Chuyện lạ về ngôi làng “Nam bộ” và khu rừng thiêng ở xứ Quảng
- Dược liệu
- 18:26 - 05/02/2015
Làng “Nam Bộ”…
Xưa nay, thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, được biết đến là một xứ “Nam bộ” thứ 2 của Việt Nam. Sở dĩ gọi như vậy, bởi người trong xã này có một giọng nói đặc “sệt” tiếng miền Nam. Chả biết có gốc gác như thế nào mà cả làng giọng nói khác xa với tiếng “Quảng nôm”.
Thôn Nghi Sơn cách các thôn khác trong xã chỉ một con rạch, chỉ cần một bước chân là vẫn có thể cảm nhận sự khác biệt trong giọng nói. Thoạt nghe, chúng tôi cứ ngỡ những người trong làng này là người Sài Gòn, hay có họ hàng đây về quê thăm vì giọng nói của họ không lẫn vào đâu được, miền Nam chính hiệu. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, hỏi ra mới biết, đó là cái giọng nói tự bao đời nay của người trong làng.
“Già có khi nào mô Sài Gòn đâu mà biết. Thì sinh ra cái giọng đã vậy. Ai khách phương xa đến cũng bảo người trong làng có gốc tích trong Sài Gòn di cư ra. Nhưng quả thật, nguồn gốc tổ tiên là người ngoài Bắc di cư vào…” – bà Nguyễn Thị Hà năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết
Khu rừng thiêng không ai dám đụng vào vì sợ “bắt”…tội
Bà Hà còn cho biết thêm, đó là chỉ mới nghe thôi, chứ tiếp xúc lâu ngày thì sẽ thấy người thôn Nghi Sơn cũng có nhiều điểm khác trong phương âm Quảng Nam. Chằng hạn như trong lời nói đôi khi người Nghi Sơn vẫn dùng “ri, ren, mô, rứa…”, hay trong lề lối sinh hoạt, văn hoá vẫn mang màu sắc người Quảng Nam. “Nói chung là chỉ giống về giọng nói mà thôi, còn lại là của Quảng Nam.” – bà Hà nhấn mạnh.
Qua tìm hiểu được biết,đa phần người dân ở thôn Nghi Sơn có nguồn gốc từ Thanh Nghệ Tĩnh theo chân vua Lê Thánh Tông những năm 70 của thế kỷ XVI đi khai phá phương Nam.
Kèm theo đó, do địa thế sông núi nằm cách biệt, nguồn nước có “cấu tạo” đặc biệt nên giọng nói của nơi đây có sự khác biệt với nơi khác trong vùng Quảng Nam, mà rất gần với giọng nói miền Nam.
Khu rừng thiêng như là máu thịt của làng…
Bên cạnh giọng nói, vùng đất Nghi Sơn còn ẩn trong mình nhiều điều huyền bí từ những ngày lập làng của các bậc tiền nhân. Đó là ngôi Miếu Cấm cùng với khu rừng thiêng “bất khả xâm phạm” của cả làng. Người dân xem khu rừng thiêng này như là “linh hồn” của làng. Có người buộc miệng nói rằng: “Còn rừng là còn làng, còn dân”.
Để biết vì sao người dân thôn Nghi Sơn là tôn kính khu rừng thiêng này như vậy. Lân la theo lời kể của những người lớn tuổi trong làng, chúng tôi được hé mở nhiều điều như là huyền tích chỉ có ở đồng bào trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên hùng vĩ.
Ngày mồng 8 Tết Nguyên đán hằng năm là ngày hội lớn của cả làng.
Ngay cả tên làng cũng có một sự gắn kết máu thịt với quê hương bản quán. Khi những cư dân đầu tiên đến lập làng, khi đó nơi đây là vùng đồi núi hoang vu, không địa giới, tên tuổi. Rồi để nhớ về quê cũ là làng Nghi Sơn (ở Thanh Hoá), những lưu dân đầu tiên đã lấy tên Nghi Sơn (vì đa số là người dân làng Nghi Sơn, Thanh Hoá) đặt cho vùng đất mới.Và kể từ đó đến nay, đã mấy trăm nay, tên gọi Nghi Sơn vẫn được bao thế hệ con cháu trong làng giữ nguyên, không thay đổi, như để tri ân công đức tổ tiên.
Sau khi những vị khai canh qua đời, nhằm tưởng nhớ đến công đức tiền nhân, người dân trong làng đã tiến hành mai táng các vị tại khu rừng này và đồng thời cho xây dựng một cái miếu thờ. Từ đó ngôi miếu này được xem như là nơi thờ phụng nhưng vị tiền hiền, thành hoàng làng của làng Nghi Sơn.
Về sau, về tính linh thiêng của ngôi miếu, người dân đã đặt tên khu rừng, nơi chôn cất các vị khai canh, trùng với tên ngôi miếu gọi là Miếu Cấm. Khu Miếu Cấm này cũng có thể coi như là cánh rừng ma linh thiêng của các dân tộc thiểu số ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên.
Vì là cánh rừng linh thiêng, những bậc niên trong làng đã đứng ra tập hợp tất cả các vị đứng đầu các dòng họ của làng để cùng nhau bàn bạc đưa ra một bản hương ước bảo vệ rừng để con cháu về sau chiếu theo đó mà thực hiện, tránh sai lầm.
Hương ước làng Nghi Sơn quy định: Hết thẩy người dân trong làng không phân biệt già trẻ, nam nữ đều có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và giáo dục con cháu sự tôn nghiêm của khu rừng, tránh có hành động chặt phá, lời nói xúc xiểm đến khu rừng. Ai dám đụng vào khu rừng như đốt than, đốn củi thì bị phạt tiền, lúa gạo; nhẹ thì phạt cảnh cáo, nặng hơn thì sẽ bị đuổi ra khỏi làng.
Khu rừng có nhiều cây gỗ trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng nhưng không ai dám chặt phá
Dù đã trải qua hàng mấy trăm năm nhưng bản hương ước ấy vẫn được nhiều thế hệ con cháu trong làng làm theo, xem khu rừng thiêng là báu vật của làng phải gìn giữ. Cũng theo thống kê sơ bộ, cả làng Nghi Sơn giờ có khoảng 30 dòng tộc, với gần 650 người, khu rừng Miếu Cấm có diện tích tầm 10ha.
Sự linh thiêng của khu dừng không chỉ dừng lại ở những quy định nghiêm ngặt của bản hương ước mà trên hết là sự hiên ngang, bất khuất của ngôi làng trong suốt những năm mưa bom, bão táp.
Đơn cử như trong cuộc khánh chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất núi Hòn Tàu (xã Quế Hiệp) thường xuyên chịu nhiều trận oanh tạc, tàn phá thảm khốc của bom đạn nhưng lạ kỳ thay, khu rừng Miếu Cấm lại tránh được, nếu có thì rất ít. Bởi thế, vùng rừng này được bộ đội ta chọn làm căn cứ đóng quân, quân sự, và có đến nay những dấu tích của nó vẫn còn.
Với người dân làng Nghi Sơn, khu rừng thiêng này được coi như là sinh mạng của cả làng. Nhiều người hay truyền nhau câu nói rằng: Rừng còn dân còn, rừng mất dân mất. Cũng chính vì lòng thành của bao thế hệ con cháu của làng cho khu rừng thiêng nên đã phù hộ cho con cháu trong làng nhiều năm gần đây đậu đại học nhiều.
Với tổng diện tích khoảng 10h, và cũng với sự hoang sơ của nó, khu rừng làng Nghi Sơn còn lưu giữ nhiều cây gỗ quý giá hàng trăm năm tuổi, có kích thước lớn, có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng người trong làng không ai dám chặt bán vì nếu chặt sẽ gặp hoạ. Trước đó, nhiều người trong làng vì có hành động xúc xiểm như tự ý chặt gỗ trong rừng liền sau đó ngả bệnh đến bác sĩ cũng bó tay vì không tìm ra căn bệnh. Rồi, người trong làng mới sắm lễ thành tâm cúng bái mới khỏi bệnh.
Nói về cánh rừng Miếu Cấm thiêng liêng này, ông Đinh Hữu Hoàng, Trưởng thôn Nghi Sơn, tự hào nói: Nhiều đời đã qua, người dân trong làng vẫn luôn gìn giữ và bảo vệ khu rừng như là một phần máu thịt của mình, không ai dám xâm phạm đến khu rừng vì sợ gặp những điều bất trắc xảy ra cho mình và người thân. Và cũng chính vì thế mà rừng vẫn còn được giữa nguyên sơ, ngút ngàn một màu xanh không khác gì những khu rừng nguyên sinh.
Cho đến nay, khu rừng Miếu Cấm dẫu còn mang yếu tố tâm linh kỳ bí, nhưng lại chất chứa trong đó nhiều ý nghĩa, tính giáo sâu sắc nhằm giúp người dân trong làng ý thức hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ rừng như là cái hồn của làng.
Hằng năm, cứ đúng vào ngày mùng 8 Tết Nguyên đán, người dân trong làng lại tụ tập về trước ngôi miếu để cúng bái tổ tiên, nhớ ơn công đức những bậc tiền hiền có công lập ra làng Nghi Sơn. Đây như là lễ khai sơn, là ngày hội lớn của cả làng nên người người là con cháu của làng dù làm ăn buôn bán nơi đâu cũng tranh thủ tìm về dự ngày hội của làng. Mọi người cũng gom góp công sức, vật chất để sắm những mâm cỗ dâng lên thần rừng như là sự tạ ơn, tri ân và cũng đồng thời cầu cho một năm gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, con cháu giỏi dang, tai qua nạn khỏi. |