Chiến dịch đưa lao động Việt Nam ở Libya về nước: Hơn 1.750 người đã về nước an toàn
- Bài thuốc hay
- 22:24 - 10/02/2014
Quyết liệt, khẩn trương đưa lao động về nước an toàn
* Ông có thể cho biết rõ hơn về tình hình lao động Việt Nam tại Libya?
- Sau khủng hoảng năm 2011, khi tình hình chính trị ở Libya ổn định trở lại, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo tổ chức thí điểm đưa lao động trở lại làm việc tại Libya với các điều kiện hợp đồng chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho người lao động, ưu tiên cung ứng lao động cho các chủ sử dụng nước ngoài đầu tư tại Libya. Đến tháng 7/2014 có 1.763 lao động Việt Nam tại Libya với việc làm ổn định và thu nhập cao hơn trước.
* Ngay khi có bất ổn chính trị tại Libya, công tác đưa người lao động về nước được tổ chức như thế nào, thưa ông?
- Phải khẳng định công tác đưa người lao động về nước được tổ chức rất quyết liệt và khẩn trương. Ngay khi tình hình Libya có diễn biến phức tạp, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya theo dõi sát tình hình và chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát, đánh giá tình hình tại từng khu vực, từng dự án làm việc của người lao động và thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho người lao động. Trước tình hình diễn biến tại Libya, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm dừng việc đưa người lao động sang làm việc tại Libya, đưa ngay số lao động đang làm việc ở Tripoli và Bengazi về nước. Đối với những trường hợp chủ sử dụng không có khả năng mua vé máy bay cho người lao động thì cho phép Bộ LĐ-TB&XH sử dụng nguồn quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước để mua vé máy bay cho người lao động về nước. Số còn lại ở các khu vực chưa xảy ra giao tranh sẽ tùy tình hình thực tế để di tản lao động. Có bốn hướng chính di chuyển lao động về Việt Nam gồm: Di chuyển theo đường bộ về biên giới Libya - Ai Cập hoặc đường hàng không đến sân bay Cairo để về Việt Nam. Di chuyển bằng đường hàng không hoặc đường biển qua Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Malta, di chuyển bằng đường bộ qua biên giới Libya - Algeria, Tunisia để về Việt Nam. Bộ LĐ-TB&XH đã cử đại diện hỗ trợ Đại sứ quán ta tại Libya tổ chức đưa lao động về nước, đồng thời cử hai đoàn công tác cùng cán bộ một số doanh nghiệp sang Ai Cập, Tunisia để đón và tổ chức đưa lao động về nước. Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp thường xuyên liên hệ để hướng dẫn, động viên người lao động và đàm phán với chủ sử dụng lao động để thanh toán đầy đủ tiền lương, các chế độ liên quan cho người lao động và tổ chức đưa lao động về nước. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho lao động ta quá cảnh về nước. Đến ngày 13/8, ta đã đưa toàn bộ số lao động tại các khu vực có giao tranh về nước và ngày 21/9, 1758/1763 lao động đã về nước an toàn.
* Số lao động còn lại tình nguyện ở lại Libya làm việc, thưa ông?
- Hiện tại có 2 lao động ở Misrata (cách Tripoliz 250 km về hướng Đông) mặc dù đã được gia đình, doanh nghiệp và Đại sứ quán động viên, thuyết phục nhưng vẫn xin ở lại Libya tiếp tục làm việc. Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Libya và doanh nghiệp thường xuyên giữ liên lạc với người lao động để hỗ trợ khi cần thiết.
Lao động Việt Nam từ Libya trở về trong vòng tay gia đình tại sân bay Nội Bài ngày 10/8/2013
Hỗ trợ cụ thể, kịp thời
* So với chiến dịch giải cứu lao động năm 2011, lần này có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Lao động Việt Nam làm việc tại Libya lần này không nhiều như thời điểm năm 2011, nhiều lao động đã có thời gian làm việc trước năm 2011 nên phần nào tâm lý cũng vững vàng và có sự chuẩn bị nhất định. Tuy nhiên, công tác đưa lao động về nước lần này gặp nhiều khó khăn. Do chiến sự mang tính cục bộ, xảy ra ở một số khu vực nhất định nên các chủ sử dụng lao động ở những khu vực chưa có chiến sự không đồng ý cho lao động ta về nước. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế chưa tham gia nhiều trong việc hỗ trợ lao động sơ tán như năm 2011, các nước láng giềng Libya đóng cửa khẩu biên giới vì e ngại làn sóng người tị nạn và sự thâm nhập của các phần tử hồi giáo. Song được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan, sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp, chúng ta đã đưa được toàn bộ lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước đảm bảo an toàn.
* Ông cho biết những hỗ trợ cụ thể đã đến được với người lao động chưa?
Chi phí vé máy bay về nước, lệ phí quá cảnh ở các cửa khẩu và chi phí vận chuyển lao động đều được chủ sử dụng lao động và doanh nghiệp Việt Nam chi trả hoặc từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để đảm bảo người lao động trở về nhà an toàn.
Ngay khi những lao động đầu tiên về nước, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định hỗ trợ kịp thời cho người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định. Mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng tùy theo đối tượng và thời gian làm việc. Mức hỗ trợ cao nhất cho những lao động ở các huyện nghèo là 7,5 triệu đồng. Ngoài ra, khi thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, người lao động sẽ được hoàn lại một số khoản chi phí theo quy định của pháp luật. Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp ưu tiên tuyển chọn và giảm chi phí cho những lao động từ Li-bi về nước để đi làm việc theo các hợp đồng tại các thị trường khác. Có thể nói, sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời đã góp phần giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho người lao động
* Libya là thị trường lao động tốt nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi tình hình chính trị tại đây ổn định trở lại, có nên tiếp tục đưa lao động sang làm việc không, thưa ông?
- Libya được xem là thị trường lao động có thu nhập tốt, điều kiện thuận lợi hơn so với một số nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi, chính vì vậy mà nhiều lao động mặc dù đã 2 lần sang Libya làm việc và phải về nước trước thời hạn vẫn bày tỏ mong muốn trở lại thị trường này làm việc ngay khi tình hình ổn định trở lại. Tuy nhiên, việc có tiếp tục đưa lao động trở lại thị trường này hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng của các cơ quan liên quan và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tất cả nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động.
* Xin cảm ơn ông!