CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:56

Chọn nghề phù hợp để khởi nghiệp


Ông Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TP.Hồ Chí Minh, cho hay, chưa có mùa tuyển sinh nào lại chật vật như mùa tuyển sinh năm 2016, lượng thí sinh (TS) đăng ký vào trường khá khiêm tốn. Cụ thể, so với chỉ tiêu 2.200, trường chỉ tuyển được 1.800, trong đó hệ cao đẳng là 1.500, các hệ còn lại 300. Hiện trường vẫn tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung.

Ông Tiến lưu ý, đây cũng là mùa tuyển sinh rất đặc biệt. Hơn 70% số TS đăng ký học tại trường đều dồn vào ngành công nghệ may. Các ngành còn lại chỉ vừa đủ bố trí một lớp học. Theo ông Tiến, kết quả khảo sát của trường cho thấy nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN) ngành may rất cao nên TS đa phần lựa chọn ngành học này, thay vì các ngành kế toán, tài chính như những năm trước đây.
“Việc lựa chọn của TS có sự tính toán “thực dụng” vì họ tham khảo nhu cầu các DN rất kỹ. Các em học xong có việc làm ngay thay vì phải chật vật đi tìm kiếm việc làm so với các ngành khác cùng thời gian đào tạo” - ông Tiến nhận xét.Theo ông Tiến, ngoài việc tăng đột biến ngành học này, các DN còn đặt hàng nhà trường đào tạo nhân lực cũng khá dồi dào. Một số DN còn gửi công nhân đã tuyển dụng đến học nâng cao tại trường nên thời điểm này có thể đánh giá đây là ngành “hot”.

                             Dù than phiền tuyển sinh chật vật nhưng các trường nghề vẫn thu hút được học viên  với các ngành nghề đặc thù. (Ảnh: Trường trung cấp nghề Việt Giao)
Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, phấn khởi cho hay, thay vì chật vật tuyển sinh như các năm trước, năm nay trường hoàn thành 1.200 chỉ tiêu tuyển sinh từ cuối tháng 9, thay vì phải đợi các trường ĐH tuyển xong mới đến lượt.
Bà Xuân cho rằng, đa phần TS đã có định hướng học ngành du lịch từ trước nên không phân vân vào ĐH hay học nghề. Trong đó tỉ lệ TS đăng ký vào các ngành quản trị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, đầu bếp chiếm ưu thế do nhu cầu nhân sự trong các lĩnh vực này cao. Ngược lại nghề hướng dẫn viên hạn chế về số lượng hơn do nghề này đòi hỏi nhiều tố chất hơn.
“Hiện các chuỗi khách sạn, nhà hàng nổi tiếng thế giới đều có mặt tại các thành phố lớn, khu nghỉ dưỡng của Việt Nam. Vì thế nhu cầu nhân sự trong ngành này vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, làm việc trong ngành du lịch đòi hỏi phải năng động, tinh tế và khả năng giao tiếp, vốn ngoại ngữ tốt sẽ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp bản thân” - bà Xuân nhận xét
Theo TS Bùi Văn Hưng, Trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TP.Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện tại trường đã tuyển được hơn 1.300 chỉ tiêu các ngành đào tạo (chỉ tiêu là 1.500). Tuy nhiên, số lượng TS đăng ký vào các ngành có sự chênh lệch khá lớn, cụ thể hai ngành công nghệ ô tô và điện có số TS nhập học lấn lướt hơn. Trong đó riêng ngành công nghệ ô tô chiếm gần 500, kế đến ngành điện khoảng 200 chỉ tiêu.
Ông Hưng cho rằng đa phần TS lựa chọn hai ngành này do nhu cầu thợ có tay nghề tại các DN lắp ráp, kinh doanh trong ngành ô tô rất lớn. Nhu cầu đặt hàng cho các trường nghề đào tạo cao nên nhiều TS đăng ký theo học là điều dễ hiểu.
Cùng với việc thu hút thợ có tay nghề, các DN, đại lý ô tô, xe máy còn tính toán hỗ trợ kinh phí cho sinh viên khi đến thực tập tại các cơ sở. điều này giúp các em giảm chi phí, có thêm thu nhập trang trải học tập, nâng cao tay nghề và tiếp cận công việc tại DN. “Trường có trung tâm kết nối DN và hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm nên có thống kê, lương của bậc trung cấp mới vào làm là 4,5 triệu đồng, đối với cao đẳng 5,5-6 triệu đồng/tháng chưa tính thời gian tăng ca” - ông Hưng đánh giá.
Ông Hưng thông tin thêm việc lựa chọn học nghề những năm gần đây đều có sự cân nhắc rất kỹ của người học. Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ xét tuyển, nhiều TS, phụ huynh đến tận trường khảo sát cơ sở vật chất thực hành có gì, đội ngũ giáo viên ra sao để so đo với các trường khác rồi mới đưa ra quyết định nên học nghề gì ở trường nào.
"Điểm thi của em đủ để xét tuyển vào ĐH nhưng em quyết định chọn học nghề. Ban đầu em khá phân vân giữa nghề đầu bếp và công nghệ may. Sau đó, khi tìm hiểu và được người chị định hướng làm ngành may mặc, em đã quyết định chọn ngành này vì học ra có thể kiếm việc làm ngay. Ngoài ra, ngành này khi đã có tay nghề sẽ thuận lợi tự tạo việc làm hay mở DN.", Vũ Thu Thảo, sinh viên năm nhất ngành công nghệ may Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TP.Hồ Chí Minh cho biết.

Còn em Tạ Quang Thắng, vừa tốt nghiệp ngành cơ khí cho biết: "Nhu cầu thợ máy lành nghề tại các DN khá cao, tập trung ở các vị trí bảo trì, điều khiển vận hành các chuyền sản xuất. Ngoài ra, ngành điện công nghiệp cũng luôn được các nhà máy tìm kiếm, với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca."
Điều dưỡng, hộ lý hệ trung cấp ế ẩm
"Nghề chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng nhiều năm qua rất hút, nhưng năm nay khá điêu đứng vì không tuyển được người học. Chủ trương không tuyển dụng bậc trung cấp điều dưỡng, hộ lý của Bộ Y tế đã khiến hàng loạt trường có đào tạo nghề này rơi vào cảnh chợ chiều, không có người đăng ký do lo ngại học ra không có việc làm, trong khi nhu cầu thực tế tại các đơn vị, DN vẫn rất cần", ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP.Hồ Chí Minh nhận định

Phong Điền/Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh