THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:56

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025: Đảm bảo quyền an sinh xã hội của công dân

Bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm

Theo đánh giá của Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) Tô Đức, việc áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 đã nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thu nhập và từng chiều, chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025: Đảm bảo quyền an sinh xã hội của công dân - Ảnh 1.

Nhận được sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nay gia đình Thào A Vàng (Quỳnh Nhai, Sơn La) đã thoát nghèo.

Đây là cơ sở để các địa phương triển khai những chương trình, cơ chế đặc thù thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,88% đầu năm 2016 xuống còn 3,75% cuối năm 2019, dự kiến xuống dưới 3% cuối năm 2020, bình quân giảm 1,53%/năm, tỷ lệ giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là 1 -1,5%/năm.

"Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã bước đầu phân loại được mức độ nghèo giữa các vùng, miền. Phương pháp, công cụ, quy trình rà soát hộ nghèo bảo đảm tính khách quan hơn, dễ nhận diện đối tượng, xác định được mức độ thiếu hụt về thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo để thực hiện các chính sách hỗ trợ, tác động phù hợp", ông Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tiễn đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện chuẩn nghèo quốc gia với một số bất cập và một số vấn đề mới phát sinh. Vì thế, cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới 2021 - 2025 theo hướng kế thừa những điểm tích cực, thành công; khắc phục những nội dung lạc hậu, tồn tại, vướng mắc của chuẩn nghèo hiện nay và giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc mới được nhận diện.

Trong đó, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới tập trung điều chỉnh, nâng tiêu chí về thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu tính tại thời điểm năm 2020; bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong gia đình; hộ nghèo phải đáp ứng cả 2 tiêu chí thiếu hụt về thu nhập và các chiều dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều.

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025: Đảm bảo quyền an sinh xã hội của công dân - Ảnh 2.

Người dân đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người, đặc biệt là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 – 2025

Theo ông Tô Đức, so với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 có một số sửa đổi, bổ sung. Tiêu chí về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, bổ sung thêm chiều việc làm, vì đây là chiều phản ánh thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. Chỉ số việc làm gắn với thu nhập cũng sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo giai đoạn tới để có các giải pháp tác động phù hợp, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện, có thời gian.

Kế thừa và bổ sung chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 6 dịch vụ: y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin; việc làm. Cụ thể, một số chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản đề nghị sửa đổi. Về y tế, thay thế chỉ số tiếp cận các dịch vụ y tế bằng chỉ số dinh dưỡng với ngưỡng thiếu hụt như sau: Gia đình có ít nhất một trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc cân nặng theo tuổi; chỉ số bảo hiểm y tế điều chỉnh ngưỡng thiếu hụt như sau: Gia đình có ít nhất một người từ 6 tuổi đến dưới 80 tuổi hiện không có bảo hiểm y tế.

Giáo dục sửa đổi 2 chỉ số. Trình độ giáo dục của người lớn được thay thế như sau: Gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi không có bằng cấp giáo dục đào tạo phù hợp với độ tuổi tương ứng. Tình trạng đi học của trẻ em được thay thế như sau: Hộ có ít nhất 1 trẻ em từ 3 đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi. Nước sạch và vệ sinh sửa đổi thành nước sinh hoạt và vệ sinh. Trong đó, thay đổi chỉ số nước sinh hoạt hợp vệ sinh thành chỉ số nguồn nước sinh hoạt an toàn.Về tiếp cận thông tin, sửa đổi tên thành thông tin. Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 chỉ số gồm khả năng sử dụng thông tin và phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Kế thừa và sửa đổi, bổ sung chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm 12 chỉ số: Dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn trong độ tuổi từ 16 đến 30; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt an toàn; nhà tiêu hợp vệ sinh; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin; khả năng sử dụng thông tin; tiếp cận việc làm; người phụ thuộc trong gia đình.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và tính toán của Tổng cục Thống kê về chuẩn mức sống tối thiểu, chuẩn mức sống trung bình, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất áp dụng tiêu chí về thu nhập theo phương án: Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025: Hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Khu vực thành thị là gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ cận nghèo, khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Khu vực thành thị: Là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn: Là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng. Khu vực thành thị: Là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

"Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng với 2,5 triệu hộ với 10 triệu khẩu; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 7%, tương ứng với 1,89 triệu hộ với 7,61 triệu khẩu. Ước tính khi thực hiện chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạt 78,30% so với giai đoạn 2016 - 2020; ngân sách chi để thực hiện các chính sách giảm nghèo bình quân là 25.000 tỷ đồng/năm (bao gồm ngân sách hỗ trợ chi mua bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục, tiền điện, tín dụng/cấp bù lãi suất, trợ giúp pháp lý…) không làm gia tăng ngân sách so với giai đoạn 2016 - 2020", ông Đức cho biết.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh