THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:58

Tuyên Quang: Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Chiêm Hóa chiếm đoạt 50 triệu đồng của bị cáo?

 

Không “ăn” một mình

Xuất phát từ vay mượn dân sự, song ba ngành của huyện Chiêm Hóa gồm Tòa án – Công an – Viện kiểm sát đã ngồi họp thống nhất khởi tố chị Hoàng Thị Hương (xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nhà nước đang không ngừng cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ kiểm sát để pháp luật được thực thi thống nhất, nghiêm minh. Thế nhưng, ông Ma Văn Tùng, người đứng dưới một người và trên muôn người tại Viện KSND huyện Chiêm Hóa lại có dấu hiệu làm ngược lại với chủ trương đó, ngang nhiên bất chấp quy định pháp luật, bất chấp quy tắc nghề nghiệp và đạo đức của một Kiểm sát viên.

Ông Ma Văn Tùng (đứng), người bị tố cáo nhận tiền chạy án vẫn đang yên vị trên ghế Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Chiêm Hóa

Cụ thể theo đơn tố cáo thì: Trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra một ngày, ông Tùng đã gặp người nhà của bị cáo Hương và đặt vấn đề “chạy án”. Điều kiện giảm án mà ông Tùng đưa ra là chị Hương phải bỏ ra 80.000.000 đồng và đặc biệt “không được thuê luật sư vào bào chữa”. Đoạn ghi âm thể hiện rất rõ quan điểm của ông Tùng là, hứa hẹn giảm án, thừa nhận đã nhận 50.000.000 đồng và có mang một phần trong số tiền đó đi biếu sếp.

“Đừng có nhờ luật sư. Luật sư vào chỉ cãi nhau, chả được việc gì… Có tài liệu quan trọng, bọn anh đưa ra khỏi hồ sơ rồi, nếu không đưa nó sẽ rơi vào khoản 3 (Điều 139 – Bộ luật Hình sự - pv). Nếu xử thẳng tay bọn anh xử 3 năm rưỡi. Chỗ anh em mình ngồi với nhau thì anh sẽ giúp…”, giọng nói được cho là ông Tùng oang oang trong file ghi âm.  

Và có lúc, người đàn ông mình đầy quyền lực thật thà: “Anh cũng trình bày với các anh ấy rồi. Rất chân tình. Anh sẽ giúp về đầu khung. Anh sẽ trao đổi với các sếp. Trong số 50.000.000 đồng đưa cho anh, anh đã đưa một phần cho các sếp rồi. Trách nhiệm của anh là sẽ nói với các sếp, coi như anh đứng ra xin các sếp, đến thời điểm sau vướng chỗ nào anh sẽ báo cho em…”.

Viện KSND là cơ quan thực hiện quyền công tố, quyết định truy tố người phạm tội ra trước tòa án và kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để pháp luật được đảm bảo, truy tố đúng người đúng tội đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vộ tội. Đằng này thì… Nói đến việc chia nhau số tiền của bị cáo, người đàn ông quyền lực trong file ghi âm được cho là ông Tùng luôn nhắc đến…“sếp”.  Ông Tùng là cấp phó, vậy “sếp” ở đây phải chăng là Viện trưởng hay ai đó cao hơn?

Vì sao lại khuyên bị cáo không nên mời luật sư, có khuất tất nên sợ luật sư phanh phui chăng? Hay xuất phát từ lòng tốt? Một cái lạ nữa là, vừa tham mưu cho gia đình bị cáo, người này còn khuyên: “Cứ vào tù ngồi đi, một năm thôi, anh sẽ lo cho ra sớm”.

Qua xem xét nội dung tố cáo, Công an tỉnh Tuyên Quang có nhận định: Hành vi của ông Ma Văn Tùng có dấu hiệu của tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 

Dư luận đặt câu hỏi, lời của người đàn ông này có đáng tin không? Với người hiểu luật thì đây là dấu hiệu tội phạm, còn với người nhà bị cáo thì dĩ nhiên là họ tin, vì các buổi gặp gỡ, ông Tùng đều mặc áo ngành, ông mà ra tay xin giảm án thì... kiểu gì cũng xong. Qua những hứa hẹn của ông Tùng mới thấy quyền của ông lớn cỡ nào. Như kiểu ông sai khiến được lãnh đạo cấp trên và có thể cùng “sếp” mình “nâng” bị cáo lên cao và “đặt” bị cáo ngồi vào khung án nào tùy thích?!

Cần làm rõ dấu hiệu oan sai

Bằng cái nghĩa cữ “giúp đỡ”, người đang ngồi ghế Phó Viện trưởng Viện KSND đã làm những gì? Thực tế, chị Hoàng Thị Hương có phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay không vẫn còn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Theo nội dung phản ánh thì, năm 2012, chị Hương làm thủ tục đăng ký Giấy CNQSD đất tại xã, và địa chính xã là anh Ma Trọng Thú trả nhầm cho chị bìa đỏ của ông Hà Đức Anh.

Tháng 8/2012, do kinh tế khó khăn, chị Hương có vay của chị Thanh số tiền 70.000.000 đồng, để đảm bảo cho khoản tiền vay này, chị Hương giao cho chị Thanh giữ Giấy CNQSDĐ nêu trên nhằm làm tin.

Trong thời hạn vay 5 tháng, chị Hương đã ý thức trách nhiệm của mình và đã trả cho chị Thanh 20.000.000 đồng tiền lãi. Nhưng vì quá khó khăn, chị Hương chưa kịp trả tiền gốc liền bị chị Thanh làm đơn tố cáo ra cơ quan công an. Ngày 19/7/2014, chị Hương bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước quyết định của Cơ quan CSĐT, không ít các ý kiến của chuyên gia, các nhà nghiên cứu luật cho rằng cơ quan này đang đánh đồng hành vi thực hiện giao dịch dân sự và hành vi cấu thành tội phạm hình sự với nhau. Bởi, Điều 139- Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”. Như vậy, vấn đề cần làm rõ ở đây là chị Hoàng Thị Hương có “thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác” hay không.

Mặc dù chưa có bản án sau cùng, song đáp án hẳn đã rõ. Bởi chị Hương vẫn có ý thức trách nhiệm với khoản nợ, vẫn trả lãi, thậm chí là lãi bằng gần một nửa số gốc và chị chưa có đủ điều kiện để trả gốc mà thôi. Còn lại, ba cơ quan gồm Công an – Tòa án – Viện kiểm sát đã làm những gì, có hay không việc cố tình đẩy một người đang mang thai vào trại tạm giam giam suốt gần 3 tháng trời. Những điều này sẽ được nói đến trong bài sau.

 (Còn nữa)

ĐƯỜNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh