THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:45

Doanh nhân, CCB Nguyễn Văn Thốn: Trọn trung nghĩa, vẹn tình đồng đội

Người chiến sĩ ấy...

Chẳng ai có thể quên cái năm Mậu Thân 1968, ấy là năm cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc ác liệt nhất. Trong đội ngũ những thanh niên tòng quân thời kỳ ấy, có chàng thanh niên Nguyễn Văn Thốn, hiện là Giám đốc Công ty TNHH TMVT Hà Cầu Thăng Long (địa chỉ tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội).

Doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thốn.

Vào chiến trường, ông Thốn được điều về đơn vị đặc công – C195 Quân khu 7, có nhiệm vụ khảo sát, điều tra căn cứ, lên kế hoạch tiêu diệt địch và quan trọng nhất là bảo vệ lãnh đạo cùng cơ quan chỉ huy quân khu. Vì là cơ quan chủ chốt nên đơn vị của ông luôn bị quân địch tìm cách tấn công, ngày đêm rền vang tiếng súng, trắng trời pháo sáng,... Với ông, ký ức không bao giờ quên là trận đánh ở kho bom Long Bình, đó là trận đánh khó nhất, đã đánh được vào đến bên trong, song bị phản công, đồng đội ông không có lối thoát, chớp nhoáng đã hy sinh gần hết, mà kho bom thì vẫn còn nguyên.

Đôi tay ông Thốn giờ dài ngắn không bằng nhau, không thể cùng nâng lên cao và đặt xuống cùng nhau. Ông kể: Năm 1972, trong một trận chống càn quét của địch, đồng đội tôi hy sinh, còn tôi may mắn chỉ bị mảnh đạn bắn vào bả vai. Lúc đó đưa đi cấp cứu kịp. Ra viện tôi mất 51% sức khỏe, thương binh hạng 2/4. Giờ tay tôi không thể nâng lên ngang mặt được, phía vai và tay bên phải gần như đã liệt hoàn toàn.

Nghĩ lại ông rớm nước mắt: Ngày đó như mới hôm qua thôi. Ra mặt trận xác định là sẽ chết rồi, nên trước khi đi anh em chúng tôi chia nhau mảnh khăn dù, bi đông nước, nửa miếng lương khô, một cái gật đầu và kèm cái vỗ vai. Đồ của người không may chết nhường lại cho người may mắn sống.

Vì bị thương nặng, không thể trực tiếp cầm súng, ông được điều chuyển ra Bắc chữa trị. Đầu năm 1973 ông được cử đi học tại Trường Quản lý kinh tế (thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim cũ). Ra trường, ông về nhà máy Cơ khí nông nghiệp công tác. Với bản tính của người lính, ông đã làm việc với tinh thần hăng say, trách nhiệm. Song, mỗi khi thời tiết thay đổi, vết thương tái phát, sức khỏe suy yếu, ông nghỉ do mất sức lao động.

Doanh nghiệp của cựu chiến binh

Tại phường Hà Cầu có một bến xe tĩnh, ai gửi xe đều yên tâm. Nhớ có lần có chiếc xe máy được công an bàn giao tại bến, khi nhận phát hiện trong cốp có 300 triệu đồng, nhân viên bến xe lập biên bản và tìm chủ xe giao lại... và những người trông xe đó không ai khác chính là các cựu binh năm xưa mà đứng đầu là cựu chiến binh Nguyễn Văn Thốn.

Ở phường của ông có hàng chục thương binh như ông: Ở nhà mái lá, ăn cơm của vợ, tiêu tiền của vợ, việc làm không có, thu nhập thêm cũng không, nên phải tằn tiện ngày này qua ngày khác,... Trước tình cảnh đó, ông Thốn đã chủ động đề xuất với Hội Cựu chiến binh phường xin được lập bến xe tĩnh.

Bến xe đã mang lại thu nhập cho mỗi nhân viên trên 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao đời sống các gia đình chính sách.

Giai đoạn đầu khi thành lập bến xe khó khăn vô cùng, ông Thốn chia sẻ: Ngày trước khu vực này là khu đồng sậy, bãi đỗ xe chỉ là một con đường đi mà người dân xung quanh đổ rác, mặt đất thấp mỗi khi trời mưa nước ngập tràn, nhưng bằng sức lao động, các cán bộ đã chở đất và tiến hành san lấp mặt bằng cho đường đầy lên. Tháng 9/2002 bến xe tĩnh chính thức đi vào hoạt động. Khi mới thành lập, mái che của bến xe chủ yếu làm bằng phên, nứa và lợp lá nên rất dễ xảy ra cháy nổ, một số đồng chí cựu chiến binh lúc mới đầu đi tuần tra, bảo vệ còn sợ mất xe, mất đồ không đủ khả năng đền. Sau đó công an TP Hà Nội tạo điều kiện ký hợp đồng với bến xe để những xe vi phạm bị tạm giữ do cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đến gửi, tạo điều kiện giúp bến xe phát triển.

“Trông xe ở đây có khi nào ông phải ra tay giải quyết xung đột?” – Tôi hỏi. Ông Thốn cười: “Có chứ. Khi gặp các thành phần vi phạm giao thông bức xúc với công an đến đây đã có những lời lẽ vô cùng khó nghe với nhân viên và phá phách bãi đỗ xe, nhất là xe ba bánh mang cái mác “thương binh”. Nếu gặp phải “đối tượng”, chúng  tôi lấy lý lẽ ra nói, gọi nhau là đồng chí. Họ sẽ hiểu rằng đó là đồng đội cả, vậy chẳng có lý nào không nghe. Nhưng với những lao động bình thường đóng giả thương binh thì chúng tôi kiên quyết làm đến nơi đến chốn theo pháp luật”.Và thế là, bến xe tĩnh của anh em cựu chiến binh, con liệt sĩ,... cứ thế phát triển. Vào thời điểm cao nhất, bến xe tĩnh này đã giải quyết việc làm cho trên 50 cựu chiến binh, gia đình chính sách của phường, quận. Tính đến thời điểm này, nhân viên bến xe có thu nhập cứng là 5 triệu đồng/người/tháng.

Nhân viên bến xe, đồng thời là những cựu chiến binh đang làm nhiệm vụ. (Ảnh chụp năm 2002)

Đáng chú ý, có tới trên 80% nhân viên đã ngoài độ tuổi lao động, có 5 người đã ngoài 70 tuổi. Như cựu chiến binh Quý, 74 tuổi, bảo ông nghỉ làm, ông nhất quyết không và cho rằng: “Vẫn còn sức vẫn có thể làm được việc”. Cùng với đó, cán bộ nhân viên của bến xe luôn lấy chữ tín làm đầu, có quy định và hoạt động nề nếp, mang đúng phong cách của người lính cụ Hồ nên được các chủ xe tin yêu.

Thắm tình đồng đội

Nói như ông Thốn, ngày xưa khói lửa, đói kém mình và đồng đội đã vượt qua, mà để vượt qua được là do có một phần công lao không nhỏ của đồng đội.

Giờ có của ăn của để lại càng không thể quên công lao đó. Và bằng thực tế, hàng năm, toàn bộ anh em cựu chiến binh của bến xe vẫn tích cực tham gia, tài trợ các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, như ủng hộ, tài trợ cho nạn nhân chất độc da cam, chăm sóc, tặng quà các thương binh, gia đình chính sách, trao quà khuyến học cho con em gia đình chính sách và nhiều hoạt động từ thiện khác nhằm giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp một phần của cải, sức lực cho xã hội. Vừa làm trưởng bến xe tĩnh, tạo công ăn việc làm cho anh em cựu chiến binh, ông Thốn còn là tổ trưởng dân phố Cầu Đơ, được mọi người yêu quý, kính trọng. Hơn 10 năm làm tổ trưởng tổ dân phố ông xây dựng và luôn duy trì quy ước nếp sống văn minh đô thị để mọi người tuân thủ, hiện nay hầu hết dân cư trong tổ dân phố ông quản lý đều được bằng khen gia đình văn hóa. Ghi nhận đóng góp của ông, TP Hà Nội, quận Hà Đông, Hội Cựu chiến binh đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, bằng khen, giấy khen như: Cúp vàng doanh nhân xuất sắc làm theo lời Bác, danh hiệu “Người tốt việc tốt tiêu biểu của TP Hà Nội”, và nhiều bằng khen Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi TP Hà Nội...         

Với những đóng góp cho đất nước, cho đồng đội và xã hội, doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thốn trở thành đại biểu đại diện cho hàng nghìn cựu chiến binh được đến Lăng báo công với Bác Hồ, diện kiến Chủ tịch nước và thắp hương tri ân đồng đội do Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong chương trình “Tri ân đồng đội – vang mãi khúc quân hành” diễn ra ngày 16/7/2016.

KHÁNH AN – HẠNH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh