Bắc Giang: Nhiều kết quả trong đổi mới công tác cai nghiện
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:13 - 09/11/2016
Đầu năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 378/KH-UBND ngày 21/02/2014 để triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị nhằm tăng cường công tác dự phòng và điều trị nghiện ở địa phương, tập trung đấu tranh chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy, duy trì giữ vững không để địa bàn phát sinh tệ nạn ma túy.
Hiện người nghiện sử dụng heroin có xu hướng giảm dần, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp nhóm kích thích dạng Amphetamin ngày càng gia tăng, đến nay số sử dụng chiếm khoảng từ 40-45%. Người nghiện ma túy tập trung nhiều nhất ở thành phố Bắc Giang và các huyện có số người nghiện ma túy trên 200 người là: Hiệp Hoà, Tân Yên, Lục Ngạn.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân hiểu biết về tác hại của ma túy, các chủ trương, chính sách về điều trị nghiện trong tình hình mới…
Tư vấn cho người cai nghiện tại Bắc Giang
Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức gần 20 lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao năng lực cho gần 1.000 lượt cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của 10 huyện, thành phố, 186 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy, 10 Điểm tư vấn tại cộng đồng và hai trung tâm điều trị nghiện của tỉnh những kiến thức cơ bản về nghiện chất ma túy, các phương pháp dự phòng và quy trình điều trị nghiện ma tuý.
Đồng thời phối hợp với Sở Y tế, chính quyền các địa phương tổ chức 2 lớp tập huấn để cấp chứng chỉ/giấy chứng nhận điều trị Methadone cho 100 cán bộ; về điều trị cắt cơn, xác định tình trạng nghiện ma túy cho 30 cán bộ thuộc ngành Y tế và Lao động-Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội còn tổ chức in và cấp phát trên 25.000 tờ rơi với nội dung về mô hình điều trị nghiện ma túy trong tình hình mới tới các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền đến các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương và người dân. Năm 2015 phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng 5 phóng sự tuyên truyền về đổi mới công tác cai nghiện ma túy…
Đến nay, 10/10 huyện, thành phố đã triển khai kế hoạch cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Từ tháng 01/2014 đến tháng 6/2016 các địa phương đã tổ chức cai nghiện cho 765 lượt người (trong đó, cai nghiện tại gia đình 354, cộng đồng 411), số được hỗ trợ tạo việc làm 130 người, dạy nghề cho 27 người, hỗ trợ vay vốn 1 người. Ngoài ra, đã thành lập 10 Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng đặt ở các Trạm y tế tuyến xã với 72 thành viên là lãnh đạo UBND, các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Y tế, Công an … của địa phương tham gia.
Từ tháng 5/2015 đến nay, các Điểm tư vấn đã tổ chức cắt cơn giải độc cho 42 người, duy trì sinh hoạt nhóm cho 87 người, tổ chức tư vấn cho người dân, người nghiện là 1.892 lượt người.
Bắc Giang cũng đã chủ động chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở điều trị nghiện đa chức năng và thành lập mới Trung tâm Điều trị nghiện tự nguyện. Cả hai cơ sở điều trị nghiện này đều có chức năng điều trị Methadone. Trong 9 tháng đầu năm 2016, đã tiếp nhận điều trị cho 250 người nghiện. Bệnh viện Tâm thần tỉnh tổ chức tiếp nhận 123 người người nghiện ma túy tổng hợp đến chữa trị. Hiện các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng các huyện Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Yên Thế và thành phố Bắc Giang đang duy trì cho 803 người đến uống thuốc hàng ngày.
Song song những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn gặp một số khó khăn như quy định tại các văn bản làm căn cứ để xác định tình trạng nghiện hiện nay còn nhiều bất cập, việc chẩn đoán xác định người nghiện ma tuý chỉ được thực hiện khi đối tượng tự giác khai báo tình trạng nghiện, nhưng thực tế người nghiện ma tuý thường che giấu các triệu chứng lâm sàng nên rất khó trong thực hiện chẩn đoán tình trạng nghiện. Quy định giao cho gia đình quản lý người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong nhiều trường hợp không quản lý được dẫn đến người nghiện bỏ trốn khỏi địa phương khi có quyết định của tòa án…
Để thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020, thời gian tới Bắc Giang cần tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được tiến hành thường xuyên, liên tục các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư về công tác cai nghiện, tránh tình trạng phân biệt, kỳ thị; thực hiện chế độ hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để người nghiện được tiếp cận với dịch vụ về dự phòng và điều trị nghiện.
Duy trì hoạt động có hiệu quả và nhân rộng mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, bổ sung chức năng nhiệm vụ cho các Điểm tư vấn trở thành điểm cấp phát Methadone cho người nghiện ma túy. Thành lập các câu lạc bộ, nhóm giáo dục đồng đẳng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hỗ trợ, giúp đỡ người sử dụng ma túy tham gia dự phòng và điều trị nghiện có hiệu quả.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Hàng nghìn CEO trên toàn cầu tự tin về triển vọng tăng trưởng như chưa hề có đại dịch
Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp lớn nhất thế giới ngày càng lạc quan về triển vọng của doanh nghiệp mình. Mặc dù biến thể Delta làm chậm quá trình "trở lại bình...
3 năm trước
Tin nên đọc