THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:47

Côi cút giữa núi rừng

Xã Mồ Dề - nơi có nhiều đứa trẻ mồ côi đang bươn trải với cuộc sống.

Cơm chan nước lã

Chuyện tảo hôn, hẳn không có ai còn lạ. Không ai cổ súy cho điều này, song xét theo một khía cạnh nào đó thì cuộc hôn nhân vi phạm pháp luật đã mang lại hơi ấm, sự sống và sức sống cho kẻ cô đơn miền sơn cước. Đó là chuyện của thằng bé mang tên Sùng A Khua (xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Khua gầy, xanh xao, hơn mười tuổi nhưng bé tẹo như đứa trẻ học cấp 1 bị suy dinh dưỡng. Ấy vậy mà Khua đã có vợ và là cột trụ trong nhà. Chuyện thằng Khua lay lắt trong cái đói và đơn độc với căn nhà trống trên đỉnh núi không ai là không biết. Cha Khua là một thầy cúng. Mỗi lần cúng xong ông chỉ xin vài chén rượu nhạt chứ không đụng đến lễ lạt gì. Rồi một đêm mưa, ông đi cúng, có uống mấy ngụm rượu, trên đường về ông đã đổ bệnh mà chết, khi đó Sùng A Khua mới 10 tuổi. Khua kể: “Bố chết được mấy ngày, mẹ em đi lấy chồng luôn. Chỉ có mình em sống ở nhà thôi. Buồn lắm…”. Chả là người H’Mông trên vùng núi này, sau khi chồng chết, người đàn bà được phép tái giá, đứa con riêng thì có thể đem cho anh em nuôi, hoặc để vậy ở nhà cho nó sống một mình, miễn sao con ma rừng, ma bệnh không bắt là được. Mẹ Khua cũng vậy, chị tái giá, mặc kệ sự sống chết của con trai.

Bữa ăn của những đứa trẻ mồ côi đa phần là cơm chan nước lã.

Khua sống một mình, cô đơn, lạnh lẽo, đèn điện cũng không muốn thắp, nếu không nằm trong chăn nhìn ra ngoài trời thì ngồi bên bếp lửa trông tro tàn. Khua có sang nhà anh em chơi thì cũng phải đi hết quả đồi mới đến. Nghĩ đến Khua, mấy người anh họ cũng chạnh lòng, họ rủ nhau đi bắt cho Khua một người vợ. Họ đi mấy quả đồi, đi hơn chục cây số thì gặp được “cô gái” ưng ý, họ tìm cách bắt theo phong tục của đồng bào mình. Khi bắt được, mấy anh em khiêng về nhà đóng cửa. Cũng may cho Khua, người con gái đó đã đồng ý ở lại làm vợ, vậy là thằng bé côi cút trên đỉnh núi Mí Háng bỗng dưng có vợ.

Vợ Khua là Vàng Thị Pàng, hơn chồng một tuổi, là chị cả trong gia đình có 4 chị em gái và cũng mồ côi cha. Khi về làm dâu, Pàng đưa thêm cả đứa em út hãy còn trần truồng đến để sống cùng. Vậy là ba đứa trẻ hợp lại thành một gia đình.

Tài sản của những đứa trẻ này không có gì ngoài mấy bắp ngô vàng trên gác bếp. Ruộng nương chúng không làm được, phần vì không có sức, phần vì thời tiết khắc nghiệt, không một cây gì sống sót. Cũng không nuôi được con gì. Gạo thì chỉ còn được một bữa ăn và nửa nồi cơm nguội lạnh ngắt. Vợ chồng Khua không biết làm kinh tế, ai cho cái gì thì ăn cái đó, không thì chỉ ngồi nhìn nhau xuôi theo cơn giá rét mà thôi.

Vợ chồng Sùng A Khua – Vàng Thị Pàng. 

 

Cái chết lãng xẹt

Xót xa, nhưng ít nhất Tết vừa rồi, mẹ Khua còn dẫn cha dượng về ăn Tết. Còn Sùng Thị Mảy (học lớp 6, xã Mồ Dề) lại mang một nỗi buồn khác. Lâu lắm rồi em chưa nhìn thấy mẹ. Mẹ em đi đâu, làm gì, ở phương trời nào em đều không hay. Em bảo “từ khi mẹ lấy chồng, em mới chỉ gặp mẹ có một lần. Lần đó mẹ đưa em xuống chợ rồi thôi, lâu rồi không thấy mẹ về…”.

Mắt Mảy đỏ, mọng nước, luôn lắc đầu khi có ai đó vô tình nhắc tới mẹ. Cảm thông với nghịch cảnh của Mảy, một thầy giáo cắm bản kể: Người H’Mông trên này rất hiền, họ không bao giờ gây hấn, quát tháo, dọa nạt, xâm phạm đến ai. Đơn giản vì họ sợ. Sợ người bị mắng phật ý rồi ra sau nhà ngắt lá ngón ăn, chỉ dăm ba lá là xong cuộc đời và bứt dứt trong lòng cũng được giải tỏa. Họ chết với những lý do rất lãng xẹt, giản đơn, như trâu giẫm lúa, bị cản đi chơi, bị nói nặng một tiếng,… bụng dạ của họ chân chất, thật thà, mềm yếu, rất dễ bị tổn tương, dễ bị kích động.

Người lớn họ biết lựa chọn cái chết là không nên, nhưng bụng dạ họ không chịu nghe mà cây lá ngón thì cứ mơn mởn tươi tốt quanh nhà. Bố của Mảy cũng vậy!Lau dòng nước mắt, Mảy kể, nhà em ở bên kia quả đồi, ông bà sinh được ba người con trai, gồm bác, bố và chú. Bác lấy vợ, ra ở riêng. Còn bố, chú và ông bà ở cùng một nhà. Khi chú lấy vợ, bố muốn ra ở riêng nhưng chú không đồng ý. Lời qua tiếng lại, bố với chú cãi nhau. Chẳng hiểu bố nghĩ gì nữa, bố trốn ra sau nhà, tuốt nắm lá ngón ăn rồi chết, khi đó em mới 5 tuổi.

Sùng Thị Mảy phải ở nhờ nhà bác sau khi bố chết, mẹ tái giá.

Không lâu sau đó, mẹ Mảy đi lấy chồng khác và ở nơi nào đó xa lắm, Mảy chưa bao giờ đặt chân đến. Còn Mảy, khi bố chết, em ở lại nhà chú, sau khi ông bà chết em lại sang ở với nhà bác. Cũng may, nhà bác thương Mảy mà đón nhận em về, nếu không cũng không biết đi đâu về đâu. Giờ thì em buổi đi học, buổi đi vào rừng lấy củi, về nhà thì cõng em và làm việc nhà…

Người lớn ở đây suy nghĩ cũng đơn giản. Lá ngón là phương thức giải quyết xung đột. Bố của Mảy chẳng nghĩ được rằng, sau khi ông chết thì vợ sẽ đi lấy người khác, đàn con nheo nhóc sẽ mỗi đứa mỗi nơi, sống lay lắt. May mắn hơn là Mảy được đi học, lại gần trường, nhận thức cũng khá. Nhưng cũng vì có nhận thức nên em hiểu về nỗi đau khi không còn cha mẹ. Vậy nên khi nghĩ về mẹ, môi Mảy lại mím chặt, quay lưng về quả đồi xa xa, tay quệt nước mắt.

Không nơi bấu víu

Trên vùng cao, người ta hay truyền tai nhau những cây thuốc lá rừng. Thuốc đó chữa được rất nhiều bệnh, bệnh nào thuốc không chữa được thì đồng nghĩa với việc con ma rừng quyết bắt người bệnh đi. Một phần nguyên nhân có nhiều trẻ mồ côi là bởi cha mẹ ốm đau không có thuốc chữa, hoặc không biết cách chữa trị mà phần lớn là do hủ tục nữa.

Nói đến trẻ mồ côi ở xã Mồ Dề, người ta còn biết đến em Sùng A Sư. Chuyện gia đình nhà Sư cũng thật buồn. Bố Sư chết, không hiểu chết vì bệnh gì. Bốn mẹ con Sư quây vào đùm bọc nhau, nhưng chỉ hơn tháng là bà cũng bỏ các con mà đi.Chị gái Sư học xong lớp 9 thì đi lấy chồng, còn Sư và em gái côi cút, phải bỏ học giữa chừng. Sau đó em gái của Sùng A Sư được người ta đưa xuống Yên Bái. Sư cũng không biết đứa em mới hơn 4 tuổi xuống thành phố làm gì, ở đâu, sống như thế nào, chỉ biết rằng mình có một đứa em được người ta đưa xuống Yên Bái.

Nếp nhà thiếu bàn tay người lớn của những đứa trẻ mồ côi.

Tôi gặp trưởng bản Hả Háng Giàng Mào Váng, hỏi chuyện học hành, ông bảo “nhiều đứa nghỉ học quá, lát nữa sẽ phải đi động viên tiếp”. Hỏi ông về những đứa trẻ mồ côi ở miền sơn cước này, ông cười buồn: “Nhiều lắm, không đếm được đâu. Nguyên nhân dẫn đến trẻ mồ côi ở miền sơn cước thì nhiều. Có thể do bố mẹ cãi nhau rồi ăn lá ngón tự tử, có thể do bệnh tật không có tiền chạy chữa, hoặc cũng có thể do hủ tục mà chết”.

Quả đúng là không hiếm gặp những đứa trẻ mồ côi, không riêng đỉnh núi Mồ Dề, ở các xã khác tỉ lệ trẻ mồ côi cũng không kém, có đứa mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Nguyên nhân dẫn đến mồ côi không có gì khác so với lời trưởng bản vừa nói. Song, những đứa trẻ, mỗi đứa lay lắt sống mỗi kiểu. Có đứa phải ăn cháo quanh năm, lại có đứa quanh năm ăn ngô và chỉ khi Nhà nước cứu tế mới được ngửi thấy mùi cơm. Và ở cái nơi được xem là khí hậu khắc nghiệt nhất nước này, những đứa trẻ mồ côi như thằng Khua, thằng Sư, không đi học, cũng không biết làm nương, song vẫn phải sinh tồn, mà có lẽ như chúng nói, nếu có cơm hoặc có ngô thì nấu lên, cho ít muối, rót nước lã vào mà ăn để sống, chứ chẳng có cách nào khác !   

HẠNH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh