THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:11

Chuyện của những giảng viên nghề Công tác xã hội

 

Giảng viên Ths. Nguyễn Thị Thanh Hương, Ths. Nguyễn Kim Loan và các sinh viên chia sẻ về thực hành công tác xã hội giữa các khóa sinh viên.

Mảnh đất hoang cần người khai phá 

Ths. Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng khoa CTXH chia sẻ: “Nghề CTXH là một mảnh đất hoang đang cần người khai phá. Tuy nhiên, không phải vì nghề mới mà tôi đến và gắn bó với nghề. Chính giá trị nghề CTXH, tính chuyên nghiệp trong trợ giúp con người, mà tôi nhận thấy trong quá trình làm việc với các chuyên gia ở nước ngoài đã khiến tôi thấy mình gắn bó hơn với nghề. Bởi vì một người có khả năng thực hành tốt các kỹ năng CTXH sẽ thấy hài lòng hơn với cuộc sống của bản thân, ứng xử hiệu quả hơn với những người xung quanh. Tôi luôn cảm thấy vui, hài lòng và may mắn khi quyết định chuyển từ giáo viên giảng dạy tiếng Anh sang giảng dạy CTXH”.

 

Ths. Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng khoa CTXH: “Nghề CTXH là một mảnh đất hoang đang cần người khai phá"

Ths. Lê Thị Thủy, giảng viên tổ CTXH thì cho biết, năm 2008 cô mới về trường giảng dạy môn CTXH. Trong quá trình giảng dạy, những giá trị, ý nghĩa của nghề cũng khiến cô đam mê, bị cuốn hút và thấy mình cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa về chuyên ngành, cố gắng làm sao để vừa lồng ghép những môn học giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về ngành đang theo học.

Một giảng viên khác, Ths. Đỗ Văn Trài, Tổ thực hành CTXH vốn là cựu sinh viên khóa đầu tiên của Khoa CTXH của trường. Sau khi tốt nghiệp, thầy đi du học thạc sĩ ở Philippin, năm 2013, trở về trường giảng dạy. “Khi về chính ngôi trường mình đã học tập, tôi có thêm động lực để cống hiến nhiều hơn nữa; đặc biệt khi được làm việc với các thầy cô trong khoa đã từng dạy mình, đó là cơ hội giúp tôi nâng cao kiến thức”, thầy Trài tâm sự. “Nhiều sinh viên khi mới vào trường, giảng viên hay hỏi vì sao em chọn học CTXH, vào trường nguyện vọng 1 hay nguyện vọng 2, sinh viên nói theo nguyện vọng 2 do gia đình định hướng. Nhưng đến năm thứ 2, sinh viên không muốn đổi trường nữa mà muốn gắn bó với CTXH”.

 


Giảng viên Ths. Nguyễn Thị Thanh Hương cùng các thầy cô và sinh viên chở sách báo huy động được để xây dựng tủ sách cho cộng đồng.


Nói về công tác giảng dạy môn học CTXH, cô Hương cho biết, dạy môn học nào cũng cần có kiến thức sách vở và trải nghiệm thực tế để bài học thêm dễ hiểu với sinh viên trong quá trình học tập cũng như vận dụng vào công việc khi ra trường. Tuy nhiên, nghề CTXH đòi hỏi các kỹ năng mềm và giá trị đạo đức nghề nghiệp, do vậy, người giảng viên cũng phải có kỹ năng mềm và đạo đức nghề nghiệp để có thể là tấm gương cho sinh viên noi theo. “Khi giảng dạy các môn chuyên ngành khác, giảng viên có thể chỉ cung cấp kiến thức, việc vận dụng thuộc về sinh viên. Còn đối với nhân viên CTXH lấy bản thân làm phương tiện để trợ giúp thì giáo viên giảng dạy các môn CTXH cũng phải lấy bản thân để làm phương tiện giảng dạy (làm mẫu cho sinh viên về các kỹ năng mềm, về giá trị đạo đức nghề nghiệp)”, cô Hương nhấn mạnh.

 

Giảng viên Ths. Nguyễn Thị Thanh Hương hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành 


Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với sinh viên

Tổ chức những chuyến đi thực thế cho sinh viên luôn là vấn đề khó khăn mà nhiều trường gặp phải. Tuy nhiên, đối với một trường có số sinh viên theo chuyên ngành CTXH đông nhất cả nước như Trường Đại học Lao động xã hội, đây là một thách thức vô cùng lớn. Để tìm được cơ sở thực hành đảm bảo các tiêu chí: An toàn, có cán bộ trợ giúp tại cơ sở, có nơi ăn ở cho 300 - 400 sinh viên đòi hỏi rất nhiều công sức của những giảng viên chịu trách nhiệm mảng đào tạo thực hành. Ngoài ra, với một số lượng sinh viên quá đông tại địa bàn và chia ra nhiều nhóm nhỏ khác nhau đòi hỏi công sức nhiều của giảng viên; thay vì việc đứng lớp giảng dạy 4 tiếng cho 60 - 70 sinh viên với các môn lý thuyết, giáo viên hướng dẫn thực hành chỉ có thể làm với nhóm nhỏ 10 sinh viên trên một địa bàn. Có nghĩa là với một lớp 60 - 70 em, giáo viên phải làm việc gấp 6, 7 lần không kể tới thời gian di chuyển.

 


Sinh viên chúc mừng thầy cô Khoa Công tác xã hội nhân ngày 20/11.

 

 “Mỗi lần đi thực hành cùng sinh viên, giảng viên không chỉ là giáo viên đơn thuần, là người hướng dẫn mà phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với sinh viên và người dân để tạo cho sinh viên cảm giác ấm áp, tránh những tâm lý hẫng hụt, bối rối khi gặp địa bàn mới. Vì vậy, giáo viên hướng dẫn phải hết sức sâu sát để có những hỗ trợ, kịp thời giải quyết vướng mắc, sự cố. Thời gian sinh viên đi thực hành còn ít, trong khi thực tế sinh viên rất muốn kéo dài thời gian thực hành để làm được nhiều việc hơn, giúp cho cộng đồng phát triển tốt hơn”, cô Thủy bày tỏ.

 

Sinh viên tặng hoa và chuyện trò với thầy cô khoa Công tác xã hội nhân ngày 20/11.

 Niềm vui và những trăn trở với nghề

Những giờ học qua đi, biết bao khóa sinh viên ra trường và thành đạt trong cuộc sống. Niềm vui, nỗi buồn xen lẫn nhưng có những kỷ niệm khiến cô Hương không thể quên: “Có lần tôi giảng dạy về kỹ năng tự bộc lộ, 2 sinh viên trong lớp chia sẻ lý do về việc tại sao các em lại học CTXH trong khi đăng ký ngành học khác. Trước đó, cả lớp rất giận vì em hay nghỉ học, không làm bài nhóm, làm ảnh hưởng tới nhóm và lớp. Tuy nhiên, sau khi chia sẻ, cả lớp thay đổi thái độ và ứng xử với em khác hẳn so với trước kia. Bởi sinh viên này đến được với lớp là một nỗ lực ghê gớm do bố em đã bắt em học chuyên ngành này, trong khi em rất muốn trở thành một cảnh sát. Em đã nói đến những khó khăn phải vượt qua như: Áp lực, sự đe dọa của người bố...”.

 

Ths. Lê Thị Thủy, giảng viên Khoa Công tác xã hội.

 

 “Một trường hợp khác, khi sinh viên báo cáo về việc học tập thực hành của em tại thực địa, em đã không cầm được nước mắt khi nói về thân chủ của mình: Một đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo. Sau khi đọc trang nhật ký thực hành của em, tôi nhận thấy, để đánh giá về lòng trắc ẩn hay trách nhiệm thực sự với thân chủ cũng như tất cả các kỹ năng, kiến thức hay giá trị đạo đức nghề của sinh viên thì hãy cho các em được trải nghiệm”, cô Hương kể.

 

Ths. Đỗ Văn Trài, Tổ thực hành Công tác xã hội cùng sinh viên trong một chuyến đi thực hành.


Thầy Trài nhớ lại: “Nhiều trường hợp sinh viên đi thực hành môn CTXH cá nhân về người khuyết tật, thân chủ bị khuyết tật nên kỳ thị bản thân. Họ không muốn giao tiếp với mọi người, phải mất tới một tuần thân chủ không hợp tác nhưng các bạn sinh viên rất kiên trì, đôi khi chỉ đơn thuần là đến để trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống hàng ngày. Cứ như vậy sau một tuần, sinh viên mới tiếp xúc được với thân chủ. Khi kết thúc thực hành, nhìn ánh mắt của thân chủ với sinh viên, tôi biết, họ đã có một quan hệ tốt đẹp và bền vững”.

 

Sinh viên Công tác xã hội cùng các em nhỏ chơi trò chơi Đố chữ tại Nhà trẻ Hữu Nghị (Hà Nội).

 

Bên cạnh niềm vui với nghề, cô Hương vẫn luôn trăn trở khi mỗi lứa sinh viên ra trường: “Liệu sinh viên có kiếm được việc làm không? Việc làm đó có đúng chuyên ngành được đào tạo không? Nghề các em đang làm có gắn chút gì với chuyên môn được học tại nhà trường? Hiện nay, cũng có các cơ chế và chính sách cho việc mở các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội phù hợp với chuyên ngành mà sinh viên được đào tạo, cũng có nhiều cơ quan tổ chức chọn các sinh viên có năng lực để hợp đồng làm việc, nhưng mới chỉ là số ít. Ngoài ra, sinh viên mới ra trường rất cần những người có kinh nghiệm hỗ trợ các em”, cô Hương chia sẻ.

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh