THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:33

Chuyện tình người chiến sĩ giải phóng với cô gái Campuchia

Gác lại hạnh phúc riêng

Tìm về vùng đất trung du xã Minh Đức, huyện Việt Yên (Bắc Giang), hỏi đường về gia đình CCB Dương Văn Nguyên, một người dân xã Minh Đức hồ hởi:“Có phải ông Nguyên lấy vợ người Campuchia không?"

Người dân trong xã, trừ bọn trẻ mới lớn, còn lại hầu như ai cũng biết ông Nguyên, phần vì ông từng làm cán bộ công tác tại xã trong suốt hơn 30 năm, phần vì câu chuyện tình đặc biệt của ông với cô gái người Campuchia, nay là người vợ chung sống cùng ông trong suốt 4 thập kỷ qua”.

Căn nhà 2 tầng khang trang của CCB Dương Văn Nguyên nằm trên một triền đồi nhỏ, cây xanh rợp bóng mát. Hàng ngày trong căn nhà nhỏ ấy luôn vang lên tiếng bi bô của lũ trẻ là cháu nội của ông Nguyên, bà Xuyến. Ở cái tuổi xế chiều không gì hạnh phúc hơn khi được vui vầy bên con cháu.

Chuyện tình người chiến sĩ giải phóng Dương Văn Nguyên và cô gái người Campuchia Ưng So (Hoàng Thị Xuyến) là tấm gương sáng về lòng yêu thương, sự sẻ chia trong cuộc sống.


Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ấm cúng vào một ngày tháng 7 thật nhiều ý nghĩa, bên chén trà nóng, ông Nguyên nhớ lại: “Năm 1968, ở cái tuổi mười tám đôi mươi, tôi cũng như lớp thanh niên khi đó hăng hái xung phong ra chiến trường đánh giặc. Đơn vị chiến đấu ở hầu khắp các mặt trận từ Quảng Bình, Quảng Trị. Vài năm sau, Sư đoàn 27 của chúng tôi tiếp tục di chuyển sang đất bạn Lào, rồi Campuchia chiến đấu tại khu vực các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Công  pông chàm (Campuchia).

Cũng khoảng thời gian đó, ở phía bên kia biên giới thuộc đất nước Campuchia tại thị trấn Xư Pư, tỉnh Công pông chàm, cô thiếu nữ có cái tên Ưng So (bà Xuyến vợ ông Nguyên sau này) khi đó mới 16 tuổi đang còn đi học. Trong ký ức của mình bà Xuyến vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian năm 1970, đế quốc Mỹ xâm lược đất nước Campuchia. “Một hôm, bom Mỹ đánh xuống ngôi trường của chúng tôi. Sau những tiếng bom nổ là khung cảnh chết chóc, tang thương. Ngay trong giây phút đó không chỉ tôi mà nhiều thanh niên Campuchia khác đã đồng lòng tình nguyện tham gia chiến đấu cùng bộ đội Việt Nam chống kẻ thù xâm lược”, bà Xuyến bồi hồi nhớ lại.

Sau đó, Ưng So cùng nhiều  thanh niên tình nguyện người Campuchia khác được cử đi học tiếng Việt, học văn hóa, đào tạo y khoa rồi tham gia các đơn vị bộ đội giải phóng Việt Nam phục vụ công tác hậu cần, cứu chữa, chăm sóc thương binh tại chiến trường.

Năm 1973, Ưng So chuyển công tác về đơn vị D30, trực thuộc Sư đoàn 27 đặc công. Tại đây, cô đã gặp chàng trai Dương Văn Nguyên quê Bắc Giang. Chính những năm tháng sống gắn bó vào sinh ra tử nơi chiến trường đã khiến Dương Văn Nguyên khi đó dần cảm mến cô gái Campuchia dũng cảm, chịu thương, chịu khó.

“Chiến tranh khốc liệt, những người chiến sĩ như chúng tôi lúc đó chẳng ai dám nghĩ đến tương lai xa. Tình cảm giữa tôi và Ưng So khi đó cũng chỉ dừng lại ở sự cảm mến âm thầm qua nhưng bức thư tay viết vội”, ông Nguyên tâm sự.

Năm 1975, cả hai ông bà cùng đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến tranh kết thúc, hòa bình thống nhất, trong niềm vui lớn đó, tình yêu đôi lứa thầm kín giữa chàng chiến sĩ quân giải phóng và cô gái Campuchia chính thức được công khai. Gần 4 năm yêu nhau trong lặng lẽ, tháng 4/1976, tại xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương lễ đăng ký kết hôn và đám cưới Nguyên và Xuyến diễn ra giản dị trong sự chung vui của những người đồng chí, đồng đội.

Trái ngọt từ nhưng năm tháng gian khổ

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lúc đi chiến đấu nơi chiến trường bố mẹ vẫn còn, khi về cha mẹ đã đều khuất núi. Là con cả trong gia đình, ông Dương Văn Nguyên mang gánh nặng chăm lo cho các em thơ. Sau lễ thành hôn, hai vợ xin ra quân. Chưa từng biết gì về miền Bắc XHCN, về vùng quê Bắc Giang xa xôi, nhưng vì tình yêu, sự cảm thông chia sẻ với ông Nguyên, bà Xuyến quyết định từ bỏ tất cả để theo chồng ra Bắc.

Rời quân ngũ trở về quê hương 2 vợ chồng ông Nguyên, bà Xuyến chỉ có trong tay chiếc xe đạp được đơn vị phân. Những ngày đầu phải nhờ sự giúp đỡ của bà con hàng xóm từ cây tre, viên ngói… vợ chồng ông Nguyên mới dựng được căn nhà. Đồng thời phải bán chiếc xe đạp để lấy vốn làm ăn.

Ông bà Nguyên Xuyến luôn hài lòng với cuộc sống bình yên nơi quê nhà.


Cuộc sống thời bao cấp vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Bà Xuyến sau những năm tháng làm chiến sĩ quân y, vốn không quen công việc đồng áng, nay phải về làm dâu ở một vùng quê thuần nông với bà là cả một thử thách lớn. Những ngày đầu bà Xuyến tự mày mò học nghề nông, phong tục tập quán ở địa phương.

“Người ta làm được thì mình cũng làm được, khi mới về làng mặc dù không biết làm ruộng, tôi đã âm thầm quan sát mọi người làm như nào thì bắt chước làm theo. Tôi không muốn làm xấu mặt chồng khi lấy vợ không biết làm nông”, bà Xuyến bộc bạch.

Là người chịu thương chịu khó, không nề hà bất cứ việc gì, chỉ trong một thời gian ngắn bà Xuyến đã thông thạo mọi công việc, tần tảo khéo léo không thua kém bất cứ phụ nữ Việt Nam nào. Nhờ sự tháo vát, chăm lo cho gia đình của bà Xuyến mà ông Nguyên có thể yên tâm công việc xã hội. 32 năm công tác tại xã Minh Đức từ Xã đội trưởng đến Phó Chủ tịch UBND, rồi Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã… ông luôn được người dân địa phương yêu mến.

Nói về quê hương Campuchia bà Xuyến không khỏi bùi ngùi: “Những năm chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, chế độ diệt chủng Pôn Pốt lên nắm quyền, khiến tôi không dám trở về quê hương phần vì xa xôi cách trở, con còn nhỏ, nhưng sợ nhất là nếu Pôn Pốt biết tôi theo bộ đội Việt Nam sẽ gây hại cho gia đình. Nhưng với sự động viên của ông Nguyên và tình cảm mọi người trong làng dành cho mình mà tôi đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai. Phải mãi đến năm 1982, khi người con thứ 3 được 15 tháng tuổi, tôi mới có dịp trở lại thăm quê hương”.

“Để 2 vợ chồng có thể gắn bó với nhau, chúng tôi đã trải qua không ít khó khăn gian khổ trong cuộc sống, ngoài tình yêu còn là sự tôn trọng, cảm thông giữa 2 vợ chồng. Là người lính trải qua những năm tháng chiến đấu vào sinh ra tử, tôi hiểu được giá trị của cuộc sống, nên chúng tôi chưa to tiếng với nhau bao giờ”, ông Nguyên chia sẻ.

Dù đã ở cái tuổi xế chiều, sức khỏe giảm sút do di chứng chất độc da cam, bản thân ông Nguyên luôn phải chống chọi với căn bệnh ung thư đã 10 năm. Nhưng với ông Nguyên và bà Xuyến được thấy con cháu khôn lớn, trưởng thành là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời ông bà.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh