Chánh án, Kiểm sát viên, Điều tra viên mà dư luận lâu nay vẫn gọi là án "bỏ túi”, "họp án, gán tội”, là vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của Hội đồng xét xử đã được Hiến pháp và pháp luật quy định.

Trở lại nội dung trước, cuộc họp này được thực hiện ngày 1/7/2014, trước thời gian chị Hương bị khởi tố (ngày 19/7/2014), vậy là, lẽ ra cần thời gian để làm rõ sự thật và xác minh vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng lại họp lại để “bàn bạc, thống nhất bắt người”?! Thậm chí, theo phản ánh thì khi đó chị Hoàng Thị Hương đang mang thai, lẽ ra chị phải được kiêng cữ, chăm sóc đầy đủ và chu đáo khi mang thai, nhưng lại bị tạm giam. Mặt khác, theo đơn tố cáo, căn cứ vào biên bản họp liên ngành, một mặt ông Ma Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Chiêm Hóa đã đến gặp người nhà bị can và cùng "sếp" mình đút túi 50 triệu đồng. Cùng với đó, tại bản án số 16/2015/HSST ngày 26/5/2015, Thẩm phán Ma Ngọc Trung đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Thị Hương 2 năm tù theo Khoản 2, Điều 139 Bộ luật Hình sự, đúng y như lời hứa hẹn của ông Ma Văn Tùng khi gặp gỡ, trao đổi phương án giảm án cho chị Hương với người nhà của bị cáo.

ĐƯỜNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh