THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:09

Chông chênh theo con sóng

Bài 1: Đằm mình mưu sinh!

     Dù khó khăn vất vả, thậm chí bị mất mạng (như vụ lật thuyền ngày 16/12, làm 6 ngư dân đi cào ngao ở huyện Tiền Hải, Thái Bình lật thuyền bị thiệt mạng),  song công cuộc bám biển, bám bãi của ngư dân vẫn tiếp diễn. Gạt đi những giọt nước mắt cùng nỗi sợ hãi, lo âu, hàng ngày họ tiếp tục ra bãi ngao mưu sinh.

Lênh đênh trên thuyền

     Chúng tôi đến bến Giang Long (thuộc xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải) đúng lúc các nữ phu ngao chuẩn bị xuống thuyền. Bến lạch này không yên ả, nhưng các phu ngao vẫn chọn đây là điểm xuất phát và con thuyền gỗ mong manh kia là phương tiện họ đi về.

     Tôi xin ra bãi ngao, ban đầu họ không cho, nhưng một hồi thuyết phục, cuối cùng họ cũng cho tôi lên thuyền. Họ cảnh báo ngoài khơi xa rất lạnh, phải thức thâu đêm, thậm chí nếu có tai nạn xảy ra cũng tự chịu trách nhiệm. Họ nói thế là bởi, bãi ngao có những chỗ nước sâu 2-3 mét, sóng gió lại thất thường, vụ tai nạn thảm thương vừa làm 6 người chết là minh chứng đau lòng nhất.

Thuyền tăng bo đưa các chị ra bãi ngao, khởi đầu buổi ngâm mình trong nước

Dù trời lạnh, các chị vẫn phải ngâm mình dưới nước để cào ngao.

     11 giờ 20 phút, thuyền nổ máy, nhằm hướng bãi ngao mà tới. Trên thuyền có 17 người, ngoài tôi và chủ lái thuyền, số còn lại đều là phụ nữ với nhiều lứa tuổi khác nhau, họ đến từ các xã Nam Hồng, Nam Thịnh, Nam Phú (huyện Tiền Hải).

      Trên thuyền, chị Phạm Thị Huê, 47 tuổi, người xã Nam Phú tâm sự: “Cực chẳng đã mới phải đi thế này. Biết là vất vả nguy hiểm, nhưng phải làm, không làm thì lấy tiền đâu ra hả chú. Vợ chồng tôi nuôi 4 con học đại học đã vất rồi, giờ thêm tiền xin việc cho chúng nữa lại càng vất vả hơn. Mà tiền xin việc giờ đâu phải ít... Con gái tôi nó đang bán hàng ở Hà Nội, hôm qua nó nghe tin ở đây lật thuyền, nó gọi điện về nhất quyết bảo: “Mẹ đừng đi cào ngao nữa, nguy hiểm lắm”. Tôi ậm ừ rồi gác máy. Nhưng chú ạ. Nước mắt chảy xuôi. Không đi thì tiền đâu lo cho chúng nó ăn học. Qua điện thoại thì đồng ý cho chúng yên tâm thôi”.

Bữa cơm ăn vội để lên thuyền ra bãi ngao.

     Đúng là mỗi người mỗi cảnh, người trung tuổi nói về con cái học hành, người ít tuổi lo về những đứa con còn thơ dại. Hoặc như chị Thuý ở Nam Phú phải lo tiền để đi chữa bệnh; chị Hạnh ở Nam Hồng mua thuốc cho con, cho chồng,... Có người cào ngao đã hơn 40 năm, đặc biệt những ngày mưa, bất kể là lạnh, gió, họ cũng bất chấp con nước, bất chấp sóng biển, họ vẫn cào cho đến khi xong việc mới thôi.

     Câu chuyện đang dở dang ra thì thuyền hạ neo, sau 1 tiếng chạy. Phía trước là mênh mông sóng nước với hàng trăm nhà chòi. Thuyền đậu, mọi người lấy cơm ra ăn. Trước khi lên thuyền họ đã ăn một lần. Hộp cơm thì to, nhưng họ chỉ ăn có một phần, các góc còn lại họ để dành, ăn trong lúc nghỉ giải lao. Tôi quan sát thấy bữa cơm của họ chỉ có cơm và bắp cải muối. Đúng là bữa cơm có pha trộn hơi biển, nó chất chứa bao mồ hôi và nước mắt. Một chị bảo: “Nếu bữa cơm mà có thịt thì chúng tôi đâu phải đi cào ngao thuê giữa đêm đông. Cơm này có chất đâu nhưng cũng phải cố nuốt mới có sức cào ngao chú ạ...”.

     Ăn xong, mỗi người chọn cho mình một chỗ, ngồi bó gối, hoặc dựa lưng vào nhau tranh thủ ngủ, đợi nước rút mới xuống thuyền. Sở dĩ họ ra đây sớm là bởi khi nước chưa rút thuyền có thể ra. Công việc, ra vào, đều phải phụ thuộc vào con nước. Nước lên, xuống không cố định, có khi cào ngao xong từ lúc 8 giờ tối, nhưng đợi nước lên đến tận 3 giờ sáng, thuyền có thể chạy được nên khi đó mới được về.

Muôn vàn cơ cực

     Sau 4 tiếng chờ đợi, nước rút đến đầu gối. Những phụ nữ này bắt đầu lội xuống, thực hiện các công việc mà họ phải làm. Anh Vũ Quốc Việt, chủ vuông ngao nói với tôi mà cũng nói với các nữ phu ngao:“Anh có thấy các cô như con rái cá không? Đến rái cá còn phải gọi các cô ấy bằng cụ bà đấy. Quẫy đi nào các cô!”. Tiếng cười phá lên kèm theo đó là những trêu chọc vui nhộn, báo hiệu một sự khởi đầu suôn sẻ.

     Ngao nằm dưới lớp cát. Chỗ nhiều cát cào rất dễ, còn những chỗ bùn cát lẫn lộn, quện chắc rất khó cào. Nhiều khi mỏi lưng, có người không muốn cúi, ngồi luôn xuống trong nước biển mặn chát. Người cào, người khiêng ngao đi rửa diễn ra liên tục.

     Đêm xuống, sương rơi nặng hơn, hơi lạnh từ nước, cát bốc lên. Khí lạnh bắt đầu ngấm vào người. Lúc mệt, mặt họ ngợt đi, khuôn mặt chai sạn trở nên nhợt nhạt, trắng bệch. Lại thêm đói, chân tay ai cũng run bần bật. Giọng chị Huê yếu ớt hơn so với trước: “Mọi người mệt rồi đấy. Phải nghỉ mấy phút, ăn miếng cơm cho lại sức chứ không trời lạnh, lại đói nữa chắc chết mất”.

Ngồi  đợi nước rút để mò ngao.

 

     Chị Hồng giơ chân cho tôi xem, đôi chân nứt nẻ vì nước muối. Chị bảo: “Hôm qua ủng bị thủng, nước vào, bị hà ăn nên đau, nhức, buốt, cả ngày không đi đâu được. Như các chị đây quen với nước muối mà còn bị thế đấy, các chú xuống nước mà không có bảo hộ thì không thể tránh khỏi việc hà ăn chân, mà lạnh thế này có khi hàng tháng mới khỏi”.

     Nói về những tai nạn như vậy, các chị đều lắc đầu, ngán ngẩm. Chị Hoàng Thị Chờ, ở xã Nam Hưng kể: “Ôi dào! Không tai này thì cũng tật nọ. Nhìn đôi tay trầy xước, tụ máu của chúng tôi đây là rõ này. Cào ngao không cẩn thận chảy máu tay là chuyện vặt. Người ta cúi, ngồi, nằm, trườn ở bãi cát này thì không bị ngã, nhưng khi vác ngao vấp ngã thì có bị cả bao ngao đè lên hoặc cũng đập mặt xuống nước, hoặc không thì là nằm trên thuyền than trời vì bị chuột rút. Chú thấy đấy, các chị là phụ nữ, ngồi dưới nước, ngâm dưới nước cả đêm như vậy, tránh làm sao được các bệnh phụ khoa, nhưng các chị chả có cách nào tránh. Mà kể ra thì nhiều lắm”.

    

Chờ nước rút, họ tranh thủ chợp mắt và xác định gần sáng mới được về.

Đã 10 giờ đêm, các phu ngao không ai nói với ai câu nào. Họ đã quá mệt, công việc thì vẫn phải làm. Như các công việc khác, giờ này họ đã được ở bên gia đình, được nằm trong chăn, được ngồi trong phòng kín. Còn họ ở ngoài khơi xa và dưới nước có khi xuống dưới 10 độ vẫn phải giẫm đạp, mò mẫm, ngâm mình dưới nước để kiếm sống dù chân tay họ đã tê dại vì lạnh. Nhiều khi cào ngao xong, người ướt như chuột lột, nhưng không thể về vì con thuyền mắc cạn. Những lần như vậy, họ cũng đành mặc quần áo ướt, ngồi bó gối co ro trên thuyền giữa đêm sương và gió lạnh không ngừng bao phủ.

     * Theo chị Huê, trời lạnh thế này chứ lạnh nữa mà có người thuê, các chị vẫn đi. Thường thì các chủ mua ngao đến thuê các chị đi cào ngao và họ cũng không có dụng cụ bảo hộ lao động. Thậm chí nếu ai lên tiếng đòi hỏi thì người ta cũng không thuê người đó luôn. Mà đi cào ngao suốt đêm lạnh thế này, các chị được trả công theo hai cách. Một là trả theo công nhật, ngày làm 8 tiếng, được trả 160.000 đồng/ngày. Hai là trả theo khoán, với giá 900 đồng/kg. Nếu trời yên lặng, mỗi đêm các chị cũng kiếm được 160.000 – 180.000 đồng. Nhưng không mấy khi được trả tiền luôn. Ít nhất cũng phải đợi hai ba tháng sau họ mới trả tiền công.

     * Ông Trần Đặng Đoàn,  Phó Bí thư Đảng uỷ xã Nam Thịnh cho biết: Tiền Hải là huyện nuôi ngao lớn nhất nhì  cả nước. Cào ngao là công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm người dân địa phương. Tuy vất vả nhưng chịu khó người lao động vẫn kiếm được đồng ra đồng vào. Từ vụ tai nạn vừa rồi, chính quyền cũng như người dân đã chú ý hơn về bảo hộ lao động, bảo hộ tàu, thuyền nhằm đảm bảo an toàn cho bà con yên tâm làm việc. Tuy vậy, bà con cũng nên chú ý thời tiết để tránh rủi ro không đáng có.

(còn nữa)


VĂN NGHĨA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh