THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:50

Mưu sinh giữa chốn thâm u

Bài 2: Mưu sinh giữa chốn thâm u

Làng Đựa nghèo, làng Đựa đói, làng Đựa rách thì các vùng lân cận đã biết đến từ vài ba chục năm trước. Còn độ mươi năm lại đây, cái làng giữa rừng xanh đó được biết đến với một cái tên khác. Làng rùa vàng, hay còn gọi là làng đốt than.

Giấc mơ đổi đời

Không phải vô cớ mà người ta gọi tên làng là “làng rùa vàng”. Đó là kết quả của những chuyến săn rùa. Nhiều năm trước rùa vàng có giá khoảng 30 triệu đồng/kg, nay giới săn rùa đã ra giá trên 300 triệu đồng/kg.

Năm trước, khi nghe dân làng Đựa bắt được rùa vàng, chúng tôi đã đến làng thăm. Khi đó anh Lự Văn Nghĩa, người bắt được rùa vàng chỉ tay vào cặp trâu cột dưới sàn nhà, nói: “Chúng tôi có trâu, có bàn ghế, tiện nghi đầy đủ. May bắt được rùa mới có cơ hội đổi đời thế này chứ bằng không thì bốn bề núi rừng, đến miếng ăn còn lo không nổi”

Làng Đựa (thuộc xã Phúc Đường, huyện Như Thanh, Thanh Hoá).

. Cái may của anh Nghĩa là hôm ấy, anh vào rừng đi lấy hoa chuối, khi về thấy dấu chân rùa xuống suối, anh đã chặt nứa, đan thành rọ làm bẫy. Gần 3 tháng sau, anh mới tóm được con rùa bán được 20 triệu đồng.

Tiếp theo anh Nghĩa, anh Lự Văn Cạy (hay còn gọi là Dương Văn Cạy) cũng bắt được rùa bán được 30 triệu đồng. Thấy anh Cạy, anh Nghĩa bắt được rùa, nhiều người trong làng, rồi người dưới xuôi đua nhau vào rừng săn rùa vàng.

Tuy nhiên, hầu hết họ đều không gặp may, nhiều người bắt được rùa nhưng không phải là rùa vàng. Trong khi đó, ruộng, vườn không làm, cây cối mọc um tùm.

Hơn 10 năm qua, làng Đựa không có gì thay đổi, những nhà bắt được rùa vàng năm xưa giờ vẫn nghèo như vậy. Nhưng gia đình anh Cạy, trâu, bò, lợn đều phải bán hết để nuôi 4 đứa con.

Bà Thanh và con dâu buồn trước bệnh tật và đống thuốc ngốn trọn số tiền kiếm được hàng ngày.

Hàng năm vẫn phải xuống xuôi xin từng mảnh vải, quần áo cũ về nhà chắp vá lại thành áo để mặc cho khỏi lạnh. Anh Cạy giờ không thể lao động được, còn vợ anh, chị Thanh lại ốm đau triền miên, phải nằm hết viện này đến viện khác. 

Giọt nước mắt buồn

Lần này, tôi tìm đến làng Đựa đúng lúc chị Thanh xuống xuôi về. Trên vai chị mang theo một bao tải nhỏ, bên trong là gạo. Chị bảo: “Nhà hết tiền rồi, tôi phải đi xuống xuôi mua chịu gạo về ăn”.

Tôi hỏi: “Chị có thường xuyên mua chịu thế này không?” Chị đáp: “Ôi dào! Mua chịu là chủ yếu chứ chú. Họ biết là tôi không có tiền, nhưng thấy chúng tôi đói quá nên chạnh lòng, dù không muốn, họ cũng đành bán chịu mà chú. Cứ ăn trước rồi trả sau ấy mà”.

Nhìn căn nhà của anh Cạy, chị Thanh, tôi không khỏi chạnh lòng. Ngoài căn nhà xây bao vài chục mét vuông do Nhà nước cho, trong nhà chị không có bất cứ một thứ gì.

Căn nhà tạm bợ của anh Hào, con trai út bà Thanh.

Mùa đông lạnh thế này, nhưng đến cái giường cũng không có, bàn ghế cũng không, trống huơ trống hoắc từ ngoài vào trong, ngay như cái áo khoác màu vàng hoen ố chị đang khoác cũng là do thanh niên dưới xuôi mang lên cho.

Không có chỗ ngồi, chị Thanh ngượng ngùng đưa ra một vài khúc củi để khách ngồi, còn chị ngồi bệt xuống đất, chân tay bùn đất nhơ nhớp. Đúng là từ khi lên làng Đựa làm dâu, ngoài cái năm bắt được rùa ra, hầu như mùa đông năm nào chị cũng phải xuống xuôi xin áo cũ, áo ránh về chắp vá lại để mặc cho đỡ lạnh.

Nhìn cảnh chị Thanh, tôi không cầm lòng được. Song đó chưa phải là hoàn cảnh khó khăn nhất ở làng Đựa. Có lẽ hộ anh Dương Văn Hào (hay còn gọi là Lự Văn Hào, con trai út bà Thanh) là hộ khó khăn nhất và cũng là hộ duy nhất ở làng chưa được Nhà nước hỗ trợ xây nhà.

Vách nhà anh là tấm phên nứa đan vội, cột nhà là cái cây khô trong rừng. Đứng ở trước sân có thể nhìn thấu ra được sau nhà. Khách đến thăm nhà, anh rót bát nước sôi để nguội ra mời nhưng chẳng biết để đâu. Bàn ghế không có, mà cầm trên tay thì ngượng nên đành kéo khách đến bếp lửa ngồi.

Để khách ngồi lên đoạn củi đang cháy dở rồi đặt bát nước xuống đất, thi thoảng nâng bát lên nhấp môi, bằng tấm lòng chân chất, thành thật, anh nói với khách, đây là thứ duy nhất có thể đưa ra tiếp khách lúc này.

Hào gầy, năm nay mới 19 tuổi, vợ anh 21 tuổi. Ai cũng gọi vợ chồng anh là “vợ chồng thuốc”. Bởi, Hào mới đi cắt ruột thừa về. Vợ anh, chị Lương Thị Vượng, mang trong mình tới 6 loại bệnh, nào bệnh gan, lá lách, ruột thừa, rối loạn tuần hoàn não, dạ dày,... bệnh đã làm cho người phụ nữ vốn đã còi cọc giờ trở nên ốm yếu hơn, chị còn được 32kg.

Bên bếp lửa, trò chuyện với chúng tôi, thi thoảng mắt Hào ướt nhèm: “Chúng em không biết làm gì ra tiền ngoài vào rừng chặt củi đốt than. Mà được đồng nào lại phải đi mua thuốc đồng đó.

Nhiều hôm bán cả con lợn được hơn hai triệu đồng, để dành một ít mua gạo, còn bao nhiêu đem cả đi mua thuốc. Thuốc nhiều, phải mua một cái túi to để đựng mới hết. Nhiều lúc về nhà nhìn túi thuốc mà không ăn được cơm, nước mắt lại chảy ròng, ngẫm sao cuộc sống nơi núi rừng này khổ đến quá trời...”.

Chị Tĩnh, vợ anh Vụ cùng các con bên căn nhà rách ven đồi. 

Còn vợ chồng anh Lự Văn Vụ cũng không khá hơn. Anh vào Ninh Thuận làm thuê, tình cờ gặp chị Tĩnh, hai người cưới nhau và về làng Đựa sinh sống, cho đến nay đã 5 năm, có 2 mặt con, vậy mà Tĩnh vẫn chưa được một lần về quê, cũng không hay biết quê hương, anh chị em trong quê bây giờ thế nào. Nhà của vợ chồng Vụ nằm bên mép đồi, trong nhà cũng chẳng có cái gì đáng giá.

Chặt cây đốt than là công việc hàng ngày

Khi tôi đến làng Đựa, nhà anh Hào chỉ có 5 bắp ngô để ăn, nhà Vụ còn ít sắn và khoảng 3 kg gạo, còn chị Thanh, anh Liên, anh Thắng,... thì đều mới đi xuống xuôi mua chịu gạo về ăn. Làng Đựa có 13 hộ, nhưng hộ nào cũng nghèo, cũng đói quanh năm.

Thanh niên, người già ở làng Đựa không ai biết chữ, ngoại trừ ông Lê Đình Dân, trưởng làng và mấy đứa trẻ học tiểu học. Những năm qua, UBND xã Phúc Đường cũng đã rất quan tâm đến việc dạy chữ cho trẻ em trên làng Đựa.

Theo đó, trẻ em được đưa về xã hoặc ra trường dân tộc nội trú huyện để học. Song để các em đi học đủ, đều vẫn là vấn đề nan giải. Bởi tình trạng trẻ con bỏ học giữa chừng, về nhà theo cha mẹ lên rẫy vẫn còn.

Tôi gặp con chị Hai đúng lúc nó cầm súng tự chế đi bắn chim, hỏi chúng về việc đi học, nó bảo em quên hết chữ rồi, lâu rồi chưa được xuống xuôi nên chả biết dưới xuôi như thế nào, còn hỏi về công việc vào rừng chặt củi đốt than, chúng kể sành sỏi, chi tiết đến vô cùng.

Bà con làm gì để sống? Đó vẫn là những trăn trở lớn nhất đối với lãnh đạo chính quyền địa phương. Theo ông Lê Đình Dân, khi xưa, nơi đây còn là rừng rậm, người dân dựa vào lá rừng, cây rừng, thú rừng làm thức ăn. Nhưng sau khi Nhà nước quản lý, người dân không được khai thác rừng bừa bãi và cũng không được vào rừng săn bắn nữa.

Nay, người dân được giao rừng, mỗi nhà cũng được một vài ha, diện tích đấy người ta trồng keo, nhưng gần chục năm sau keo mới cho thu hoạch. Đất này cũng không thể trồng sắn, ngô, khoai như một số vùng khác.

 Dân đói triền miên, gạo cứu tế cũng không đủ sống, bởi thế người dân lại đi chặt các cây bụi để đốt than hòng kiếm đồng tiền mua cân gạo ăn độn với sắn sống cho qua ngày. Làng Đựa vài chục năm trước đói, giờ vẫn thế, người dân và chính quyền vẫn chưa tìm được cách nào để thoát nghèo

Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Phúc Đường: “Làm thế nào để đồng bào trên làng Đựa sớm thoát nghèo vẫn là vấn đề nan giải. Bởi các điều kiện để phát triển kinh tế như điện, đường, trường... đều chưa có. Mùa khô dân thiếu nước trầm trọng, phải đi xa hàng km xuống suối mới có nước ăn.

Hàng năm, chính quyền địa phương vẫn cử các đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận lên làng Đựa để giúp bà con trồng rau, làm vườn, trồng cây, xây dựng kinh tế.

Ngoài ra, cùng với các chương trình trợ cấp cho xã 135, chương trình từ thiện, hàng tháng chúng tôi vẫn cấp muối ăn, các loại gia vị, xăng dầu giúp bà con giảm bớt khó khăn. Trước mắt, chúng tôi chỉ có thể giúp bà con ổn định cuộc sống chứ chưa có cách nào giúp bà con làng Đựa thoát nghèo”.

(Còn nữa...)

Văn Nghĩa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh