THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:44

Mùa mía đắng

     Chúng tôi về huyện Phụng Hiệp- vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh Hậu Giang, đi đâu cũng nghe bà con ca thán về vụ “mía đắng” do giá bán quá thấp so với chi phí đầu tư chăm sóc. Ông Trần Văn Ức, ở thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp) nhiều ngày qua như ngồi trên lửa vì gần 2 ha mía sau nhà đã trổ cờ gần hết mà vẫn chưa bán được. Ông Ức cho biết: “Đúng ra tôi đã thu hoạch cả tháng nay nhưng thời điểm đó giá mía giảm, nên không có thương lái đi thu mua. Cả nhà ăn ngủ không yên vì mía cứ trổ cờ ngày càng nhiều. Giá mía thấp mà lại bị trổ cờ nữa thì cầm chắc lỗ thấu xương rồi”. Theo nhiều nông dân, cây mía cho năng suất và trữ đường cao nhất khi chuẩn bị trổ cờ. Còn khi đã bung ra thì cây dồn sức nuôi bông, bọng ruột, năng suất giảm khoảng 20-30%. Hiện tại Phụng Hiệp giá mía chỉ còn 700 -760 đồng/kg, với giá này mỗi ha mía nông dân bị lỗ ít nhất cũng khoảng 20 triệu đồng.

     Còn tại tỉnh Cà Mau, giá mía cũng giảm tới đáy, chỉ còn 500 đồng/kg khiến người dân trong vùng quy hoạch mía lỗ trắng tay. Vùng nguyên liệu trồng mía huyện Thới Bình cung ứng cho nhà máy đường Cà Mau, do không có thương lái đến mua, nông dân đành để mía trổ cờ trắng đồng. Anh Trịnh Văn Chiều ở ấp 8, xã Trí Lực, có 20 năm kinh nghiệm trồng mía cho biết: “Khoảng 4 năm trước, giá mía từ 1.000-1.200 đồng/kg. Nhưng 3 năm nay giá mía liên tục giảm, từ 800 đồng/kg xuống chạm đáy 500 đồng/kg”.

     Khi vụ thu hoạch mía mới bắt đầu, người trồng mía có “nỗi lo kép”  không chỉ giá mía quá thấp, hai nhà máy đường tại tỉnh Cà Mau và Trà Vinh đang phải tạm ngừng hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tất cả đã tác động xấu đến sản xuất và đời sống của hơn 3.000 nông hộ trồng mía với khoảng 8.000 ha mía nguyên liệu không thể tiêu thụ được...

Ông Trần Văn Ức bên ruộng mía đã trổ cờ, nhưng thương lái chưa thu mua.

     Cây mía có chi phí đầu tư cao so với nhiều loại cây trồng khác, bên cạnh đó thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch  cũng kéo dài từ 9 đến 10 tháng. Với giá mía bấp bênh khi vào chính vụ như những năm vừa qua đã đẩy người trồng mía vào cảnh khốn khó. Ông Lê Văn Ðược ở ấp Sáu La Cua xã Biển Bạch Ðông (huyện Thới Bình, Cà Mau) gương mặt buồn so, cho biết: “Những ngày qua nhiều người trong ấp đã đốt nhiều rẫy mía, do không có người tới thu mua. Tiếc lắm nhưng phải chịu, một số hộ tính chuyển qua nuôi tôm, trồng lại lúa”. Tỉnh Cà Mau có diện tích mía nguyên liệu trên 1.600 ha. Trong đó, xã Trí Lực, huyện Thới Bình chiếm gần một nửa, do giá trị kinh tế của cây mía xuống thấp nên xã này có ít nhất 200 ha mía nguyên liệu bị xóa sổ chuyển sang nuôi tôm sú hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi tôm.

     Tại tỉnh Sóc Trăng, hai huyện Long Phú, Cù Lao Dung là vùng nguyên liệu mía cho nhà máy đường Sóc Trăng. Chỉ riêng năm 2014 diện tích phá mía, chuyển sang đào mới ao nuôi tôm nước lợ phát triển với tốc độ khá nhanh, lên đến trên 250 ha. Là người trồng mía lâu năm ông Nguyễn Văn Sơn, ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1 cũng quyết định “chia tay” với cây mía để tìm cơ hội đổi đời với con tôm. Ông Sơn chia sẻ: “Trước tôi chỉ chuyên canh cây mía 1vụ/năm, thu nhập khá ổn định nhờ mía có giá. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá mía thấp, năng suất giảm nên không lời bao nhiêu. Vì vậy, tôi quyết định phá mía, đào ao để nuôi tôm vì hiện nay tôm rất có giá”. 

Phương Nghi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh