TP. Hồ Chí Minh: Chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua Bưu điện đạt kết quả cao
- Người có công
- 01:56 - 06/11/2019
Tham dự có ông Lê Minh Tấn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh; ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Bưu điện TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, hiện có 24 quận, huyện với 322 phường, xã và thị trấn. Tổng số người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng là 43.792 người, số tiền thực hiện chi trợ cấp là 73,114 tỷ đồng/tháng.
Sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện tại 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố được sự đồng thuận rất cao từ người dân.
Qua khảo sát mức độ hài lòng của người có công với cách mạng hưởng trợ cấp ưu đãi qua hệ thống bưu điện, với 1.256 phiếu, đạt tỷ lệ 99,76% người có công hài lòng về thời gian chi trả đúng ngày, cụ thể: Từ ngày 1 đến ngày 5 hàng tháng, chi trả tại điểm chi của từng phường, xã, thị trấn; từ ngày 6 đến ngày 10 hàng tháng, chi trả trợ cấp đối với người có công già yếu, bệnh tật, đi lại khó khăn; chi trả cho các trường hợp chậm nhận trợ cấp tại các Bưu cục gắn kết.
Bên cạnh đó, theo khảo sát thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của nhân viên Bưu điện khi thực hiện chi trả trợ cấp tại các điểm chi trả và tại nhà người có công được đánh giá tốt, đạt tỷ lệ 82,02%.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh: "Đề nghị các phòng, ban tại cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người có công đến nhận trợ cấp hàng tháng đúng thời gian quy định để hạn chế tình trạng nhiều tháng chưa nhận trợ cấp. Thống kê chính xác từng diện hưởng chính sách đối với người có công (trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, các chế độ trợ cấp, phụ cấp) để đưa vào chi trả thông qua hệ thống bưu điện. Bên cạnh đó, cần phải phối hợp triển khai phương thức chi trả trợ cấp hàng tháng cho người có công thông qua thẻ ATM nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
"Huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của xã hội, của các tổ chức, cá nhân để cùng với nhà nước chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công; Xác định cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú. Cán bộ tại phường, xã, thị trấn phải thường xuyên đến tận nhà quan tâm, thăm hỏi, chăm sóc các đối tượng người có công", ông Lê Minh Tấn cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân cho biết, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là thể hiện tinh thần đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và nhà nước, là trách nhiệm của toàn xã hội. Bưu điện thành phố thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các Bưu điện trung tâm, bưu điện huyện thực hiện cung ứng dịch vụ theo đúng phương án được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt và theo nội dung chi trả trợ cấp ưu đãi người có công của Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội Thành phố với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
"Thực hiện công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện đã tách bạch việc chi trả chế độ, chính sách với công tác quản lý đối tượng, giảm khối lượng công việc cho cán bộ phường, xã thị trấn. Đảm bảo tính chuyên nghiệp, an toàn, hiệu quả, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng và đồng bộ.
Bên cạnh đó, còn một số khó khăn như: nhiều đối tượng có công hưởng chế độ tại địa phương nhưng tạm trú nơi khác (về quê sinh sống, đi làm ăn xa, đi chữa bệnh nước ngoài…); nhân sự thực hiện công tác chi trả của bưu điện có sự thay đổi, chưa ổn định nên chưa nắm rõ được địa chỉ cụ thể của từng đối tượng được chi trả tận nhà; địa chỉ chi trả tại một số phường, xã, thị trấn còn chật hẹp,…", bà Vân cho biết thêm.