THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:01

Nam Định: Chú trọng cai nghiện ma túy tại cộng đồng

 

Khoảng 1.600 người được điều trị bằng Methadone

Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh Nam Định, tính hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.800 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, số người nghi nghiện là hơn 1.000 người. Toàn tỉnh có 211/229 đơn vị cấp xã có người nghiện ma túy; 5/10 đơn vị cấp huyện có 100% số xã/phường/thị trấn trên địa bàn có người nghiện.

Là tỉnh sớm quan tâm đến công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy, đặc biệt công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, các ngành chức năng tỉnh đã phối hợp triển khai từ giai đoạn 2005-2008. Sau 3 năm thực hiện với kết quả ban đầu khả quan, ngày 6/7/2009, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Đề án “Tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng giai đoạn 2009-2014”. Từ năm 2015, công tác cai nghiện tại gia đình cộng đồng trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 98/NĐ-CP của Chính phủ.

Bác sĩ khám, tư vấn cho người nghiện ma túy.

 

Từ năm 2011 đến tháng 11/2015, Nam Định đã tổ chức cai nghiện ma túy cho hơn 3.000 lượt người và điều trị thay thế bằng Methadone cho gần 1.600 người, trong đó kết quả cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chiếm tỷ lệ tương đối cao (hơn 1.500 người tương đương 32% tổng số người nghiện ma túy được điều trị, trung bình mỗi năm tổ chức cai nghiện cho 304 người). Từ tháng 1 đến 10/2016, tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh tiếp nhận vào cai nghiện bắt buộc 53  học viên; số học viên mới được tiếp nhận vào cai nghiện tự nguyện là 122  học viên (đạt 61% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 6 học viên so với cùng kỳ năm 2015). Số lượt người nghiện ma túy được tiếp nhận vào cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở cai nghiện tự nguyện trên địa bàn tỉnh là 199 lượt người (đạt 66,3 % chỉ tiêu kế hoạch, tăng 32 người so với cùng kỳ năm 2015). Ước cả năm tổ chức cai nghiện cho 300 lượt người tại gia đình và cộng đồng, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.

Kinh nghiệm hay từ Nam Định

Tại Nam Định, tất cả các xã, phường, thị trấn của huyện có người nghiện ma túy đã thành lập Tổ công tác cai nghiện. Trong đó, công an địa phương cùng với các cán bộ xã hội, Hội cựu chiến binh là lực lượng tích cực đi đầu trong các hoạt động của Tổ công tác cai nghiện.

Quá trình tổ chức cho người nghiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng của Tổ công tác cai nghiện thực hiện qua 5 nội dung: Tiếp cận cộng đồng; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động đối tượng tự giác cai nghiện, tư vấn lập hồ sơ cai nghiện; điều trị cắt cơn giải độc; giáo dục phục hồi hành vi nhân cách; tạo việc làm, kết nối các dịch vụ dạy nghề tạo việc làm. Tùy từng người nghiện cụ thể, Tổ công tác phân công thành viên tiếp cận lần đầu. Người được phân công là người dễ dàng tiếp cận với người nghiện, thấu cảm với người nghiện, đưa ra được cách giải quyết vấn đề của người nghiện, được gia đình họ đồng thuận với cách giải quyết và cam kết hợp tác thực hiện.

Quá trình cai nghiện, đầu tiên là điều trị cắt cơn giải độc. Gia đình có trách nhiệm bố trí phòng cách ly, trong đó có sẵn các đồ dùng sinh hoạt, vệ sinh cho người cai nghiện; kiểm tra kỹ các đồ dùng cá nhân của họ, loại trừ các chất ma túy. Trạm y tế xã cung cấp thuốc hỗ trợ cắt cơn làm cho người cai đỡ đau đớn và ngủ sâu, sau đó theo dõi tình hình sức khỏe người cai trong suốt thời gian cắt cơn (1-3 tuần). Người thân trong gia đình thường xuyên bên cạnh người cai để động viên người cai, quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng, thực hiện các biện pháp tâm lý, vật lý trị liệu giúp người cai bớt đau đớn, lo âu, vượt qua hội chứng cai. Cán bộ Tổ công tác cai nghiện và các hội, đoàn thể phân công có mặt thường xuyên để động viên người cai và gia đình. Trường hợp gia đình không thể bố trí được phòng riêng, có thể liên hệ với xã, phường đã đưa người nghiện đến cơ sở tập trung để cắt cơn, sau đó đưa về gia đình.

Tùy điều kiện cụ thể của địa phương và từng người, Tổ công tác cai nghiện tổ chức cho người sau cai tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí. Sau đó, gia đình, bản thân người sau cai nghiện chủ động quyết định chọn nghề và hình thức học nghề phù hợp. Tổ công tác cai nghiện tham gia góp ý để người cai nghiện chọn nghề, hình thức học phù hợp với bản thân người sau cai, đảm bảo yêu cầu quản lý, giám sát và cách ly họ với môi trường có ma túy. Chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tạo điều kiện thuận lợi cho người sau cai tìm việc làm. Nếu gia đình người sau cai có nhu cầu vay vốn được ưu tiên vay từ ngồn vốn tín dụng giải quyết việc làm của các hội, đoàn thể. Nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn đã ưu tiên tiếp nhận, tạo điều kiện ủng hộ những người có nhu cầu tìm việc làm tại cộng đồng.

Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng tại Nam Định có nhiều thuận lợi nhờ nhận thức của xã hội về vấn đề nghiện ma túy đã được nâng lên. Điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục, dạy nghề và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả thấp. Nguyên nhân là do nguồn lực dành cho các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội thấp và dàn trải, kinh phí bố trí từ ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cấp xã. Công tác lập hồ sơ người nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí hoạt động, người nghiện liên tục di chuyển hoặc đăng ký điều trị bằng thuốc Methadone tại các cơ sở do ngành Y tế quản lý, công tác tuyên truyền hạn chế do thiếu nguồn lực.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh