CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:03

Chi trả ưu đãi người có công qua bưu điện: Tạo sự minh bạch, phòng ngừa trục lợi

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, diễn ra vào ngày 17/12, tại Hà Nội.

Người có công hài lòng với hình thức chi trả mới

Trong những năm qua, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện theo mô hình 3 bên thông qua việc ký Hợp đồng trách nhiệm chi trả giữa Phòng Lao động-Thương binh và xã hội cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã và cán bộ chi trả. Đứng trước yêu cầu về đổi mới công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo phương thức hiện đại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, tạo sự minh bạch cũng như giảm tải áp lực cho cán bộ xã, phường, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện thí điểm mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện từ năm 2016. Đến thời điểm hiện tại, 20 tỉnh, thành phố đã triển khai theo mô hình này.

Chi trả ưu đãi người có công qua bưu điện: Tạo sự minh bạch, phòng ngừa trục lợi - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Thứ trưởng Bộ TT&TH chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: Từ năm 2016, chủ trương thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện đã được triển khai tại 6 tỉnh, thành trên cả nước. Năm 2018, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá thí điểm. Sau thành công ban đầu, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã duyệt chủ trương tiếp tục cho mở rộng thí điểm.

Theo báo cáo từ đại diện Bưu điện Việt Nam, tính đến tháng 10/2019, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện đã được triển khai thí điểm tại 19 tỉnh, thành phố. Từ tháng 11/2019 triển khai mới công tác chi trả tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nâng tổng số địa phương triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện lên 20 tỉnh, thành phố. Hàng tháng, Bưu điện đã tổ chức gần 3.600 điểm chi trả, bố trí 3.242 nhân viên chi trả cho 360.000 người hưởng với số tiền lên đến 620 tỷ đồng. Tổng số tiền chi trả trợ cấp ưu đãi người có công từ năm 2016 đến nay lên đến 5.800 tỷ đồng.

Nhìn chung, sau 3 năm thực hiện thí điểm, các địa phương ghi nhận nhiều tiện ích như: Tách bạch công tác chi trả với công tác quản lý đối tượng, công tác tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, góp phần tạo sự minh bạch trong quản lý cũng như giảm áp lực cho cán bộ xã, phường; Dòng tiền luân chuyển ổn định, kịp thời, không xảy ra sai sót trong quá trình chi trả... Đối với người thụ hưởng, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện cũng như các tiện ích mà việc nhận tiền qua Bưu điện mang lại đã được đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm vẫn còn tồn tại một số tồn tại như: Nhân viên bưu điện chưa biết rõ đối tượng thụ hưởng, không nắm hết các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nên hạn chế trong việc giải đáp thắc mắc phát sinh trong quá trình chi trả... Mặc dù vậy, hầu hết người thụ hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi đều đánh giá thời gian chi trả đảm bảo, thái độ phục vụ và tinh thần trách nhiệm của nhân viên bưu điện khi thực hiện chi trả đạt mức tốt và rất tốt (tỷ lệ đánh giá tốt của nhiều địa phương lên tới 98 – 99%). Các địa phương thực hiện thí điểm đều đề xuất, cần tiếp tục thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện.

Chi trả ưu đãi người có công qua bưu điện: Tạo sự minh bạch, phòng ngừa trục lợi - Ảnh 2.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao những ưu điểm của hình thức chi trả mới.

Đề xuất triển khai toàn quốc ngay từ năm 2020

Ông Phạm Quang Phụng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH cho biết mô hình chi trả qua Bưu điện đã tách việc chi trả chế độ với công tác quản lý đối tượng, góp phần giảm công việc cho cán bộ chi trả xã, phường để họ có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó đẩy nhanh tiến độ xác lập hồ sơ đối tượng, đảm bảo tốt hơn công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời góp phần cải cách thủ tục hành chính và tinh giản biên chế theo chỉ định của Chính phủ. Đặc biệt, việc chi trả này cũng tách bạch trong việc chi trả và tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, tránh được những rủi ro có thể xảy ra trong việc thực hiện chính sách người có công, bên cạnh đó nguồn tiền chi trả được quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn hơn.

Đồng tình với cách chi trả người có công hiện nay, ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết khi chưa thực hiện chi trả qua Bưu điện tại địa phương này đã từng xảy ra các vụ mất mát tiền chi trả, nhưng từ khi chi trả qua Bưu điện dù mỗi tháng số tiền lên tới 33 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh chưa có một ý kiến phàn nàn về việc chậm chễ trong nhận tiền. 99,8% đối tượng thụ hưởng tại Quảng Trị đánh giá độ an toàn trong công tác chi trả của Bưu điện ở mức tốt. Bên cạnh đó, nhờ việc chuyển công tác chi trả sang Bưu điện, giờ đây những cán bộ làm công tác lao động - xã hội ở cấp xã của địa phương này cũng có nhiều thời gian để thực hiện nhiều đầu việc khác.

Theo đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, thời gian tới, Bưu điện Việt Nam và các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, xây dựng cơ sở dữ liệu về người có công gắn với thực hiện chính sách; có giải pháp tổng quát, toàn diện, khắc phục ngay những tồn tại trong năm 2020. Các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại các địa phương thí điểm cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chi trả (bổ sung, hoàn thiện phần mềm quản lý đối tượng, quản lý tài chính, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công), đảm bảo chi trả đúng đối tượng, đủ chế độ, kịp thời và đến tận tay người được hưởng chế độ.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo Bưu điện Việt Nam và các đơn vị chuyên môn của Bộ phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng đề án tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực người có công, tạo lập cơ sở dữ liệu của lĩnh vực người có công không chỉ đối tượng đang hưởng chính sách thường xuyên.

Chi trả ưu đãi người có công qua bưu điện: Tạo sự minh bạch, phòng ngừa trục lợi - Ảnh 4.

Toàn cảnh hội nghị

Bộ TT&TT đang cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin đối với công chức xã, để một công chức kiêm nhiệm nhiều việc hơn mà vẫn đảm bảo điều hành công việc tốt, sẽ cá thể hóa từng lao động đến tận xã. Ngoài ra, Chính phủ đang tập trung xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, một trong những việc quan trọng năm 2020 là xây dựng xong 6 trụ cột cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có trụ cột an sinh, trong đó có người có công.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu Bưu điện Việt Nam tổ chức lực lượng, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin theo đúng mô hình mới, đảm bảo giảm thủ tục (trả bằng thẻ, nhận diện đối tượng qua ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt...); Tập trung đào tạo, đặc biệt về thái độ phục vụ; Tổ chức triển khai đảm bảo hiệu quả, an toàn.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện chi trả trợ cấp người có công qua bưu điện - điều tất yếu phải làm. Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ trình để xin chủ trương của Thủ tướng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương, để 100% tỉnh, thành trong cả nước đồng loạt triển khai ngay trong năm 2020. Thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành xây dựng đề án tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, chi trả qua thẻ để người có công có thể rút ra sử dụng bất cứ lúc nào.

NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh