Chìa khóa để điều tra, truy tố nhanh những vụ án xâm hại trẻ em
- Pháp luật
- 23:17 - 30/05/2019
Theo Cục Thống kê tội phạm (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao), loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến ngày càng phức tạp. Theo báo cáo, tại nhiều địa phương vẫn xảy ra những vụ án về hiếp dâm, xâm hại nhiều lần dẫn đến mang thai, xâm hại những em còn quá nhỏ tuổi, vẫn tồn tại một số vụ việc giải quyết chậm trễ, kéo dài, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Các nguyên nhân cơ bản được cơ quan chức năng cho biết, chủ yếu nhóm tội phạm này thường mang tính cơ hội, bột phát tấn công tình dục khi gặp cơ hội vắng vẻ, trẻ em đang ở một mình, làm việc một mình, đi một mình... Một trong những nguyên nhân sâu xa là từ lối sống, các đối tượng phần lớn có lối sống buông thả, sống gấp, rượu chè, thiếu tu dưỡng, thiếu gương mẫu, không chế ngự ham muốn dục vọng bản thân. Cũng có nguyên nhân khác từ bệnh lý.
Đối tượng Hoàng Văn Lan bị đưa ra xét xử vì các hành vi xâm hại lạm dụng tình dục trẻ em nam.
Điều đáng nói, một số vụ xét xử chậm trễ, kéo dài, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo ông Khổng Ngọc Oanh - Đội trưởng, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), đối tượng bị xâm hại là trẻ em chưa có nhận thức đầy đủ kiến thức về xã hội, pháp luật, khi bị xâm hại thường mất cân bằng sinh lý, dễ khủng hoảng về tinh thần, rất ít trường hợp trực tiếp tố giác tội phạm.
Nguồn tin về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu chuyển đến từ cơ quan công an phường, xã, thị trấn. Một số trường hợp tố giác qua dịch vụ bưu chính, qua điện thoại hoặc qua các phương tiện thông tin khác đến Viện Kiểm sát, Công an, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111… “Ngoài ra, một số cán bộ công an phường, xã chưa có nhận thức đầy đủ về các vụ việc, khuyến khích gia đình nạn nhân thương lượng với đối tượng, giảng hòa với đối tượng. Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục mà gia đình biết nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết do lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của các em, dẫn đến trình báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên đã vô tình tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết. Một số trường hợp sau khi bị xâm hại tình dục suốt một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội do sợ danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (vùng kín bị hóa sẹo, không thu được tinh dịch…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm hay không và ai là người thực hiện hành vi. Do vậy, cuốn sổ tay dành cho lực lượng cảnh sát và kiểm sát viên sẽ cung cấp nhiều kiến thức nhằm khắc phục được tình trạng bỏ lọt tội phạm, đồng thời là tiền đề, chìa khóa để mở ra giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng và hiệu quả”, ông Oanh cho hay.
Cẩm nang sổ tay cho lực lượng cảnh sát về nhận thức và ứng phó với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em quy định chặt chẽ chi tiết công tác ứng phó, quán triệt trách nhiệm của mỗi cán bộ công an; trang bị những kỹ năng và biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền cho cán bộ công an, cộng đồng dân cư, nhà trường…; hướng dẫn trẻ em ứng phó với các tình huống cụ thể; các thủ tục trình tự khi tiếp nhận tin báo, đảm bảo khởi tố nhanh chóng các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. "Chúng tôi cũng hướng dẫn các thủ tục, trình tự, các yêu cầu về chấp hành pháp luật khi tiến hành các biện pháp xác minh và giải quyết các tin báo, kiến nghị khởi tố về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời khuyến cáo các biện pháp phải tiến hành ngay lập tức sau khi tiếp nhận các tin báo nhằm đảm bảo ngăn chặn, khởi tố và xử lý nhanh chóng các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra, nhấn mạnh vào công tác bảo vệ đối với nạn nhân bị xâm hại”, ông Khổng Ngọc Oanh cho biết.
Theo ông Lê Việt Trung, điều tra viên Phòng Hình sự, Công an TP. Hà Nội, ngoài các nội dung hướng dẫn trong cuốn sổ tay dành cho công an, cần bổ sung việc phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân về khám nghiệm hiện trường, kiểm tra dấu vết thân thể nạn nhân và lời khai nạn nhân. Thực tế, nhiều vụ việc điều tra chậm trễ đã gây khó khăn cho việc khởi tố vụ án. Việc điều tra, xét xử tội phạm xâm hại trẻ em cần đảm bảo thực thi Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật Trẻ em, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, tránh làm tổn thương thêm các em, giữ bí mật đời tư của nạn nhân tại phiên tòa.
"Cần có quy chế với các cơ quan giám định trong việc trả lời kết quả giám định. Vì thực tế trong quá trình điều tra, những vụ án xâm hại trẻ em, việc trưng cầu giám định để có kết quả và quyết định giữ hay không giữ đối tượng, để ra các quyết định tố tụng là rất quan trọng. Thế nhưng có những trường hợp nhanh thì cũng 7 đến 9 ngày, thậm chí cả tháng, cơ quan giám định mới cho kết quả. Nên việc lưu giữ đối tượng và áp dụng các biện pháp tố tụng rất khó khăn cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát”, ông Lê Việt Trung cho biết.