Công nghiệp 4.0 sẽ xuất hiện nhiều nghề nghiệp mới
- Giáo dục nghề nghiệp
- 18:36 - 14/12/2017
Hệ thống GDNN cần đổi mới toàn diện để đáp ứng yêu cầu trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0
Với những tác động sâu rộng đó đã buộc chúng ta phải có những thay đổi để thích ứng. Đó cũng là vấn đề chung được đặt ra tại Hội thảo khoa học “Tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến công tác giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam”, diễn ra tại TP. Huế ngày 13/12 vừa qua.
Công nghiệp 4.0 là bước đi tất yếu của việc tự động hóa trong môi trường sản xuất. Nó đã và đang tạo ra những thay đổi đột phá, có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, mỗi khu vực và toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Công nghiệp 4.0 cũng đặt ra không ít thách thức trong cạnh tranh, tạo việc làm ở môi trường sản xuất và kỹ thuật, đồng thời, cũng đặt ra các vấn đề phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu thay đổi trong tương lai.
Sự thay đổi của công nghệ luôn đòi hỏi kèm theo nó là sự thay đổi thích ứng của việc làm, phát triển kỹ năng, giáo dục và đào tạo. Công nghiệp 4.0 là một sự thay đổi có tính hệ thống, mang lại những thay đổi sâu rộng cho thế giới việc làm và lực lượng lao động của các quốc gia trên thế giới.
Theo NGƯT. TS. Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, thị trường lao động sẽ gặp những thách thức lớn giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động.
Bên cạnh đó, cùng với sự bùng nổ của Công nghiệp 4.0, sẽ có một sự dịch chuyển lớn nguồn lực lao động. Nhiều nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều nghề nghiệp mới. Các yêu cầu về trình độ và kỹ năng của người lao động để đáp ứng yêu cầu việc làm cũng tăng lên.
Do đó, trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, hê thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sẽ bị tác động mạnh mẽ và tòa diện. Danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì ranh giới giữa các lĩnh vực rất mong manh. Sẽ là sự liên kết của các lĩnh vực lý – sinh; cơ – điện tử - sinh, hình thành những nghề đào tạo mới, đặc biệt là những nghề liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy. Công nghệ thực tế ảo sẽ thay đổi cách dạy và học. Những khái niệm phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo sẽ trở thành xu hướng trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp thời gian tới.
Việc phát triển kỹ năng, giáp dục và đào tạo cho người lao động nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế trong tương lai đang rất được chú trọng ở nhiều quốc gia. Việt Nam cũng đã có nhiều biện pháp để rút ngắn khoảng cách kỹ năng, như: tăng đầu tư giáo dục – đào tạo, mở rộng mạng lưới đào tạo nghề, cung cấp nhiều hình thức đào tạo,…Tuy nhiên, nước ta vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức lớn.
Vì vậy, để thích ứng với sự thay đổi của Công nghiệp 4.0, theo TS. Hùng, các cơ sở GDNN ở Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường; thay đổi phương thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới mô hình nhà trường và phải thay đổi cả ở cấp vĩ mô và cấp cơ sở đối với GDNN.
Đồng quan điểm với TS. Hùng, TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cũng cho rằng, giải pháp đối với GDNN Việt Nam trong cách mạng Công nghiệp 4.0 cần phải: đổi mới về cơ chế chính sách, đổi mới quản lý GDNN, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đổi mới hoạt động đào tạo; đồng thời cũng cần phải nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDNN, phát triển đào tạo tại doanh nghiệp và gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Mặt khác, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo. Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đặt ra 4 nhóm giải pháp để giải bài toán về những yếu kém của giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đó là:
Phải thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, để từ đó xác định rõ nhu cầu, yêu cầu và cơ cấu lao động của từng ngành nghề, lĩnh vực, địa phương; về những yêu cầu đối với chuyên môn, kỹ thuật và các năng lực khác mà người lao động cần có để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh thế giới đang biến đổi nhanh chóng.
Cần đánh giá một cách toàn diện lực lượng lao động của nước ta hiện nay cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, đặc biệt là cần chỉ ra được những yếu tố kém, bất cập của lực lượng lao động Việt Nam.
Chính phủ phải chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong cả nước thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao.