THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:14

Chuyện lạ ở TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc: Cưỡng chế người hết nghiện đi cai?

Anh Phạm Thanh Thức tại Trung tâm Giáo dục - Lao động Xã hội Vĩnh Phúc.

Bỗng dưng “được” đi cai…

Theo phản ánh của người dân địa phương, Phạm Thanh Thức vốn là một công nhân hiền lành, chịu khó. Thương hoàn cảnh của bố là thương binh nặng, lại bị ảnh hưởng chất độc da cam, Thức luôn cố gắng làm việc. Năm 2010, Thức bị bạn bè lừa cho hút ma túy, nhưng bằng nghị lực và ý chí, anh đã tự cai thành công. Sau khi dứt nghiện, Thức trở lại với công việc cũ, sau đó ở hẳn tại địa phương và mở trung tâm kinh doanh dịch vụ ảnh, áo cưới. Có thể nói, Thức chưa rời khỏi tầm kiểm soát của công ty cũng như gia đình, bạn bè.

Vậy mà, ngày 7/8/2015, lực lượng Công an TP. Vĩnh Yên đã đến địa chỉ kinh doanh áo cưới của Thức để triệu tập anh lên trụ sở, lập hồ sơ, đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Dù rằng ở thời điểm đó, Thức mới đi mổ mắt được 3 ngày, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người thân. Nhưng quan trọng hơn, Thức không còn nghiện ma túy.

Khi tiếp nhận Phạm Thanh Thức từ công an, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Vĩnh Phúc đã lập hồ sơ, khám sức khỏe theo quy định. Việc Thức có còn nghiện ma túy hay không, tại Văn bản số 211/TTGDLĐXH-GD ngày 9/9/2015, do Giám đốc Nguyễn Văn Tình ký, đã kết luận: “Căn cứ vào hồ sơ, bệnh án theo dõi từ khi học viên vào Trung tâm, thể hiện học viên Phạm Thanh Thức không có biểu hiện của hội chứng cai” - tức không có biểu hiện của người bị nghiện ma túy.

Ngày 23/3/2016 (tức sau gần 8 tháng kể từ ngày Thức bị đưa vào Trung tâm), xác nhận lại tình hình sức khỏe của Thức, ông Đặng Văn Thịnh, Phó Trưởng phòng y tế phục hồi sức khỏe, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Vĩnh Phúc khẳng định: “Kể từ khi tiếp nhận đến nay, ở học viên Phạm Thanh Thức không xuất hiện hội chứng cai ma túy cho nên anh không phải dùng thuốc hỗ trợ cắt cơn. Sức khỏe Thức vẫn ổn định, không có vấn đề gì. Nếu Thức nghiện ma túy thì anh đã có biểu hiện của hội chứng cai”.

Vì sao?

Không có biểu hiện của hội chứng cai, vậy căn cứ vào đâu Công an TP. Vĩnh Yên đưa một người khỏe mạnh bình thường đi cai? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Kim Điền, Phó Trưởng Công an TP. Vĩnh Yên cho rằng: Việc đưa Thức vào cơ sở cai nghiện là căn cứ vào Quyết định số 923/QĐ-CTUBND ngày 25/6/2010 của UBND TP. Vĩnh Yên về việc đưa Phạm Thanh Thức vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đồng thời, căn cứ vào quyết định số 10/QĐ ngày 2/7/2010 của Công an TP. Vĩnh Yên về việc “truy tìm đối tượng bỏ trốn thi hành quyết định đưa đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” đối với Phạm Thanh Thức.

Văn bản của Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Vĩnh Phúc khẳng định học viên Phạm Thanh Thức không có biểu hiện của hội chứng cai.

Ông Điền cho biết thêm: “Vì có quyết định truy tìm số 10/QĐ ngày 2/7/2010 nên Phạm Thanh Thức không được áp dụng các quy định về thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Mặt khác, quyết định truy tìm số 10/QĐ vẫn có hiệu lực nên phải thực hiện. Và ngày 7/8/2015, khi phát hiện Thức tại địa phương nên Công an TP. Vĩnh Yên đã tổ chức đưa Thức vào trung tâm cai nghiện bắt buộc mà không cần biết Thức còn nghiện ma túy hay không?”.

Vậy Thức có bỏ trốn khỏi địa phương như cơ quan công an kết luận? Câu trả lời, như phản ánh của người dân là không. Bởi, Thức vẫn sinh sống ở địa phương. Hàng năm Công an phường Khai Quang vẫn gọi Thức lên để xét nghiệm ma túy và lần nào cũng “âm tính với ma túy”. Thức còn tổ chức cưới vợ, mời cả quan chức phường và bạn bè khắp nơi ăn uống linh đình. Năm 2014, Thức ra phường làm chứng minh thư nhân dân, thậm chí mấy năm nay anh còn mở trung tâm ảnh viện áo cưới to nhất nhì TP. Vĩnh Yên, cách trụ sở Công an TP. Vĩnh Yên chưa đầy 300m. Dư luận người dân đặt câu hỏi: “Căn cứ vào đâu để phía công an cho rằng Thức bỏ trốn? Phải chăng cơ quan chức năng đã căn cứ vào mấy biên bản làm việc theo lối tắc trách, đến nhà không thấy người cần tìm và họ cũng lười liên lạc nên cho rằng Thức bỏ trốn?”.

Hơn nữa, tại Điều 111 - Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 18 Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở bắt buộc. Theo đó: Người chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định khi “không còn nghiện ma túy”. Với trường hợp của Phạm Thanh Thức, có thể thấy đây là trường hợp cần được “miễn chấp hành” vì đã “không còn nghiện ma túy”. Thế nhưng, Công an TP. Vĩnh Yên không chấp nhận, và cho rằng đây là “quy định đối với người ở ngoài xã hội”, tức chưa đưa vào trung tâm.

Rõ ràng trước khi bị đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, Phạm Thanh Thức đang “ở ngoài xã hội”, anh đã tự cai thành công là điều rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng vì sao Công an TP. Vĩnh Yên vẫn máy móc cưỡng chế người không nghiện vào trung tâm cai nghiện? Phải chăng Công an TP. Vĩnh Yên đang cố tình làm trái quy định hay có lý do nào khác?

(Còn nữa)

NHÓM PVPL/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh