THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:02

Những người đưa Tết về với đại ngàn

“Cõng” hàng lên “cổng trời”

Đã thành lệ, cách Tết âm lịch chừng một tháng, đoạn đường dốc dựng đứng nối về “cổng trời” Canh Liên (huyện Vân Canh, Bình Định) trở nên nhộn nhịp hơn bởi nhiều “tiểu đội xe 2 sọt” nối đuôi nhau.

Được mệnh danh là đoạn đèo phức tạp nên phần lớn những chuyến xe hàng về với xã Canh Liên đều do nam giới cầm lái. Chị Nguyễn Thị Long (khối Thịnh Văn 1, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) là một trong số ít ỏi phụ nữ chở hàng, vượt đèo một mình.

3 giờ sáng chị Long đã trở dậy. Hai chiếc sọt đựng đầy hàng hóa từ các loại thực phẩm như rau, cá, thịt đến đủ loại bánh trái được chị cột chặt lên xe. “Phải đi sớm cho kịp bán. Đi muộn bà con lên rẫy hết”, chị nói nhỏ trong lúc kiểm tra lại lần nữa độ chắc chắn của hai sọt hàng. 

Những chuyến xe “tiểu thương di động” về vùng cao.

Những chuyến xe “tiểu thương di động” về vùng cao.

Là tiểu thương có thâm niên chở hàng về với các làng Hà Giao, Kon Lót, K’Bưng, K’Nâu... (xã Canh Liên) lâu năm nhất, nên những khúc cua hiểm trở và bất ngờ, chị Long đều đã thuộc làu và dễ dàng vượt qua.

Nhưng làm khó chị Long hơn cả trên đoạn đường đèo trong những ngày này là cái rét ngọt như dao sắc cứa đến từng đường gân, thớ thịt. Bàn tay tê cóng nhưng chị vẫn cố ghì chặt tay lái, bởi chỉ cần nhẹ tay là cả kiện hàng sẽ vật ngã cả xe và người.

Với các “tiểu thương di động” ở huyện Vĩnh Thạnh, làng O2 (xã Vĩnh Kim) là nơi ít được lựa chọn để “thồ” hàng về bán, vì đường sá vô cùng gian nan, cách trở. Để về O2, sau khi vượt gần 50 km đường đèo từ thị trấn về trung tâm xã, các tiểu thương phải tiếp tục lội bộ, băng rừng gần 2 giờ đồng hồ.

Chợ tết vùng cao

Chị Nguyễn Thị Kim Anh (bên phải), một bạn hàng quen thuộc của bà con làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh, 44 tuổi, ở thị trấn Vĩnh Thạnh - một tiểu thương quen thuộc của bà con ở O2 cho biết, cách duy nhất đến làng là lội bộ nên hàng hóa trong mỗi chuyến đều được gói thật gọn trong giỏ nhựa hoặc trong bao, thuận lợi cho việc vác trên lưng.

Mùa đông, trời rét căm căm, vậy mà những người thẳng tiến về làng O2 đều đặt áo ấm trong giỏ hàng. Bởi, chỉ sau chục bước trèo đường rừng là ai cũng nóng hừng hực, mồ hôi vã ra như tắm.

Mọi người thường nói vui rằng: Đi buôn ở O2 chẳng khác nào phong trào leo núi của dân thể thao hoặc đi phượt của giới trẻ.

Chị Kim Anh cho biết, mỗi dịp cuối năm, dân “cõng” hàng về làng O2 thường xuyên hơn. Không chỉ là chuyện nhu cầu về hàng hóa của bà con tăng lên mà đây còn là dịp họ kiếm thêm đồng lời để lo Tết cho gia đình.

 Cộng với công vượt đường rừng, giá hàng hóa sẽ tăng lên gấp 2, gấp 3 lần, bà con không đủ tiền thì mọi người đổi mật ong, thịt rừng..., tất nhiên là những thứ gọn nhẹ để dễ mang xuống thị trấn.

Một góc không gian “chợ di động” ngày cận Tết tại làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.

Một góc không gian “chợ di động” ngày cận Tết tại làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.

Góp chút hương xuân

Nắm bắt được tập tục cúng gà, vịt dâng lên thần linh khi Tết về của đồng bào Bana, Chăm H’roi ở vùng “cổng trời” Canh Liên nên những ngày đầu tháng Chạp, các tiểu thương mạnh dạn chở theo gà, vịt và cả... một, hai con heo nhỏ (tầm 20 kg/con đổ lại).

Chị Nguyễn Thị Long bảo: “Sóng điện thoại đã phủ đến các làng Hà Giao, Kon Lót của xã Canh Liên, vì thế việc đặt hàng thực phẩm sống không chỉ tại cuộc mua bán hôm trước, mà còn thông qua điện thoại.

Nhiều người thông báo thẳng qua điện thoại rằng không có tiền, đề nghị ghi nợ hoặc trao đổi chuối mốc, rau rừng, tôi cũng gật đầu luôn”. Ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Canh Liên, ghi nhận: “Trước đây, dân làng muốn mua hoặc bán cái gì phải lội xuống chợ thị trấn, mất cả ngày trời! Giờ có mấy người đưa hàng lên bán tận nhà thế này thì mừng lắm, cần mua thứ gì cũng có thể điện thoại đặt trước để hôm sau họ chuyển lên”.

Những ngày này, sổ tay của các tiểu thương đưa hàng về các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) cũng dày lên thấy rõ vì đơn đặt hàng của bà con. Với thâm niên hơn 15 năm chở hàng lên bán cho đồng bào Banna ở làng O5, Kon Trú (xã Vĩnh Kim), chị Mai Thị Gần (ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) chia sẻ: “Đời sống đồng bào giờ khá hơn trước nhiều.

Ngày Tết, họ cũng mua sắm bánh mứt, hạt dưa, dầu, mắm, đường, sữa, cá hộp... xôm tụ lắm. Mới đầu tháng Chạp mà không ít nhà đã đặt mua bình hoa, chén bát, ấm tách...”.Vừa mới dựng xe trước cổng làng O5, chị Gần đã nhanh nhẹn mở vội túi đựng thịt heo, thịt bò để cân cho khách hàng.

Tiếng chân người mua đến càng lúc càng đông. Tiếng nói cười mỗi lúc một nhiều. Không gian tĩnh mịch đầu sớm của thôn, làng thoắt cái đã nhộn nhịp và sinh động. Núi rừng như được đánh thức.

Chợ tết vùng cao

Ngày qua ngày, bà Gần cùng “chợ di động” rong ruổi khắp thôn, bản của xã Vĩnh Kim để cung ứng các loại thức ăn, nhu yếu phẩm cho đồng bào dân tộc Bana.

 Chọn mua một ít cá khô và hột dưa, chị Đinh Thị Liếc (ở làng O5) gật gù tỏ vẻ hài lòng: “Có người mang hàng lên tận nhà rồi, bữa ăn của mình đa dạng hơn. Chuyện mua sắm Tết cũng thuận tiện. Thay vì phải đi xuống huyện hay đi Phú Phong, Quy Nhơn như trước, mình chỉ cần dặn hôm trước là hôm sau có hàng liền.

Mừng là các thương lái đều cho ghi nợ trả sau hoặc đổi bằng đậu xanh, chuối... nên bà con rất an lòng”.

Bên cạnh cá tươi, mắm khô, như mọi hôm, nằm ép trong giỏ xách của chị Kim Anh trên đường vượt rừng về O2 còn có vài bộ quần áo mới cho người lớn, trẻ con, vài tuýp sữa rửa mặt, kem, phấn...

Đây là những thứ hàng Tết được bà con đón mua nhiều nhất. Chị Kim Anh bày tỏ: “Càng đến Tết thì nhu cầu làm đẹp của chị em và nhu cầu sắm sửa cho con trẻ cũng tăng lên. Làng O2 xa xôi, cách trở là vậy nên mình càng phải chịu khó hơn để đem chút không khí xuân miền xuôi về với nơi đây”.

Rất thật thà, chị Kim Anh tâm sự: “Cứ tưởng mình ở thị trấn nên có thể tư vấn ít nhiều cho chị em về quần áo, sản phẩm làm đẹp, nhưng khi nói chuyện mới biết đồng bào các dân tộc giờ đã biết quan tâm đến sức khỏe và vẻ đẹp của mình hơn”.

Minh chứng cho sự “tiến bộ” của phụ nữ người dân tộc”, chị Kim Anh kể: “Hôm trước, một chị dặn tôi mua giúp sữa rửa mặt nhưng không dặn rõ thương hiệu. Tôi cũng biết ý, đem 3 loại khác nhau, giá cả cũng phải chăng, nhưng chị chẳng chịu loại nào, cứ nhất quyết của phải là sữa rửa mặt Pond’s.

Từ đó, tôi rút kinh nghiệm, riêng chuyện quần áo, đồ làm đẹp, lúc mấy chị đặt hàng cứ phải hỏi thật kỹ, đáp ứng nhiệt tình để chị em ưng ý mà đặt nhiều vào lần sau. Càng gần Tết, lời đặt hàng càng nhiều thì lại càng phải kỹ càng hơn”.

Tuy vất vả nhưng các “tiểu thương di động” chẳng bỏ nghề. Không chỉ vì mưu sinh, mà hơn hết là bởi họ quý sự chất phác, thật thà, thân tình của đồng bào ở nơi “cổng trời” Bình Định. Riêng với những tiểu thương mang hàng về O2, sự thân tình ấy càng thắm đượm bởi những những giấc ngủ qua đêm ấm áp bên bếp lửa nhà sàn.

Tháng Chạp, giữa núi rừng trùng điệp, những giỏ hàng từ “tiểu thương di động” vượt hàng chục cây số về với người làng, không chỉ mang theo hàng hóa mà còn mang cả hơi ấm tình người và không khí, góp thêm sắc xuân chộn rộn, xênh xang nơi những vùng cách trở xa xôi.

SƠN TRIỀU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh