Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2026: Hỗ trợ toàn diện, bao trùm cho người nghèo
- Dược liệu
- 22:13 - 12/06/2020
Giai đoạn 2016-2020: Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,53%/năm
Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ những năm 2015. Qua báo cáo đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cho thấy, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã bước đầu phân loại được mức độ nghèo giữa các vùng, miền. Phương pháp, công cụ, quy trình rà soát hộ nghèo bảo đảm tính khách quan, dễ nhận diện đối tượng.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,75% (năm 2019), bình quân giảm 1,53%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là 1-1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều có xu hướng giảm mạnh hơn trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung, từ 24,4% (năm 2015) xuống còn 6,83% (năm 2019). Số lượng hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được giảm mạnh sau 4 năm.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, bên cạnh những mặt đạt được khi thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập được duy trì trong 5 năm liên tục không cập nhật chỉ số giá.
Bên cạnh đó, hộ nghèo được tách thành 2 nhóm: hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, chưa phù hợp. Một số chỉ số đo lường tiếp cận nghèo đa chiều chưa cụ thể, chưa định lượng nên khó xác định khi thực hiện hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Chuẩn nghèo chưa xác định rõ giải pháp tác động đối với nhóm hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương…
"Chính vì vậy, cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới theo hướng kế thừa những điểm tích cực, thành công. Đồng thời, khắc phục những nội dung lạc hậu, tồn tại, vướng mắc của chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 -2020. Giải quyết các vấn đề, chiều thiếu hụt phát sinh hoặc mới được nhận diện để đảm bảo phù hợp với thực tế hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo. Từ đó, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%
Theo Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Tô Đức, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đo lường nghèo đa chiều phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội cụ thể của đất nước và thu nhập là một chiều trọng tâm, chủ yếu trong các chiều đo lường nghèo. Phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều được xây được trên cơ sở khoa học, có thể so sánh với quốc tế và khu vực, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
Theo đề xuất, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025 sẽ thay đổi. Hộ nghèo: Khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng với 2,5 triệu hộ, 10 triệu khẩu; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 7%, tương ứng với 1,89 triệu hộ, 7,61 triệu khẩu. Ước tính khi thực hiện chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 78,30% so với giai đoạn 2016-2020; ngân sách chi để thực hiện các chính sách giảm nghèo bình quân là 25.000 tỷ đồng/năm (bao gồm ngân sách hỗ trợ chi mua bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục, tiền điện, tín dụng/cấp bù lãi suất, trợ giúp pháp lý…), không làm gia tăng ngân sách so với giai đoạn 2016 - 2020.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, đã có 11 ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ban, ngành và đặc biệt là ý kiến của các địa phương. Trong số đó có nhiều ý kiến về giảm nghèo chiều thu nhập, việc làm, dinh dưỡng. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, đánh giá các ý kiến đóng góp để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2026 tốt hơn giai đoạn trước.