Dự án La Tưng: Cần sớm tháo gỡ để người dân thật sự thoát nghèo
- Dược liệu
- 13:03 - 28/08/2020
Số liệu điều tra của Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, hiện địa phương có khoảng 39.000 hộ dân vùng dân tộc, miền núi, trong đó hơn 13.000 hộ dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 4,3% dân số toàn tỉnh. Theo danh sách phê duyệt thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II và khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020, Thừa Thiên Huế có 48 xã thuộc 6 huyện, thị xã có dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm: huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, 2 thị xã Hương Trà và Hương Thuỷ.
Mặt khác, theo Quyết định 2085/QD-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, Thừa Thiên Huế có 5.702 hộ dân có nhu cầu hỗ trợ, trong đó có 1.304 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo cần được hỗ trợ đất sản xuất với tổng diện tích 2.853ha; 1.697 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
Trong những năm qua, nhờ nguồn hỗ trợ tổng lực từ cách chính sách, chương trình dự án xoá đói giảm nghèo bền vững, chính sách hỗ trợ đặc thù, bộ mặt các địa phương thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi từng bước khởi sắc, đầu tư kinh tế - xã hội có chiều sâu, đúng đối tượng, đúng mục đích. Cơ sở hạ tầng dần dần được hoàn thiện, 100% các xã miền núi, vùng cao đều có trường học, trạm xá, đường ô tô được bê tông hoá đến từng thôn, bản… Số hộ dùng nước sinh hoạt, sử dụng điện lưới ngày càng phủ rộng, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 2 – 4%/năm.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2004 – 2016, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ cho 3.630 hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số về đất ở, với tổng diện tích là 108,9ha; hỗ trợ 499,5ha đất sản xuất cho 1.083 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 833 hộ tại các xã không còn quỹ đất để bố trí.
Cũng trong giai đoạn này, Thừa Thiên Huế đã thực hiện 9 dự án định canh, định cư tập trung và 4 dự án xen ghép. Qua đó, hỗ trợ nơi ở ổn định cho 751 hộ/2.929 nhân khẩu. Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và thực hiện dự án định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đã có tác động rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân, giúp họ ổn định đời sống và từng bước thoát khỏi nghèo đói.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với mặt bằng chung của cả tỉnh; kết quả giảm nghèo thiếu bền vững; nhiều hộ chưa có ý thực tự vươn lên phát triển kinh tế xã hội, năng lực quản lý kinh tế hộ gia đình còn hạn chế, không có vốn tự có nên khó khăn trong triển khai chương trình, chính sách liên quan,…
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn nhiều tồn tại. Nhu cầu và khối lượng cần thực hiện khá lớn nhưng nguồn lực đầu tư hạn chế. Một số địa phương do không còn hoặc chưa bố trí quỹ đất để cấp nên còn nhiều đối tượng chưa được tiếp cận chính sách. Định mức đất sản xuất theo quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn sống bằng nghề lâm nghiệp, nông nghiệp so với quy định của Nhà nước là rất thấp. Công tác rà soát đối tượng tại một số địa phương chưa chặt chẽ, chậm trễ. Nhiều dự án thực hiện không nghiêm túc, thiếu tầm nhìn dẫn đến không phát huy tính hiệu quả hoặc không sử dụng được,…
Cũng theo Ban Dân tộc Thừa Thiên Huế, hiện nay, dân số tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng do có nhiều vợ chồng trẻ đã tách hộ, lập vườn. Mặt khác, nhiều hộ gia đình đã ý thức được việc phải có đất đai để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hộ, qua đó nâng cao đời sống. Trong khi đó, đất đai vừa thiếu vừa cằn cỗi, nằm xa khu dân cư nên gây nhiều khó khăn cho người dân.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề án thực hiện quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020. Theo đề án án, Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư, hỗ trợ cho 211 hộ dân về đất ở, với diện tích là 9,73ha; hỗ trợ cho 1.304 hộ gia đình về đất sản xuất, với tổng diện tích 2.583ha; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.697 hộ với tổng số vốn cần giải ngân 77.475 triệu đồng. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng thực hiện 13 điểm định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; tiếp tục hoàn thiện 4 điểm còn lại của giai đoạn trước đó, để ổn định đời sống của người dân.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế cho biết, những năm qua, tỉnh đã tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 8,36% đầu năm 2016 xuống còn 4,17% vào cuối năm 2019 và dự kiến giảm còn 3,67% vào cuối năm 2020, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nh p cho người dân. Khoảng cách nghèo đã từng bước thu hẹp giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,85%/năm.
Đặc biệt, để giảm nghèo bền vững trên địa bàn 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, Thừa Thiên Huế cũng đã phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học giúp đỡ các xã ở hai huyện Nam Đông và A Lưới. Đến cuối năm 2019, 11 xã tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 25%. Chỉ tiêu đề ra phấn đấu đến cuối năm 2020 giảm từ 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% xuống còn 7 xã là đạt và có khả năng vượt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, kết quả rà soát trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện chưa có xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi nào đạt chuẩn nông thôn mới và thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Chỉ tiêu từ 15-20% số xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng khó khăn là khó hoàn thành.
Liên quan đến vấn đề thiếu đất sản xuất gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xoá đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh cũng đang rốt ráo chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khảo sát, tổng hợp số liệu nhu cầu của người dân để có phương án thích hợp. Mặt khác, đối với 1 số dự án chưa phát huy hết hiệu quả, chưa thể đưa vào sử dụng được như dự án khai hoang ruộng lúa ở thôn La Tưng (xã Lâm Đớt) hay số diện tích đất ruộng ở các khu tái định cư khác, Thừa Thiên Huế cũng sẽ chỉ đạo địa phương nhanh chóng khắc phục, để hỗ trợ người dân một cách sớm nhất.