Án oan sai là trách nhiệm của tòa
- Pháp luật
- 13:22 - 17/03/2015
Vừa qua Chánh án TANDTC đã trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhóm vấn đề dành cho Chánh án là tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Tỉ lệ phát hiện án oan sai chưa nhiều
Theo báo cáo của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình vừa được gửi đến UBTVQH thì trong 3 năm (2012 – 2014), các tòa án nhân dân đã thụ lý 205.758 vụ/374.226 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm; đã giải quyết 204.535 vụ/371.152 bị cáo, trong đó đưa ra xét xử 196.890 vụ/352.781 bị cáo. Đã thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 45.680 vụ/69.607 bị cáo; đã giải quyết 44.817 vụ/67.863 bị cáo, trong đó đưa ra xét xử phúc thẩm 35.350 vụ/55.540 bị cáo.
Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động dư luận
Tỷ lệ các bản án hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán trong các năm nói trên lần lượt là: 0,8% năm 2011, năm 2012 là 0,6% và 2013 là 0,7%, đến 2014 còn 0,6%. Trong khi đó, tỷ lệ các bản án, quyết định về dân sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là khoảng 2% và đối với án hành chính là khoảng 6%.
Tỷ lệ các bản án, quyết định hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án trong thời gian qua luôn ở mức thấp và giảm so với các năm trước. Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội.
Chánh án Trương Hòa Bình cũng cho biết, thực hiện yêu cầu của Quốc hội, các ngành liên quan đã xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan Trung ương, thụ lý xem xét 35 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Đây là con số chiếm 1,6% số bị cáo có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình trong 3 năm 2012, 2013 và 2014, báo cáo nêu rõ.
Theo Chánh án, trong số 35 trường hợp nêu trên, đã xem xét, giải quyết 24 trường hợp và kết quả giải quyết cho thấy về cơ bản, việc xét xử của tòa án là đúng pháp luật. Tuy nhiên, ngoài 21 trường hợp trả lời không có căn cứ kháng nghị cũng đã kháng nghị, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 3 trường hợp để làm rõ thêm các căn cứ xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Đối với 11 trường hợp còn lại, Tòa án Nhân dân Tối cao đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo quy định của pháp luật. Một số vụ án xét xử từ nhiệm kỳ trước, mà bị cáo có đơn kêu oan, theo ông Trương Hòa Bình, cũng đã được TANDTC xem xét trong năm 2014.
Như vụ án Lê Bá Mai tại Bình Phước, bị xét xử về các tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”; vụ án Hồ Duy Hải tại Long An, bị xét xử về các tội “giết người” và “cướp tài sản”; vụ án Huỳnh Văn Nén tại Bình Thuận, bị xét xử về các tội “giết người”, “cố ý hủy hoại tài sản” và “cướp tài sản”; vụ án Nguyễn Văn Chưởng tại Hải Phòng, bị xét xử về các tội “giết người” và “cướp tài sản”… Tuy nhiên, có oan sai ở các vụ án này hay không thì báo cáo không đề cập.
Xét xử lệ thuộc vào tài liệu cơ quan điều tra
Nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến oan sai, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng, bên cạnh một số thẩm phán, hội thẩm nhân dân còn hạn chế về năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp, thì việc xét xử các vụ án hình sự chủ yếu được thực hiện theo mô hình xét hỏi, dẫn tới hội đồng xét xử bị phụ thuộc phần lớn vào các tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập.
Một số trường hợp việc nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, trong khi đó việc tranh tụng chưa thật sự được quan tâm, chưa phát huy hết được vai trò của những người tham gia tố tụng, dẫn đến sai sót trong việc giải quyết vụ án. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xét xử, tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, Chánh án TANDTC nêu một số giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Trong đó có việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức tòa án về “tòa án thực hiện quyền tư pháp”, “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” và quyền của người bị buộc tội được suy đoán vô tội trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo đó, đối với những vụ án mà viện kiểm sát đã quyết định truy tố, nhưng khi tiếp nhận hồ sơ, tòa án xét thấy có những chứng cứ quan trọng không thể bổ sung tại phiên tòa hoặc có căn cứ xác định bị cáo phạm một tội phạm khác hoặc có đồng phạm khác thì tòa án không thụ lý mà chuyển trả hồ sơ để viện kiểm sát, cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung.
Trường hợp trong quá trình xét xử, nếu tòa án phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm hoặc có người phạm tội mới thì tòa án không tiến hành điều tra mà khởi tố vụ án để chuyển cho viện kiểm sát, cơ quan điều tra tiến hành điều tra.
Liên quan đến việc xử lý thẩm phán tuyên án oan, ông Bình cho biết có nhiều hình thức để xử lý, nếu xét xử oan không do lỗi chủ quan sẽ xem xét trong tái bổ nhiệm, xem xét trách nhiệm bồi thường. Còn nếu cố ý vi phạm thì xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu việc xác định tội phạm mới, người phạm tội mới đó có ảnh hưởng đến việc xác định tội danh, tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi mà bị cáo bị đưa ra xét xử đã thực hiện thì tòa án cũng tạm dừng việc xét xử đối với bị cáo đó để chờ kết quả điều tra bổ sung.
Với trường hợp tòa án đã trả hồ sơ để viện kiểm sát, cơ quan điều tra điều tra bổ sung nhưng kết quả điều tra bổ sung không làm rõ được những vấn đề mà tòa án đã yêu cầu thì tòa án có thể tự mình tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa để đưa ra phán quyết, bảo đảm việc xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Nếu kết quả điều tra bổ sung hoặc kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ và tranh tụng công khai tại phiên tòa cũng chưa đủ căn cứ vững chắc để kết tội thì phải tuyên bố bị cáo không phạm tội, đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc “suy đoán vô tội”.
Án oan sai, trách nhiệm thuộc về tòa án
Không chỉ với tòa án mà sai phạm ở nhiều khâu tố tụng khác cũng được các đại biểu nêu trong quá trình chất vấn, tuy nhiên, theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, cho dù nguyên nhân dẫn đến oan sai bắt nguồn từ khâu tố tụng nào, trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về tòa án.
Trước đó nhiều năm gia đình ông Chấn vẫn kiên trì làm đơn kêu oan (ảnh internet)
Chất vấn trực tiếp Chánh án TANDTC, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: "Bất kể sai ở đâu, nhưng nếu công dân bị oan thì trách nhiệm thuộc về tòa án, về thẩm phán. Nói thế có đúng không?". Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng, nếu tòa đã đưa ra xét xử rồi mà để oan sai thì tòa chịu, nhưng nếu chưa qua xét xử thì sai ở cơ quan nào, cơ quan đó chịu trách nhiệm.
Ở nhiều nước thì tòa án chịu trách nhiệm toàn bộ, vì kiểm soát từ đầu, còn Việt Nam không có quy định đó. "Có nhiều vụ án oan sai rồi nhưng bản thân tòa án các cấp tự mình có xác định được là đã xử oan sai không hay phải chờ kháng nghị và thư tố cáo mới biết? Khi xác định được rồi thì xử trách nhiệm người xét xử dẫn đến oan sai thế nào?", Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục chất vấn.
Trả lời, ông Bình khẳng định nhiều bản án của tòa án cấp dưới bị cấp trên sửa đó chính là ngành tòa án đã xác định sai và tự sửa. Mặt khác, Chánh án TANDTC cũng quy định là khi phát hiện có oan có sai thì phải báo cáo Chánh án để kháng nghị....