THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 07:06

Thái Bình: Tang thương phủ trắng đất ngao

Chuyến đi định mệnh

     Tìm về bãi triều nuôi ngao ở huyện Tiền Hải- vựa nuôi ngao lớn nhất nhì cả nước, những ngày này có thể thấy một màu trắng nhuốm miền quê nghèo, những tiếng khóc như cứa nát tâm can người ở lại. Người ôm xác con mà khóc, người ôm xác vợ mà gào, ông bà ôm lũ cháu thơ dại quằn quại, đau đớn. Gào thét bên xác con gái, con trai đang lạnh dần trên giường bên những bông hoa cúc vàng, ông Đinh Văn Tiến (thôn Thiện Tường)  giọng lạc khản với những lời vô vọng: “Mới chiều qua, thằng Sĩ (Đinh Văn Sĩ, SN 1990) vẫn còn nô đùa với mấy đứa cháu, tiếng cười lũ trẻ vang khắp xóm, ấy vậy mà con đã bỏ bố mà đi....”.

     Đinh Văn Sĩ là cậu thanh niên ngoan ngoãn, hiền lành, chịu khó. Nhiều năm tích cóp, đến tận vừa rồi mới kiếm đủ tiền tự sắm cho mình một con thuyền gỗ. Mục đích sắm thuyền của Sĩ cũng chỉ là ra khơi đánh cá, ăn nhờ lộc biển, kiếm đồng  thu nhập trang trải cuộc sống khốn khó. Nhưng mùa này sản vật của biển thì ít đi, bão gió liên tục nên Sỹ chẳng ra khơi xa được.

Chiếc thuyền được sử dụng trong chuyến đi cào ngao định mệnh

     Như bao con thuyền neo bến, lúc rảnh rỗi, Sĩ lại đánh thuyền đi chở thuê, ai thuê gì chở được là anh chở, nhiều lần có người cậu ruột là Trương Văn Đỉnh thuê đi chở ngao, anh vui vẻ đồng ý chở với mức giá chỉ 500.000 đồng/chuyến. Trưa ngày 15/12, người cậu lại điện cho Sĩ, bảo anh đi thuê thêm mấy người nữa rồi cùng nhau ra bãi triều cào ngao.

     Hôm đó thuyền nhổ neo ra bãi triều, cách nhà khoảng 7km. Mọi người bắt tay vào cào ngao từ lúc 2 giờ chiều cùng ngày. Giữa đêm đông giá buốt, người nọ động viên người kia gắng sức cào cho xong rồi về nghỉ ngơi cho sớm, kẻo ngày mai không khí lạnh tràn về, đêm sương xuống sẽ thêm lạnh buốt. Ai cũng cố gắng, quần quật thâu đêm. Đến 2 giờ 30 phút sáng 16/12 thì cào ngao xong, mọi người thu dọn đồ đạc, thuyền bắt đầu nhổ neo nhằm bến Giang Long mà vào.

Bi thương bao phủ miền quê

     Tất thảy gần 2 tấn ngao cộng thêm 13 người chông chênh trên một con thuyền có công suất 24CV, trọng tải 3,5 tấn. Việc cào ngao đã vắt kiệt sức những người phụ nữ yếu đuối, tranh thủ thuyền chưa vào bờ, họ dựa lưng vào nhau mà chợp mắt. Bỗng dưng có tiếng hô thất thanh: “Nước vào thuyền”, “thủng thuyền rồi”, “thuyền đang chìm”. Ai cũng cuống cuồng, có người nhảy xuống nước bơi vào bờ mong thoát thân, người còn lại hoảng loạn, cùng níu tay nhau nhảy hết xuống nước, quên cả việc chân đang đi ủng nhựa, mình mặc áo mưa kèm theo áo khoác. Với người dân nơi đây, họ chưa từng mặc áo phao nên chuyến đi này cũng không có thứ áo đó mà mặc...

Chỉ trong tích tắc, đã có 6 bàn thờ được lập tại vùng đất ngao

     Ngồi trong chăn, tinh thần vẫn còn hoảng loạn, bà Nguyễn Thị Ngọt–một trong số 7 người được cứu sống, nhớ lại: “Thuyền vào gần tới bờ rồi, lúc ấy trời lạnh và tối lắm. Chẳng hiểu sao nước tràn vào thuyền nhanh chóng khiến ai nấy  không kịp trở tay, thuyền chìm dần, cả đoàn người nhảy xuống nước nhưng tay vẫn níu kéo nhau, chẳng biết lối nào mà bơi. Rồi thì sóng đánh ập chúng tôi lả đi, mọi người ôm lấy nhau và chìm dần. Có người khoẻ, trút bỏ được áo mưa ra, gắng gượng bơi. Khi ấy, tôi từ chỗ bị ôm chặt đã được thả dần, nhờ vậy mà ngoi lên bờ được. Đến gần bờ, tôi cũng đuối dần, chìm xuống, khi tỉnh dậy thì được người thân cho biết mình đã được cứu bằng thuyền nan”.

      Nói về chủ thuyền, bà Ngọt cho biết, khi thấy các mợ, các chị và vợ đã nhảy xuống nước thì anh Sĩ cũng nhảy xuống luôn. Anh Sĩ biết bơi nhưng mải cứu vợ, đưa vợ được vào bờ, ngoảnh lại thấy chị gái đang thoi thóp ngoài gần thuyền nên  lại nhoài người ra cứu chị. Nhưng do lạnh và đã quá kiệt sức, anh Sĩ không thể trở vào bờ được nữa.

      5 giờ 30 phút sáng, cái rét giữa đông nơi bờ biển như cắt da cắt thịt, người thì đang ngon giấc trong chăn ấm, người đã dậy chuẩn bị cám bã rồi ra tàu chuẩn bị cho ngày ra khơi. Bỗng tiếng khóc, tiếng la hét thất thanh bởi vụ tai nạn đau thương khuấy động làng quê. Nghe hung tin, ai nấy đều choàng dậy chạy thẳng ra bến Giang Long, cởi áo tìm vớt nạn nhân.

     Không cầm được nước mắt, anh Trương Văn Trìu - chồng chị  Phạm Thị Nga ôm đứa con vào lòng, miệng mếu máo: “Trưa qua vợ tôi còn nấu cơm cho chồng con ăn rồi cầm áo mưa đi cào ngao, khi đi còn dặn con bé ở nhà với các chị, không được khóc, sáng mai mẹ về mẹ mua bánh cho ăn. Vậy mà...”.  Tìm hiểu gia cảnh những người tử nạn, càng xót thương khi tất cả đều là những ngư dân nghèo, là trụ cột trong gia đình và đều có con thơ, như chị Nga, chị Miền để lại 3 cháu, anh Sĩ 1 cháu... Đau đớn hơn khi chúng tôi phải chứng kiến những đứa trẻ còn quá ngây thơ vẫn cứ vui đùa trong đám tang của mẹ, của bố mà không biết rằng, từ nay cha, mẹ chúng đã mãi mãi không trở về.

Ông Đinh Văn Tiến - bố của 2 nạn nhân Đinh Văn Sỹ, Đinh Thị Miền

Bà Nguyễn Thị Ngọt - một trong số 7 người được cứu sống kể lại vụ tai nạn

 Xót xa đời cào ngao

     Cào ngao vốn là công việc ăn theo con nước thủy triều, ngày xưa khi bãi triều chưa quy hoạch, chưa được đấu thầu thì ngư dân Thiện Tường chỉ cần khai thác gần chân đê là đã có thể kiếm gánh nặng mang về. Nhưng giờ thì khác, bờ bãi hẹp dần (do quy hoạch, quản lý của các chủ đầm) buộc ngư dân ở vùng này muốn khai thác ngao thì phải đi xa, cách đất liền cả chục cây số mới có hy vọng đánh bắt được nhiều. Muốn vậy, họ phải có ngư cụ, nhưng không phải ai cũng có nhiều tiền để sắm tàu lớn rồi ra khơi. Và để mưu sinh, những ngư dân nghèo này phải đi cào ngao hoặc vận chuyển ngao thuê cho các chủ bãi ngao. Có người tích cóp mãi mới đủ vốn để sắm thuyền nhỏ đi chở ngao thuê, người nghèo nữa chỉ có tài sản là đôi tay  thì đi cào ngao thuê với cái giá rất rẻ mạt, mỗi kg ngao chỉ được trả 1.000 đồng.

     Đồng tiền đi cào ngao kiếm được đâu có đáng là bao. Nhưng ngư dân nghèo ở Thiện Tường không thể để con cái đói khi mùa giáp hạt đến gần, không thể để con cái bị lạnh khi gió mùa đang về và không thể để con cái mãi đi bộ cả ngày đường mới đến trường,... Thế nên nhiều người đã gắn bó với công việc cào ngao đến vài chục năm, thủa nhỏ đã biết nghề và chết đi cũng chỉ biết có nghề này.       

     * Nhận được “hợp đồng” từ người cậu, Sĩ bảo thêm vợ là Trần Thị Thía (SN 1992) rồi gọi luôn cho chị gái ruột là Đinh Thị Miền (SN 1988), cùng các mợ, các bác gồm: Trương Thị Huyền (SN 1963), Trương Thị Huyền (SN 1989), Trương Thị Mây (SN 1981), Phạm Thị Nga (SN 1970), Nguyễn Thị Ngọt (SN 1954), Nguyễn Thị Huệ (SN 1955), Nguyễn Thị Ruyên (SN 1958), Trương Thị Ngợi (SN 1963), Trương Thị Sáng (SN 1963), Trương Thị Thoa, tổng cộng 13 người, đều là anh em họ hàng thân thích trong chuyến đi định mệnh.

     * Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định là do thuyền bị thủng, thời tiết lạnh và trời tối, khiến các nạn nhân không biết lối bơi vào bờ, phần nữa cũng bởi những bộ quần áo mưa mà các nạn nhân đã mặc để chống rét. Ngay trong buổi sáng xảy ra sự việc, ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thái Bình cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, UBND huyện Tiền Hải, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh Thái Bình đã đến chia buồn, động viện và hỗ trợ kinh phí cho các gia đình lo mai táng nạn nhân và kinh phí hỗ trợ tinh thần cho những người sống sót sau vụ tai nạn. 

Văn Nghĩa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh