THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:46

Công tác xã hội - nghề của lòng nhân ái

 

Ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ

 

* Thưa ông, ông có thể cho biết tình hình thực hiện công tác xã hội của TP.Cần Thơ hiện nay?

- Ông Lê Văn Tâm: Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã thực hiện tốt các hoạt động về CTXH, bằng nhiều hình thức nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người được xem là yếu thế trong xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già...). Thành phố tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng và nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả của các đoàn thể để các đối tượng áp dụng sản xuất kinh doanh vượt lên thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.

Hiện thành phố luôn đảm bảo công tác trợ cấp xã hội, các đối tượng diện bảo trợ xã hội được hỗ trợ kinh phí thường xuyên và đã giao cho ngành LĐ-TB&XH theo dõi và thực hiện nhiệm vụ công tác này. Theo báo cáo năm 2017 của Sở LĐ-TB&XH, thành phố hiện có 1 trung tâm Bảo trợ xã hội, có 93 trường hợp đang nuôi dưỡng và chăm sóc, trong đó có 65 nam và 28 nữ, ở độ tuổi dưới 1 tháng đến 49 tuổi. Có 66 trường hợp bệnh và khuyết tật (42 đối tượng tâm thần và động kinh, 8 hội chứng Down, 10 khiếm khuyết, 1 đối tượng não úng thủy, 1 nghi nhiễm HIV, 4 chậm phát triển) và 27 trẻ bình thường.

 Ngoài ra, trên địa bàn thành phố cũng có một số cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt công tác bổ trợ xã hội ngoài cộng đồng như hỗ trợ, tư vấn, tham vấn về pháp luật, tiếp nhận đối tượng trong trường hợp khẩn cấp, phát triển cộng đồng với các Mô hình trợ giúp, nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mắc chứng tự kỷ, Tổ chức tập huấn, đào tạo lại và đào tạo ngắn hạn về nghề CTXH, truyền thông giáo dục nâng cao kỹ năng sống…

Thông qua các phương tiện truyền thông tại địa phương, đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về CTXH đến các đối tượng học sinh, người dân… giúp cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về công tác xã hội, về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Nhiều chương trình hoạt động đến các trường học được tổ chức để tìm hiểu các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ đó kết nối kêu gọi tài trợ nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho các em được tiếp tục học tập.

* Thành phố Cần Thơ đã tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH (Đề án 32) như thế nào, thưa ông?

- Ông Lê Văn Tâm: Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH tập trung tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về việc thực hiện đề án. 

Hàng năm, thành phố đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng CTXH cho hàng trăm lượt người, triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, trong đó có mô hình "Giáo dục, phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt" đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tư vấn nhắc nhở và hướng dẫn các cá nhân, gia đình quan tâm chăm sóc con em trong gia đình, bảo vệ phòng chống hành vi xâm hại đến trẻ em. Bên cạnh đó, thành phố cũng thường xuyên tổ chức nhiều chương trình hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu về nghề CTXH và tham gia tích cực hơn vào hoạt động này. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong trên địa bàn thành phố tham gia đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cung cấp dịch vụ CTXH… Hiện thành phố Cần Thơ đã mở các lớp đào tạo trung cấp nghề CTXH tại Trường Trung cấp nghề Thới Lai, huyện Thới Lai cho các cán bộ, nhân viên đang công tác trong lĩnh vực CTXH.

 

Nhiều hoạt động tuyên truyền về CTXH giúp cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình…

 

* Công tác xã hội có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thưa ông?

- Ông Lê Văn Tâm: CTXH là một trong những hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực của người dân, của cả cộng đồng để giải quyết các vấn đề phát sinh, các mâu thuẫn, bất bình đẳng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc của con người, vì tiến bộ, công bằng… Vì vậy thực hiện tốt CTXH chính là góp phần quyết định sự thành công bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đời sống người dân được bền vững. Ngay từ đầu năm, thành phố đã giao cho ngành LĐ-TB&XH triển khai thực hiện nghiêm túc CTXH, đồng thời phối hợp với các Sở ban, ngành thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình CTXH hiệu quả trên toàn thành phố.

Các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ CTXH đều là những người yếu thế trong xã hội, chính vì vậy thành phố xác định thực hiện tốt CTXH chính là đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sự công bằng xã hội đối với mọi người.

* Theo ông, cần làm gì để CTXH tại TP.Cần Thơ đạt được hiệu quả và tốt hơn?

- Ông Lê Văn Tâm: CTXH là một trong những lĩnh vực mang tính đặc thù, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là công việc mang sứ mệnh cao cả. Với những người làm CTXH chỉ có kiến thức thôi là chưa đủ, họ còn phải có cái tâm với cộng đồng để có thể cống hiến hết mình cho cộng đồng, bởi lẽ công tác xã hội còn là nghề của lòng nhân ái, yêu thương…Vì vậy thành phố luôn tạo mọi điều kiện để người làm CTXH có thể an tâm công tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi để viên chức có điều kiện tham gia học tập, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thành phố thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách về an sinh xã hội đến cộng đồng. Các Sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố thường xuyên phối hợp hoạt động, từ đó có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp tạo điều kiện cho đối tượng này phát huy năng lực bản thân, giải quyết khó khăn gặp phải.

Để thực hiện tốt công tác xã hội tại địa phương, theo tôi không chỉ các cơ quan nhà nước, CTXH rất cần các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội quan tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần góp phần tạo điều kiện thực hiện và chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng tốt hơn với mong muốn xã hội ta mọi người được đều được sự công bằng, sống ấm no, hạnh phúc.

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh