THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:41

Trên 10.000 lao động huyện nghèo ra nước ngoài làm việc

Việc làm và thu nhập ổn định...

     Theo Cục QLLĐNN, (Bộ LĐ-TB&XH), sau hơn 4 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có hơn 20.000 lao động các huyện nghèo đăng ký tham gia Đề án, trong đó trên 10.000 người đã được đi làm việc tại các thị trường: Malaysia, UAE, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả rập Xê út, Đài Loan... Trong đó, lao động thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%.

     Người lao động (NLĐ) các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình khoảng 6,5 - 7,5 triệu đồng/người/tháng ở thị trường Libya, UAE, Ả rập Xê út và Macao; từ 5-7 triệu đồng/tháng ở thị trường Malaysia; 15-22 triệu đồng/tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, theo Cục QLLĐNN, kết quả chỉ tiêu thực hiện Đề án thấp, bởi tính bình quân mỗi huyện chỉ có 325 lao động đăng ký, tính trung bình mỗi xã có khoảng 22 lao động đăng ký. Số lao động huyện nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài tính bình quân mỗi huyện là 161 người và bình quân mỗi xã là 9 người.

     Tính đến 31/12/2013, Cục QLLĐNN đã ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp thực hiện tuyển chọn, đào tạo cho trên 15.000 lao động huyện nghèo đi làm việc tại các thị trường: Malaysia, Libya, UAE, Đài Loan, Ả rập Xê út, Macao, trong đó lao động không nghề chiếm trên 90%. Ngoài ra, Cục QLLĐNN cũng đã phối hợp với các Sở LĐ-TB&XH tổ chức đào tạo và bồi dưỡng tiếng Hàn cho trên 3.000 lao động của các huyện nghèo để tham gia chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc; phối hợp với Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản đào tạo cho gần 200 lao động theo chương trình tu nghiệp của tổ chức này. Đến nay có gần 200 lao động huyện nghèo được chọn đi làm việc tại Hàn Quốc, 93 lao động sang làm việc tại Nhật Bản theo các chương trình trên.

Lao động huyện nghèo chờ xuất cảnh tại sân bay. (nguồn: Internet).

 … Vẫn đối mặt với nhiều khó khăn

     Theo Cục QLLĐNN, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhận thức của người dân và một số cán bộ địa phương về XKLĐ còn hạn chế, cán bộ chuyên trách về XKLĐ thiếu về số lượng và yếu về năng lực chuyên môn, dẫn đến việc tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ không đạt yêu cầu. Do điều kiện đặc thù, đi lại khó khăn, cộng phong tục tập quán và văn hóa, những lao động là người dân tộc chưa quen và khó chấp nhận cuộc sống xa gia đình, chưa sẵn sàng thích ứng với nhịp sống và làm việc trong khuôn khổ tổ chức, quản lý thời gian chặt chẽ, cường độ lao động cao, khẩn trương. Vì vậy, tỷ lệ lao động bỏ về trong thời gian đào tạo khá cao. Chưa kể, các huyện nghèo đều nằm ở những vùng có trình độ dân trí thấp, ít người thông thạo tiếng Kinh, nhiều người sức khỏe không đảm bảo nên không đủ điều kiện để tham gia chương trình.

     Theo Quyết định 71, khi NLĐ ở huyện nghèo tham gia chương trình sẽ nhận được hỗ trợ bao gồm toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại và giáo dục định hướng dưới hình thức do các doanh nghiệp XKLĐ tạm ứng. Khoản ứng trước này chỉ được thanh toán lại đầy đủ cho doanh nghiệp khi NLĐ đã xuất cảnh. Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều lao động bỏ về trong thời gian đào tạo, nhiều doanh nghiệp chịu lỗ với những khoản đã chi, dẫn đến tình trạng ban đầu nhiều đơn vị nhiệt tình tham gia nhưng sau đó đã giảm dần.

     Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khác xuất phát từ phía doanh nghiệp, như: Một số đơn vị buông lỏng quản lý, không chỉ đạo, điều hành quyết liệt, vẫn để xảy ra tình trạng làm ăn chộp giật hoặc giao phó toàn bộ việc triển khai cho chi nhánh doanh nghiệp, dẫn đến việc làm sai quy trình tuyển chọn, không thực hiện quy trình để hỗ trợ cho NLĐ; tuyển chọn, đào tạo nhưng không có hợp đồng để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; chậm tổ chức xuất cảnh cho NLĐ đã gây mất niềm tin đối với NLĐ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai Đề án tại các địa bàn: Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum... Một số doanh nghiệp chưa tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho NLĐ theo đúng phương án đăng ký và hợp đồng đặt hàng đào tạo (về thời gian, chương trình), dẫn đến lao động không đáp ứng được yêu cầu và phải về nước trước thời hạn... Ngoài ra, thực tế lao động bỏ về cũng có nhiều nguyên nhân từ việc các địa phương đã không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để giới thiệu được nguồn lao động tới doanh nghiệp.

     Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định 71 cần có sự vào cuộc một cách quyết liệt từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp XKLĐ và các cơ quan quản lý. Trong đó cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tế, như: Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong việc thông tin, tư vấn tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện chế độ cộng tác viên làm công tác thông tin tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người đi XKLĐ; điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho NLĐ, mở rộng địa bàn được áp dụng mức hỗ trợ như đối với lao động thuộc huyện nghèo.

     Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền; đổi mới phương pháp, hình thức và nội dung tuyên truyền về chính sách pháp luật của Nhà nước, của địa phương về XKLĐ nói chung và công tác XKLĐ theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg nói riêng cho phù hợp với đặc điểm địa hình, trình độ văn hoá, phong tục tập quán và ngôn ngữ của nhân dân các huyện nghèo; tổ chức đưa được thông tin đến thôn, bản và tới mọi người dân. Trong tuyên truyền, cần chú trọng về lợi ích của NLĐ khi tham gia XKLĐ, nên sử dụng những mô hình hoạt động hiệu quả tại các địa phương, những cá nhân, hộ gia đình có con, em đi làm việc ở nước ngoài mang lại hiệu quả kinh tế tốt, giúp gia đình xoá đói, giảm nghèo thành công.

     Theo Cục QLLĐNN, các chính sách của Đề án cũng có nhiều hạn chế, như: Chính sách hỗ trợ NLĐ nâng cao trình độ văn hoá để tham gia XKLĐ không thực hiện được do NLĐ không có nhu cầu và không đăng ký tham gia. Mức hỗ trợ cho NLĐ về sinh hoạt phí, chi phí ăn ở, đi lại ban hành từ năm 2009 đến nay không còn phù hợp do tình hình lạm phát và giá cả sinh hoạt đã tăng cao. Một số nội dung cần hỗ trợ NLĐ nhưng chưa được quy định như chi phí đi lại từ thôn, bản đến trung tâm huyện (nơi tập trung lao động), trong khi khoảng cách này rất xa, giao thông khó khăn; các chi phí thuốc men, điều trị cho NLĐ trong thời gian tập trung học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chờ xuất cảnh…

Đăng Khoa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh