THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:23

Chuyện ít biết về người vẽ bản đồ tìm hài cốt đồng đội

 

Người hùng “tiểu đoàn thép”

Sinh năm 1946, trong một gia đình nghèo có đến 7 chị em, ông là con thứ hai trong gia đình. Chàng thanh niên Nguyễn Hồng Hà nhập ngũ 1965, thuộc đơn vị 923.

Huấn luyện chưa đầy một tháng, tháng 5/1965 đơn vị ông nhận nhiệm vụ đánh trận càn quét từ huyện Phù Lưu, sang Mường Hối. Sau 3 ngày giằng co từng thước đất đơn vị ông đã chiếm được toàn bộ khu vực này. Nhớ lại lần đầu tiên cầm súng ra chiến trường ông Hà bảo: “Khi mới ra chiến trường còn nhiều bỡ ngỡ nên cũng hơi lo, nhưng được đồng đội đi trước động viên, rồi thấy pháo ta câu qua đầu mở đường, thì mình quên hết và chỉ nghĩ xông lên chiến đấu”.

Chiếc rương làm bằng vỏ máy bay B52, kỷ vật và tài sản quý giá nhất của ông tặng cho vợ sau ngày giải phóng.


Ông Hà nhớ lại những trận đánh ác liệt ông bảo: “Trận Tháp Sưa – Hố Mường và Sầm Nưa – Pha Thý là để lại ông nhiều kỷ niệm nhất. Vì đây là căn cứ, rất quan trọng, nên cả ta và địch đều muốn chiếm giữ. Tháng 9/1965, đơn vị ông được lệnh chi viện cho căn cứ trên, mặc dù được tiếp sức, nhưng tương quan lực lượng ta vẫn rất mỏng nhưng quân ta vẫn kiên cường chiến đấu. “Có lúc vừa chiếm được quả đồi này, lúc sau địch đã tấn công chiếm lại, nhưng trước sự gan dạ, khôn khéo, bộ đội ta buộc chúng đã phải rút lui. Hôm đó khi đánh trận Tháp Sưa tôi đã bị bom vùi tại hầm cá nhân, khi tỉnh dậy thì đồng đội đã hy sinh hết. Tôi lết ra chiến hào, thì được đồng đội phát hiện cứu sống”– ông Hà nhớ lại.

Hồi đó bộ đội ra không chỉ phải chiến đấu lệch sức, mà còn phải “chiến đấu” với cái khát, không có nước, nhiều người phải uống cả nước hố bom. Sau khi tổng kết trận đánh, Hà được phong tặng danh hiệu “dũng sỹ diệt Mỹ”, Huân chương chiến công hạng ba…

Và trong trận Huội Tô, tháng 2/1966 Hà đã bị thương ở đầu, đầu quấn khăn nhưng vẫn xông lên đánh và cho đến khi cánh tay phải bị thương không còn bắn được nữa anh mới chịu lui về chiến hào. Gan dạ là thế, nhưng khi nghe tin anh Đạo hy sinh, Hà đã khóc rưng rức, dù vậy nhưng khi gia đình viết thư hỏi thăm, để gia đình yên tâm, anh đã trả lời là: “Anh Đạo và con vẫn khỏe”. Thế mới biết cái “chất lính” trong anh như thế nào!?

Ông Hà xem lại những tấm bản đồ hay những thước phim về thương tật của đồng đội còn lưu giữ.


Thời gian trôi qua nhanh quá và với ông Hà còn hơn thế, hết thời gian nghỉ phép, Hà lại lên đường trở lại đơn vị chiến đấu. Năm 1967, đơn vị anh được phân công tiêu diệt cứ điểm Pha Thý, đây là một cứ điểm cực kỳ quạn trọng mà địch từng tung hô là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Tại đây có sân bay, đường hầm, ra đa… như một chiến hạm lớn, với chiều dài gần 6km, rộng 1km. Mùa khô năm 1967, tiểu đoàn 923 nổ súng tấn công cứ điểm Pha Thý, sau hai giờ đồng hồ đã chiếm được Pha Thý và tháng 11/1968 đến 12/1968, địch tấn công đánh chiếm lại Pha Thý, nhưng trước sự chiến đầu kiên cường của quân ta, chúng đã thất bại hoàn toàn. Chính vì vậy, tiểu đoàn 923, tiền thân của C23 được mệnh danh là “tiểu đoàn thép”. 

Vẽ bản đồ tìm hài cốt đồng đội

Sau ngày giải phóng 30/4/1975, Nguyễn Hồng Hà về nước làm công tác huấn luyện tại huyện Anh Sơn (Nghệ An). Tháng 8/1975, giải thể C23 và ông xuất ngũ về địa phương sinh sống, nhưng buồn thay do sơ xuất ông đã bị mất hết giấy tờ. Ông Hà nhớ lại: “Đêm đó là đêm 14/8/1975, khi vừa làm thủ tục xuất ngũ xong, trong lúc chờ tàu tôi tranh thủ đi tắm, tắm xong thì ba lô, giấy tờ không biết ai lấy mất, chỉ còn lại bộ quần áo và tờ lý lịch Đảng do lấy sau”.

Vì mất giấy tờ, nên trong nhiều năm liền không những không được hưởng các chế độ của Nhà nước. Ông Hà sống giản dị, suy nghĩ cũng giản dị, ông bảo mình thiệt một chút cũng chẳng sao, đành rằng là mình có công và đáng lẽ phải được hưởng công lao đó. Nhưng không, ông không đi đòi chế độ cho mình, mà chỉ lo cho những đồng đội, nhất là những người đã hy sinh.

Trong một lần giằng co quyết liệt với địch, đồng đội của ông lần  lượt hy sinh, trước lúc hi sinh đồng đội đã ăn thề với nhau rằng: “Nếu sau này ai còn sống, hãy cố gắng đưa đồng đội về quê nhà”. Lời nhắn nhủ ấy đã ám ảnh ông suốt mấy chục năm qua.

Thi thoảng ông Nguyễn Hồng Hà lại nhận được thư của những gia đình mà ông đã từng giúp tìm mộ thân nhân hỏi thăm, cảm ơn!


Hễ cứ đặt lưng xuống giường là hình ảnh nơi ông từng mai táng đồng đội lại hiện về, có nhiều đêm trong cơn mơ ông đã được đồng đội báo mộng bảo đang ở gốc cây sung này, hòn đá, khe suối kia. Tỉnh dậy, ông vội lôi bút, giấy ghi lại tên tuổi, rồi “lục lại trí nhớ” nơi mình đã từng chôn cất và vẽ lại trên bản đồ, để sau này nếu có cơ hội sẽ  sang Lào, “soi” theo bản đồ mà đưa các anh về.

Từ năm 2000 đến nay, ông đã hồi tưởng lại chiến trường cùng đồng đội đia qua vẽ cả trăm tấm bản đồ nơi chôn cất những đồng đội ở chiến trường Lào năm xưa. Những tấm bản đồ đó được vẽ lên bằng trí nhớ, được tô màu rất chi tiết, bài bản từ bố cục, cho đến các chi tiết nhỏ đều được tô màu khác nhau. Ví như khu trận địa, sân bay, các đường mòn, khe suối nơi có mộ chí gần gốc cây này, hòn đá, thác nước nọ… đều được ông vẽ, ký hiệu riêng giống như một nhà “dư địa chí” chuyên nghiệp, nên xác xuất tìm thấy hài cốt của các liệt sỹ rất cao.

Nhưng phải đến năm 2003, khi Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa và Đội quy tụ hài cốt liệt sỹ ở chiến trường Lào quay phóng sự về cảnh đi tìm hài cốt liệt sỹ ở Lào và liên lạc với các CCB đã từng chiến đầu ở Lào để tìm mộ, hài cốt, thì ông mới có điều kiện thực hiện ước nguyện đưa đồng đội về quê nhà. Ông tìm gặp thủ trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa, đội quy tụ mộ liệt sỹ ở chiến trường Lào và đưa ra “yêu sách”, là được trợ giúp đội quy tụ mộ sang Lào tìm hài cốt và nộp lại hàng trăm tấm bản đồ, đồng thời hướng dẫn cho đội tìm kiếm khi khảo sát, khai quật tại thực địa ở  nước bạn Lào.

Mặc dù nghe ông nói rất rạch ròi và những tấm bản đồ rất chi tiết, nhưng thượng tá Thế - Đội trưởng đội quy tụ hài cốt liệt sỹ và các đồng chí khác vẫn chưa tin lắm. Cho đến khi sang đất bạn Lào, hễ đào xuống theo bản đồ ông Hà vẽ là tìm thấy hài cốt, thượng tá Thế, rồi trung tá Bình (đội phó) mới thực sự tin và trầm trồ thán phục ông.

Trung tá Thế kể, có nhiều chuyến đội tìm được tới 30 – 40 hài cốt, do bản đồ được vẽ chi tiết, nên đội khai quật chính xác hơn. Cho đến nay, đội đã quy tụ được hơn 100 hài cốt và đưa các anh về an nghỉ ở nghĩa trang Hàm Rồng.

Năm 2004, lần đầu tiên ông Hà theo đội quy tập sang Lào trong cuộc hành trình “đưa đồng đội về quê mẹ”, “Tôi cố giữ, nhưng tiếng khóc vẫn bật lên và nước mắt cứ thế trào ra. Không khóc làm sao được khi nơi đây tôi đã cùng các đồng đội chiến đấu và sau hơn 40 năm trở lại, người thì tóc bạc, răng rụng, người thì chỉ còn nắm đất, khúc xương” – ông Hà bùi ngùi nhớ lại.

Từ năm 2007 đến nay, mặc dù tuổi cao, sức yếu, thi thoảng vết thương cũ lại tái phát, đầu đau như búa bổ, chân tay tê nhức, nhưng nghĩ đến đồng đội đang lạnh lẽo nằm lại nơi chiến trường ông lại vùng dậy đi. Mỗi năm ông cùng đội quy tụ mộ liệt sỹ hành quân sang Lào cả chục chuyến, băng rừng, vượt suối, ngủ rừng, ăn rau rừng và uống nước suối để tìm, đưa các đồng đội hồi hương. Ông Hà tâm niệm rằng: “Tôi không nặng về tiền bạc, giàu sang. Còn sức tôi sẽ còn sang chiến trường Lào đưa hài cốt của các liệt sỹ về quê!”.

Hàng ngày, ngoài công việc đồng án, mưu sinh, lúc rảnh rỗi ông lại vẽ những tấm bản đồ mới, rồi lên Ban chủ huy quân sự huyện, lên mạng tìm địa chỉ những liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và lại “lục lại trí nhớ” tìm giúp. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình liệt sỹ đã tìm đến ông nhờ tìm mộ thân nhân. Dù buổi trưa, hay lúc nửa đêm, hễ có người gọi điện đến nhờ tư vấn tìm mộ dù bận công việc, nhưng ông vẫn nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn… Và nhờ ông mà nhiều gia đình đã tìm được hài cốt thân nhân đưa về quê hương khói.

“Tôi làm vì chữ tình, chữ nghĩa với đồng đội, chứ tôi không kiếm sống bằng nghề này. Mình lấy tiền thì không còn là việc nghĩa nữa”, Ông Hà bảo. Chia tay ông tôi chỉ biết chúc cho ông dồi dào sức khỏe, để tiếp làm cái công việc nghĩa vẫn đang còn dang dở chờ ông phía trước. 

THANH NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh