CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:22

Đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam tại Libya

79 lao động đã về nước

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1750 lao động đang làm việc tại Lybia, trong đó có một số làm việc tại các thành phố Tripoli và Benghaz - đây là hai vùng hiện nay đang có những bất ổn, còn tuyệt đại bộ phận lao động ta làm việc tại những vùng cách nơi bất ổn đó hàng trăm km, tình hình vẫn đang yên tĩnh. Tính đến 17 giờ ngày 30/7, đã có 206 lao động Việt Nam được cty cung ứng nguồn nhân lực SONA trong tổng số hơn 500 lao động được đưa sang Libya làm việc đã rời khỏi Lybia, do tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng công trình tại Libya và rút sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số này hiện đã có 79 lao động về đến Việt Nam, những lao động còn lại cũng sẽ được đưa về nước lần lượt từ nay đến hết ngày 2/8 hoặc bố trí làm việc tại các công trình của công ty tại các nước khác nếu có.

 Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, ngay sau khi tình hình Libya có diễn biến không thuận lợi, Cục đã phối hợp với Vụ Tây Á- Châu Phi (Bộ Ngoại giao) và Đại sứ quán Việt Nam tại Lybia theo dõi, nắm tình hình. Tính đến thời điểm này, có 14 doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya. Trong đó, một số thành phố có đông lao động Việt Nam như: Tripoli có 211 lao động, Misrata có 686 lao động; Al Qubbha có 528 lao động… Việc đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam đang làm việc tại Lybia là nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan chức năng Việt Nam, các phương án sơ tán người Việt đang lao động ở Lybia cũng được lên kế hoạch nếu tình hình chiến sự còn lan rộng.

Sẽ có phương án đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam tại Libya 

 Về các phương án đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam đang làm việc tại Lybia, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và đề xuất các phương án đảm bảo an toàn cho các lao động Việt Nam tại đây. Trước mắt, tạm dừng đưa lao động sang Lybia. Đồng thời, chỉ đạo doanh nghiệp có kế hoạch chủ động phối hợp với đối tác, các cơ quan chức năng trong từng phương án. Ngay từ đầu tháng 7, khi tình hình tại Lybia xảy ra bất ổn, hầu như hàng tuần, thậm chí hàng ngày các doanh nghiệp và Bộ LĐ-TB&XH đều có liên lạc với người lao động, đại diện các cty đưa lao động sang Lybia đang ở tại Lybia và Đại sứ quán Việt Nam tại Lybia. Hiện những nơi có biến động như Tripoli và Benghaz, lao động được yêu cầu không ra ngoài, lương thực thực phẩm đều được cung cấp đầy đủ, ở những vùng khác lao động vẫn được đảm bảo an toàn. Đặc biệt, chúng tôi đã rà soát lại từng công trường, từng xí nghiệp có lao động Việt Nam đang làm việc tại Lybia để chuẩn bị các phương án tốt nhất. Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra các phương án tùy theo tình hình chiến sự tại Libya như: Đối với những lao động tại hai thành phố có giao tranh là Tripoli và Benghaz chúng ta sẽ tổ chức cho lao động về ngay. Còn đối với phần lớn các lao động làm việc tại các khu vực an toàn, tương đối yên ổn chúng tôi sẽ cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Lybia và các cơ quan chức năng theo dõi sát sao tình hình. Bên cạnh đó các đơn vị sử dụng lao động cùng các cơ quan chính quyền sở tại bảo vệ sự an toàn cho người lao động, thông tin tình hình đến người lao động để họ yên tâm. Và tùy thuộc vào tình hình, nếu các khu vực khác có diễn biến xấu sẽ di tản lao động”.

 

 Thông tin tình hình cụ thể để người lao động yên tâm

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, hiện cuộc sống sinh hoạt của người lao động Việt Nam tại Lybia vẫn được đảm bảo bình thường. Tuy nhiên, do tình hình biến động nên nhiều người có tâm lý hoang mang. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các doanh nghiệp cũng như Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Đại sứ quán gặp gỡ lao động, thông tin tình hình cụ thể để lao động yên tâm. Đối với những người lao động mặc dù ở khu vực an toàn nhưng không yên tâm, muốn về nước, chúng tôi đã chỉ đạo các doanh nghiệp sẽ tổ chức đưa họ về nước an toàn. Ở những khu vực cách xa vùng xảy ra giao tranh, các chủ sử dụng lao động chưa muốn đưa lao động về do công việc của họ vẫn vận hành bình thường, chúng tôi đã trao đổi với các doanh nghiệp, trong trường hợp khẩn, Việt Nam sẽ dùng phương án của mình để đưa lao động về nước. Những lao động về nước do tình hình khách quan không an toàn, theo qui định của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ có những hỗ trợ, tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào những qui định của thể của Quỹ để hỗ trợ”.

Việt Nam tiếp tục đưa lao động sang Lybia làm việc từ đầu năm 2012 khi tình hình chính trị tại Lybia ổn định trở lại. Lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong ngành xây dựng, một số ít làm việc trong các trại chăn nuôi gà với mức lương từ 600 -1000 USD (tùy vào từng công việc). Các doanh nghiệp cũng cho biết, lao động chủ yếu làm việc cho các nhà thầu quốc tế tại Lybia, rất ít lao động làm việc cho chủ sử dụng là người Lybia, ngay khi có biến động, họ cũng đã có phương án chủ động đưa lao động ra khỏi vùng có giao tranh.

Trước đó tháng 3/2011, Việt Nam thực hiện thành công chiến dịch đưa hơn 10.000 lao động Việt Nam tại Libya về nước do bất ổn chính trị. Để đưa được toàn bộ số lao động về nước, ngân sách nhà nước đã chịu chi phí máy bay vận chuyển trên 3.200 lao động (trong đó thuê 9 chuyến bay của Hàng không Việt Nam vận chuyển được khoảng 2.730 lao động). Số còn lại, Việt Nam đã vận động và tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của các chủ sử dụng lao động và các tổ chức quốc tế để đưa người lao động về nước.

Huyền Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh