Chuyện ít biết về người làm nghề “trang điểm” đá quý
- Huyệt vị
- 22:06 - 30/11/2016
Bén duyên với nghề đá quý
Thông qua một người bạn trong Hội Đá cảnh – Đá phong thủy Việt Nam, được biết anh Lê Xuân Chởi là nghệ nhân chế tác đá quý có tiếng hiện nay. Để tận mắt chứng kiến quá trình chế tác đá quý công phu, tinh xảo, chúng tôi đã tìm tới Trung tâm Đá quý Ngọc Sơn tại 218 Phú Viên (Long Biên, Hà Nội). Dù đã gần buổi chiều tối nhưng lượng khách ra vào mua đá quý vẫn rất đông. Nhiều khách hàng ở các tỉnh xa mua hàng với số lượng lớn lái cả ô tô lên chở. Một nhân viên dẫn chúng tôi đi sang xưởng chế tác đá bên cạnh để gặp chủ Trung tâm. Không khí làm việc tại đây khá gấp rút, hơn chục nhân viên mỗi người một việc. Ở giữa xưởng là một người đàn ông tóc đã điểm bạc, dáng người mảnh khảnh đang tỉ mẩn tạo hình cho bức đá phong thủy Tùng lộc trên chất liệu đá đỏ, đó chính là ông chủ Lê Xuân Chởi.
Lê Xuân Chởi sinh năm 1968, trong một gia đình đông anh em. Năm 1990, sau khi xuất ngũ, nghe nói trên mỏ đá Lục Yên, Yên Bái có nhiều đá quý nên anh cùng bạn bè lên đó lập nghiệp. Khi ấy nhà bên cạnh có một cô gái tên là Nguyễn Thị Thứ, sinh năm 1973, người ở Khoái Châu, Hưng Yên theo gia đình lên khai hoang. Hàng ngày, hai người vẫn cùng nhau lên nương, cùng nhau đi nhặt đá màu. Tình cảm cứ lớn dần, thế rồi họ lên duyên vợ chồng. Ngày ấy miền quê Lục Yên, Yên Bái chỉ toàn là đá. Nhiều ông chủ từ Hà Nội lên đây thuê người dân trong vùng lên núi khai thác đá. Hai vợ chồng chị cũng tay búa, tay tay rìu đi đập từng tảng đá to rồi bán lại cho họ. Nhiều lúc tay rướm máu, đá rơi vào chân nằm liệt cả tháng nhưng hai vợ chồng vẫn động viên nhau vượt qua khó khăn cùng nhau nuôi dậy các con khôn lớn.
Sau một thời gian, nhờ chịu khó làm việc nên chẳng mấy hai vợ chồng tích cóp được một số vốn kha khá. Để kinh doanh thuận lợi hơn anh tìm cách chuyển ra thị trấn, đồng thời không đi khai thác đá bán lại cho các doanh nghiệp nữa mà tự mình chế tác ra các sản phẩm từ đá quý. "Lúc ấy thị trường đá quý còn mới nên rất cần nguồn nguyên liệu, bọn mình khai thác đến đâu các công ty đều mua hết sạch đến đó. Làm có lãi nên hai vợ chồng lại càng ham và xác định đây sẽ là cái nghề cho mình cuộc sống sau này" - anh Chởi nhớ lại. Đầu những năm 2000, nhận thấy trên thị trường nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ đá quý như trang sức, tranh đá, đá phong thủy ngày càng tăng, anh quyết định đem các sản phẩm đá quý xuống bán tại các cửa hàng trang sức tại Hà Nội. "Đá quý không chỉ dùng để làm đẹp mà còn giúp con người cân bằng sinh khí, tái tạo năng lượng, giúp tinh thần sảng khoái nên rất nhiều người dùng nó như một thứ trang sức hữu ích trong cuộc sống " - anh Chởi nói về tác dụng của đá quý.
Mấy năm sau vợ chồng anh đã tạo dựng được một cơ sở chế tác vững chắc tại quận Long Biên, Hà Nội. Để nâng cao tay nghề, cũng như tạo sự đa dạng cho các sản phẩm, anh đã đi học thêm về mỹ thuật. Hiện Trung tâm của anh sản xuất đủ các sản phẩm từ trang sức như nhẫn, dây truyền, vòng đeo tay, đến các loại tranh đá và đá phong thủy ở trên mọi loại đá rubi, saphia, thạch anh... Đặc biệt khi khách tới mua, căn cứ vào tuổi và mệnh, anh sẽ tư vấn cho họ nên chọn loại đá màu nào, cách đặt những bức tranh hay đá phong thủy ở vị trí nào trong nhà cho thích hợp. "Mình chỉ cần liếc mắt qua một viên đá quý bất kỳ là có thể biết được loại đá này được lấy từ vùng nào, chất lượng của nó ra sao" Anh Chởi nói.
Chữ tín quý hơn vàng
Theo anh Chởi, kinh doanh đá quý là nghề rất khó, để nhận biết các loại đá và đánh giá chất lượng của chúng là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm rất dài. Đó là còn chưa nói ngoài cái tâm thì người kinh doanh đá quý cũng phải có duyên với nghề, như vậy thì mới có thành công. Trong sự nghiệp anh đã từng chứng kiến nhiều người nghĩ rằng làm đá quý dễ lắm nên cũng đầu tư vào kinh doanh nhưng sau đó phải nhận lấy thất bại cay đắng. Cũng có những người thợ ăn trên đá, ngủ trên mỏ đá quý đấy nhưng không có duyên nên mãi mãi vẫn chỉ là một anh thợ ngày ngày gọt đẽo những hòn đá tầm thường theo những kiểu mẫu có sẵn. Thậm chí chính anh khi đã tìm được sự thành công với nghề rồi quay lại giúp đỡ tận tình các anh, chị em trong nhà nhưng chẳng hiểu sao họ vẫn không thể làm được cái nghề này.
Bằng sự cần cù, chăm chỉ lao động, lại làm ăn có uy tín nên chẳng mấy Đá quý Ngọc Sơn đã trở thành thương hiệu có uy tín với khách hàng gần xa. "Bọn mình đi khai thác đá ở khắp các nơi rồi chở về xưởng tự chế tác ra các sản phẩm đá quý nên giá thành bao giờ cũng rẻ hơn nhiều so với thị trường. Chẳng hạn cây tùng lộc này trên thị trường có giá khoảng 150 triệu nhưng bên mình chỉ bán với giá 120 triệu thôi" -Anh Chởi nói.
Năm 2008, để mở rộng sản xuất và đáp ứng kịp thời nhu cầu các đơn hàng lớn, anh đã mua lại một mảnh đất rộng hơn 1000 m2 làm xưởng chế tác đá quý. Hiện nay hệ thống các đại lý của Trung tâm Đá quý Ngọc Sơn có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hải Phòng, Hưng Yên, Sơn La... Riêng tại Hà Nội, anh có tới 4 đại lý bán đá quý ở các quận nội thành. Theo anh để có được một hệ thống các cửa hàng trải rộng như vậy là do mình phải tạo được lòng tin và chia sẻ khó khăn với các chủ đại lý. Chẳng hạn khi có một điểm bán đá quý chuẩn bị khai trương, thì anh chị phải cùng với chủ cửa hàng giải quyết mọi khó khăn. Dù cửa hàng đó mới mở nhưng mình cũng phải luôn coi họ là khách hàng lâu năm để chăm sóc cho họ thật tốt. Bởi khi họ kinh doanh thành công có nghĩa là mình cũng thành công.
Sau nhiều năm hoạt động trong nghề chế tác và kinh doanh đá quý, năm 2011, anh Lê Xuân Chởi được Chủ tịch nước trao tặng Danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia. Năm 2014, đá quý Ngọc Sơn được vinh danh trong "Thương hiệu sản phẩm, dịch vụ phát triển bền vững" và "Doanh nhân doanh nghiệp của năm", mới đây nhất là Huy chương vàng trong triển lãm Đá cảnh – Đá phong thủy năm 2015. Chia sẻ về bí quyết có được thành công trong lĩnh vực kinh doanh đá quý, anh Lê Xuân Chởi cho biết: "Đã kinh doanh thì phải luôn coi khách hàng là thượng đế. Để làm hài lòng khách hàng mình phải biết lo cùng họ, tư vấn giải đáp mọi thắc mắc của họ, chứ không phải cứ cầm tiền của khách là xong. Đặc biệt mình luôn đề cao uy tín chất lượng hàng hóa nên hàng đầu. Làm kinh doanh tối kỵ là việc làm ăn gian dối, bởi chỉ cần một lần như thế khách hàng sẽ lập tức tẩy chay doanh nghiệp ngay, ngoài ra giá thành cũng phải hợp lý vừa túi tiền tùy từng đối tượng người tiêu dùng".