Hiệu quá mô hình chi trả trợ cấp xã hội điện tử liên kết giữa bưu điện và ngân hàng
- Dược liệu
- 06:57 - 07/10/2021
An toàn tiện lợi cho đối tượng TGXH
Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế đã triển khai thí điểm chi trả cho đối tượng hưởng trợ giúp xã hội (TGXH) bằng hình thức không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2021. Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Vietinbank và Bưu điện Thừa Thiên Huế phối hợp với phòng LĐ-TB&XH thị xã Hương Thủy triển khai mở tài khoản cho các đối tượng hưởng trợ giúp xã hội tại 12/12 xã, phường thị trấn. Theo đó, từ ngày 10/6, Vietinbank Thừa Thiên Huế hợp tác cùng bưu điện tỉnh triển khai dịch vụ mở tài khoản ngân hàng cho đối tượng trên địa bàn xã Hương Thủy. Người nhận trợ giúp xã hội có thể thực hiện giao dịch rút tiền 24/7 tại các máy ATM, các điểm giao dịch VietinBank, các điểm giao dịch bưu điện phủ khắp địa bàn mà không cần phải đến các điểm chi trả cố định vào một ngày cụ thể để nhận tiền mặt như trước đây. Đối tượng cũng có thể rút tiền tại các điểm rút tiền tại ngân hàng khác có kết nối với Viettinbank.
Đến nay, việc mở tài khoản cho đối tượng, người được ủy quyền qua dịch vụ VietinBank tại thị xã Hương Thủy đạt 80% trong số 5.620 đối tượng; số còn lại được Bưu điện thực hiện chi trả tại nhà. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiến hành tổng kết đúc rút kinh nghiệm thí điểm để triển khai mở rộng ra các địa bàn còn lại của tỉnh. Hiện nay, việc chi trả trợ cấp xã hội thông qua mô hình hợp tác giữa Vietinbank và bưu điện hoặc qua ngân hàng số Viettel Pay, tiền chi trả được chuyển thẳng vào tài khoản người thụ hưởng. Trường hợp ủy quyền phải thông qua các bước thực hiện theo yêu cầu của pháp luật tại cấp xã và các yêu cầu của việc mở tài khoản và giám sát chi trả tại ngân hàng, nên việc chi trả qua người được ủy quyền chặt chẽ hơn, an toàn, ít rủi ro hơn. Công tác thanh quyết toán cũng sẽ được thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Một số hạn chế cần khắc phục
Việc triển khai thí điểm chi trả cho đối tượng hưởng TGXH bằng hình thức không dùng tiền mặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, đối tượng hưởng chính sách TGXH chủ yếu là trẻ mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi... và số tiền hưởng chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Ban đầu, nhiều người băn khoăn, lo lắng về cách sử dụng phương thức mới này. Tuy nhiên sau khi tuyên truyền, với sự hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời của cán bộ, một số khó khăn đã được tháo gỡ, nhất là khâu ủy quyền và thủ tục mở tài khoản. Hiện Vietinbank đã mở tài khoản cho hơn 60% người được ủy quyền, góp phần tăng tỷ lệ đối tượng TGXH được mở tài khoản và được chi trả qua thẻ.
Ngoài ra, nếu phòng lao động huyện quản lý và theo dõi biến động đối tượng bảo trợ qua hệ thống phần mềm PosaSoft thì việc chia sẻ dữ liệu biến động đối tượng với ngân hàng hoàn toàn có thể được điện tử hóa, giúp cho quá trình trao đổi được thực hiện nhanh chóng và kịp thời.
Để việc thí điểm chi trả cho đối tượng hưởn trợ giúp xã hội bằng hình thức không dùng tiền mặt được hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương của Chính phủ về không dùng tiền mặt trong chi trả an sinh xã hội và về đảm bảo thực hiện quyền lựa chọn các phương thức nhận chế độ chính sách TCXH cho các đối tượng thụ hưởng.
Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện chi trả TGXH không dùng tiền mặt sẽ hạn chế tình trạng tập trung đông người cùng lúc. Hơn nữa, tại các điểm rút tiền cũng được đảm bảo các điều kiện về không gian như chỗ ngồi, an toàn về giao thông, an ninh trật tự khi đối tượng đến rút tiền. Vì vậy việc triển khai chi trả TGXH không dùng tiền mặt cần phải được nhân rộng trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới với sự hỗ trợ của Chính phủ Úc thông qua chương trình Đối tác Chiến lược giữa Nhóm Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Úc tại Việt Nam – giai đoạn 2 (ABP2) đã phối hợp với UBND Thừa Thiên Huế để xây dựng và thí điểm mô hình này. Hy vọng rằng việc thực hiện ở Huế sẽ là kinh nghiệm tốt để có thể triển khai mở rộng ở các địa phương khác và với các chương trình khác như trợ cấp người có công.