CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 10:15

Chi trả trợ cấp xã hội điện tử giúp người dân tiếp cận phương thức thanh toán hiện đại, tiện lợi

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế tiếp cận phương thức chi trả mới từ nhân viên Viettel (Ảnh chụp trước 27/4/2021)

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế tiếp cận phương thức chi trả mới từ nhân viên Viettel (Ảnh chụp trước 27/4/2021)

Chiều 8/10/2021, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử trên địa bàn tỉnh. Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), các chuyên gia đến từ Ngân hàng thế giới (WB) và đại diện lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo ông Võ Thanh Quyết, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH), Thừa Thiên Huế là một trong ba địa phương được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn thực hiện thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trong năm 2021. Để thực hiện chủ trương này, Sở đã lựa chọn huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thuỷ triển khai thí điểm, với các đối tác cung cấp dịch vụ là Viettel, Ngân hàng VietinBank và Bưu điện tỉnh.

Tại địa bàn huyện Phú Lộc, Viettel đã phối hợp với 17 xã, thị trấn thu thập thông tin, ghi hồ sơ đăng ký mở tài khoản ViettelPay cho đối tượng bảo trợ xã hội. Từ ngày 11/3/2021 đến ngày 20/4/2021, Phú Lộc và đơn vị cung cấp dịch vụ đã hoàn thành việc thu thập thông tin và mở tài khoản cho 7.951/7.951 đối tượng, đảm bảo 100% đối tượng được chi trả theo phương thức không dùng tiền mặt. Tính  đến tháng 9/2021, có 8.364 đối tượng tại Phú Lộc được chi trả bằng phương thức điện tử, với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, tỷ lệ 100%.

Tại địa bàn thị xã Hương Thủy, VietinBank chi nhánh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bưu điện tỉnh và UBND các xã/phường tiến hành thu thập thông tin mở tài khoản cho đối tượng. Từ tháng 3 - 5/2021, các đơn vị đã mở được 2.254 hồ sơ cho đối tượng, người được ủy quyền và thực hiện chi trả qua tài khoản vào tháng 6/2021. Đến tháng 10/2021, Hương Thuỷ đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 2.053/4.716 đối tượng qua tài khoản, với số tiền hơn 791 triệu đồng, chiếm 43,5% tổng số đối tượng trên địa bàn. Số đối tượng còn lại đang được các đơn vị cung cấp dịch vụ phối hợp với các xã, phường tiếp tục rà soát để mở tài khoản.

Qua đánh giá bước đầu cho thấy, đây là phương thức chi trả có nhiều ưu việt, tạo sự thuận tiện, nhanh gọn cho đối tượng. Khi chi trả không mất nhiều nhân lực, thời gian để thực hiện, thuận lợi trong công tác thanh quyết toán kinh phí. Mặt khác, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, phương thức chi trả không dùng tiền mặt tránh được tình trạng tập trung đông người, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện tốt hơn.        

Hội nghị cũng đã được nghe ý kiến chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế tại 2 địa phương đã triển khai chi trả; những tồn tại, khó khăn cũng được đưa ra thảo luận, rút ra bài học để triển khai tại các địa phương tiếp theo.

Tại Hội nghị, ông Hồ Quang Minh, Trưởng phòng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế) đã công bố kế hoạch triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử đối với các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, việc triển khai chi trả sẽ được thực hiện từ tháng 10/2021 đến 31/1/2022, áp dụng đối với đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng. Viettel, VietinBank, Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục được tin tưởng lựa chọn để cung cấp dịch vụ.

Thừa Thiên Huế đặt ra mục tiêu đến tháng 1/2022, đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chuyển đổi sang phương thức chi trả điện tử và có ít nhất 80% đối tượng nhận chi trả qua tài khoản.

Theo ông Minh, việc triển khai kế hoạch sẽ giúp Thừa Thiên Huế đẩy mạnh chi trả chế độ, chính sách trợ giúp xã hội bằng nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán bằng phương thức điện tử cho đối tượng thụ hưởng chính sách. Qua đó, từng bước cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân.        

Empty
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử trên địa bàn tỉnh (Ảnh chụp trước 4/2021)

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử trên địa bàn tỉnh (Ảnh chụp trước 4/2021)

Bà Nguyễn Nguyệt Nga – Chuyên viên cao cấp của WB cho rằng, mục tiêu của thanh toán điện tử là tạo sự thuận lợi hơn cho người dân nhưng không làm tăng gánh nặng chi phí ngân sách nhà nước. Phương thức thanh toán này cũng mang lại sự thuận lợi là người dân có thể mở tài khoản từ đơn vị cung cấp dịch vụ ấn định nhưng sẽ có mạng lưới chi trả, nơi nhận tiền, rút tiền đa dạng. Bà Nga cũng dẫn chứng sự thành công trong áp dụng phương thức thanh toán điện tử ở nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới để minh chứng cho sự ưu việt của phương thức này.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cũng khẳng định, chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử là hướng đi đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Phương thức điện tử sẽ giúp nhóm đối tượng trong dự án tiếp cận được nhiều sự mới mẻ, hệ thống dịch vụ ngân hàng mang tính bền vững. Việc chi trả đáp ứng yêu cầu minh bạch, công khai, kịp thời, bảo đảm tính pháp lý, giúp ích rất nhiều cho công tác phòng, chống dịch.

Ông Toản đánh giá cao những kết quả mà Thừa Thiên Huế đã đạt được khi thí điểm triển khai kế hoạch chi trả trợ giúp không dùng tiền mặt. Trong thời gian tới, ông Toản đề nghị Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy thành quả, khắc phục các hạn chế, tồn tại để đạt được mục tiêu đề ra, trong đó cần hạn chế thấp nhất việc uỷ quyền mà để tối đa nhất đối tượng tiếp cận dịch vụ. Cố gắng đến năm 2022 sẽ phủ dịch vụ trên toàn bộ địa bàn tỉnh. 

Tổng kết Hội nghị, bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương tích cực triển khai, phối hợp chặt chẽ với Sở và đơn vị cung cấp dịch vụ để thực hiện thành công dự án. Theo bà Nguyệt, để thực hiện thành công việc chuyển đổi phương thức chi trả trợ giúp xã hội phải có sự quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể cấp xã trong quá trình triển khai thực hiện mới mang lại hiệu quả cao. Công tác truyền thông cần được tiếp tục đẩy mạnh. Đồng thời cần kịp thời thống kê, rà soát và nắm bắt biến động đối tượng tăng, giảm trong quá trình chi trả.

Trong quá trình thực hiện, việc phối hợp 3 bên là vô cùng quan trọng: Phòng LĐ-TB&XH, cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị cung ứng dịch vụ, không được máy móc trong phân vai mà phải nhịp nhàng, hỗ trợ lẫn nhau, thường xuyên rút kinh nghiệm để tìm ra phương án triển khai tốt nhất, bảo đảm đạt kết quả cao nhất. 

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh