CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:00

Dự án La Tưng: Hộ nghèo dân tộc thiểu số “khát” đất sản xuất

Viết tiếp theo dự án La Tưng: Hộ nghèo dân tộc thiểu số “khát” đất sản xuất  - Ảnh 1.

Căn nhà nhỏ tại thôn tái định cư La Tưng của vợ chồng anh Hồ Văn Ngân.

Thiếu đất truyền đời

A Lưới là có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế và là địa bàn sinh sống chủ yếu của cộng đồng người: Tà Ôi, Pa Cô, Bru Vân Kiều, Pa Hy... Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua hệ thống cơ chế, chính sách, chương trình, dự án và nguồn lực trong công tác xoá đói giảm nghèo đã giúp bộ mặt nông thôn huyện vùng cao này thay đổi. Tuy nhiên, một thực tế kéo dài trong suốt nhiều năm qua đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để ở A Lưới là câu chuyện thiếu đất sản xuất của người dân, nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số. 

Một khảo sát mới đây cho thấy, huyện A Lưới có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất nếu chiếu theo quy định: Một hộ dân được cấp 0,75ha đất nông nghiệp và 2ha đất rừng. Thực tế này đã gây khó khăn trong làm ruộng, làm vườn và tổ chức chăn nuôi của người dân. Đây chính là rào cản lớn nhất khiến người dân mãi chưa thể thoát nghèo dù được hỗ trợ từ khá nhiều chương trình, dự án.

Một buổi trưa tháng 8, chúng tôi có dịp đến thăm nhà của gia đình anh Hồ Văn Ngân (31 tuổi, trú tại thôn La Tưng, xã Lâm Đớt, A Lưới, Thừa Thiên Huế). Trong căn nhà nhỏ, lúp xúp, diện tích chưa đến 40m2, chị Hồ Thị Pân (vợ anh Ngân) đang miệt mài ngồi dệt Zèng. Đây đang là công việc chính và mang lại nguồn thu nhập nuôi cả 3 miệng ăn trong gia đình thời gian này. Chị Pân bảo, nếu làm nhanh và thường xuyên, một tấm vải Zèng sẽ được dệt xong trong vòng 7 ngày, nhưng nếu chỉ làm tranh thủ vào ban đêm thì có thể phải mất một tháng mới hoàn thành. Một tấm vải thổ cẩm Zèng hiện nay được chị bán lại với giá khoảng 500 ngàn đồng. Sau khi đã trừ đi tiền nguyên liệu, đây là nguồn thu quá ít nhưng không thể khác hơn. 

Riêng anh Ngân, từ Tết Nguyên đán đến nay sau khi đi làm ăn từ phía Nam về, anh chỉ ở nhà, thi thoảng có ai gọi thì đi làm thuê… thu nhập không cao và không ổn định. Khi chúng tôi hỏi sao không chăn nuôi thêm lợn, gà để cải thiện đời sống, vợ chồng trẻ này nhìn nhau rồi bảo vì vừa thiếu vốn, lại thiếu cả đất để làm chuồng, trại chăn nuôi.

Câu chuyện càng trở nên "bi thảm" hơn khi chúng tôi biết được nguồn gốc thửa đất cùng căn nhà nằm sát vùng biên giới, dưới chân dãy Trường Sơn của đôi vợ chồng nghèo người Tà Ôi này. Anh Ngân ngậm ngùi cho biết: "Đất này là của anh trai mình chia cho đấy. Tính ra, mình vẫn đang ở nhờ trên đất của anh trai và chị dâu thôi. Còn cái nhà, mình mới xây năm 2018. Khi mới về đây, mình dựng tạm cái lều để ở. Trong quá trình đi làm, mình thấy ai tháo cái công trình gì thì xin ít viên gạch ba lô cũ mang về, tích cóp dần rồi vay mượn, xin hỗ trợ mua ít xi măng, dựng tạm 4 bức tường lấy chỗ trú nắng, trú mưa thôi".

Khi tôi và anh Ngân đang dở câu chuyện thì anh Hồ Văn Nghĩa (sinh năm 1985, anh trai anh Ngân) đi làm về. Bắt chuyện, chúng tôi thêm hiểu rõ hơn vì sao cái nghèo cứ bám lấy những người dân ở La Tưng này. Nghĩa và Ngân là hai anh em ruột trong gia đình có 3 anh em trai. Theo lời kể của anh Nghĩa, ngày trước, gia đình anh sinh sống ở khu vực gần bến xe trung tâm huyện A Lưới hiện nay. Tuy nhiên, do không có đất sản xuất, bố mẹ anh đã quyết định đưa cả gia đình đi vào khu vực gần biên giới Việt - Lào thuộc thôn A Đớt, xã Lâm Đớt để kiếm kế sinh nhai. Tại nơi ở mới, bên cạnh diện tích đất ở, gia đình anh cũng chỉ khai hoang được hơn 5 sào ruộng và ít đất làm nương rẫy. Khi 3 anh em anh Nghĩa lớn lên, gia đình này lại rơi vào cảnh thiếu cả đất ở lẫn đất sản xuất, và 1 cuộc thoát ly nữa lại diễn ra.

"Ngày còn nhỏ, mình thường hay lên khu vực này (thôn La Tưng) để bắt cua, mò ốc. Năm 2009, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về và lập gia đình, vì không có đủ đất để làm nhà riêng, tôi cùng vợ quyết định lên khu vực khe suối nằm ngay dưới chân dãy Trường Sơn để lập nơi ở mới. Nhưng do trước đó cũng đã có nhiều người khác đến ở và khai hoang nên nhà tôi cũng không khai hoang được nhiều", anh Nghĩa kể. Đến năm 2011, người em Hồ Văn Ngân kết hôn, thương em không có chỗ ở, anh Nghĩa lại gọi em lên, chia cho phân nửa đất để gia đình em an cư. Thế là gần 1.200m2 đất do vợ chồng anh Nghĩa khai hoang ra được chia đôi cho vợ chồng người em một nửa. Không đất trồng rừng, không ruộng, Nghĩa và Ngân lại phải về nơi ở cũ, chia 5 sào ruộng với cha mẹ và 1 người anh em khác để làm. Anh Nghĩa chua chát: "Bao năm thoát ly, gia đình tôi vẫn thiếu đất sản xuất, việc làm không có, nhà lớn, nhà nhỏ đều là hộ nghèo của xã".

Cùng được đưa đến tái định cư tại thôn La Tưng từ thôn PaRis KaVin vào năm 2012, gia đình anh Hồ Văn Phất cũng như gia đình anh Nghĩa, Ngân và các hộ dân khác của thôn lại phải quay về nơi ở cũ để xin cha mẹ, người thân đất ruộng, đất rừng để làm. Diện tích vốn đã ít, khi chia nhỏ ra thì vấn đề càng trở nên khó khăn hơn. Gia đình anh Phất hiện có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có khoảng 500m2 cả đất ở lẫn đất vườn tại nơi ở mới. Vợ chồng này cũng không có việc làm ổn định nên đời sống khá vất vả, cộng thêm đang nuôi 2 đứa con nhỏ ăn học. 2 sào ruộng được bố mẹ chia cho chưa kịp hết rơm thì lúa trong bao đã cạn.

Ông Hồ Sỹ Khu, trưởng thôn La Tưng cho biết, do không có đất sản xuất nên có 39 lao động trong thôn phải đi làm việc ở các địa phương khác. Song, do trình độ có hạn nên mức thu nhập của những người lao động tại đây cũng không cao lắm. 

Chia tay La Tưng, nhìn qua những đứa trẻ trong thôn, chúng tôi không khỏi ái ngại cho tương lai của cháu. Chỉ mong sao, khi lớn lên, tương lai những đứa bé ấy không lặp lại hoàn cảnh như cha mẹ mình.

Viết tiếp theo dự án La Tưng: Hộ nghèo dân tộc thiểu số “khát” đất sản xuất  - Ảnh 3.

Chị Hồ Thị Pân miệt mài dệt vải thổ cẩm để kiếm thu nhập trang trải đời sống gia đình.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại huyện A Lưới, không chỉ La Tưng mà nhiều khu vực tái định cư, khu dân cư người dân tộc thiểu số cũng chung cảnh "khát" đất sản xuất kéo dài. Bản mới Pà Ay (xã Hồng Thuỷ, A Lưới) là một ví dụ. Đây là bản tái định cư với các hộ dân thuộc diện hộ nghèo thiếu đất sản xuất, hộ sống ở khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở núi, lũ lụt ở xã Hồng Thuỷ. Mỗi hộ dân khi vào nơi ở mới Pa Ay được cấp 500m2 bao gồm cả đất ở và đất vườn. Với số diện tích này, người dân muốn phát triển sản xuất phải mượn đất sản xuất của người dân các thôn khác hoặc quay về nơi cũ xin chia đất với cha mẹ, người thân. Dù thôn đã hình thành được hơn 10 năm nay, cơn "khát" đất sản xuất vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đó cũng là thực trạng chung tại các Làng thanh niên lập nghiệp (xã Hương Phong); các thôn tái định cư thuỷ điện A Đên, A Sáp (xã Hồng Thượng), hay các điểm định canh định cư khác trên địa bàn A Lưới.

Ông Hồ Văn Đời, Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Thượng cho biết, việc cấp đổi đất để sản xuất lúa nước cho người dân ở 2 thôn tái định cư A Đên và A Sáp mới chỉ thực hiện được 9/24ha. Có đến 15ha ruộng không sản xuất được do sỏi đá quá nhiều, tầng canh tác không đảm bảo, lượng nước tưới thủy lợi không đủ. "Người dân đã nhiều lần kiến nghị thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vấn đề vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể", ông Đời nói.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, theo Quyết định 2085/QD-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ở huyện A Lưới có rất nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Một số xã hiện nay không có quỹ đất để bố trí cho người dân, nhiều nơi đất không sản xuất được. "Vừa qua, huyện đã chỉ đạo các xã rà soát toàn bộ diện tích đất của xã để hỗ trợ theo quyết định 2085 và hiện nay đã cơ bản rà soát xong. Huyện đang giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định để lập các dự án, sớm có đất hỗ trợ người dân", ông Ngưm thông tin thêm.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh