CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:27

Cty giầy Sài Gòn: Tùy tiện hạ lương, cắt giảm phúc lợi, thách thức lao động

 

“Ban đầu, khi không thấy tên mình trong danh sách bị cắt giảm, chúng tôi tưởng mình gặp may, song thực tế không phải vậy. Hằng ngày, chúng tôi phải đến công ty làm việc nhưng từ ngày 1/2 đến nay vẫn chưa nhận được đồng lương nào”. Đây là bức xúc của 63 lao động được lãnh đạo Công ty cổ phần giày Sài Gòn (quận 10, TP Hồ Chí Minh) đánh giá là “những cán bộ mẫn cán, chủ chốt, người có tay nghề cao, cần thiết cho việc tái cấu trúc công ty” trong buổi làm việc với các cơ quan chức năng vào ngày 15/3.

Ở lại mà lo

Đầu năm 2016, lấy lý do tái cấu trúc, Ban Giám đốc Công ty cổ phần giày Sài Gòn đã cắt giảm khoảng 400 trong tổng số gần 500 công nhân (CN) đang làm việc tại công ty. Số lao động được giữ lại là 63 người. Trong đó có 22 lao động nữ thai sản, ốm đau và nuôi con dưới 12 tháng tuổi; 41 lao động còn lại là những người làm việc tại công ty trên 20 năm, đang phụ trách các vị trí như quản đốc, phó quản đốc, nhân viên lao động tiền lương, đốc công tại các xưởng may…

Nếu như những CN nằm trong danh sách bị cắt giảm đã được nhận lương chờ việc và được công ty hứa chi trả trợ cấp mất việc thì những người ở lại vẫn phải đến công ty làm việc mà không có lương. Đã vậy, ngày 29/1, dù chưa thỏa thuận với người lao động (NLĐ) nhưng ông Huỳnh Tấn Tài, giám đốc công ty, đã ra quyết định điều chuyển các quản đốc, phó quản đốc, cán bộ lao động tiền lương tại 5 xưởng về phòng kỹ thuật và chuyển các CN thai sản, ốm đau, nuôi con nhỏ về phòng tổ chức - hành chính. Chưa hết, ông Nguyễn Quốc Đại, Chủ tịch HĐQT, đã ra chỉ thị yêu cầu xếp lại ngạch, bậc lương cho số lao động nói trên và không trả tiền ăn giữa ca cho NLĐ trong thời gian tái cấu trúc.

 

Đại diện các cơ quan chức năng quận 10 và lãnh đạo Công ty CP Giày Sài Gòn đối thoại với công nhân ngày 15-3
Đại diện các cơ quan chức năng quận 10 và lãnh đạo Công ty CP Giày Sài Gòn đối thoại với công nhân ngày 15/3

Ngày 2/3, chủ tịch HĐQT lại ra chỉ thị về chi trả thu nhập cho NLĐ trong thời gian tái cấu trúc và đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo thu nhập thực tế. Mức lương mới được áp dụng để đóng các khoản bảo hiểm và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/3/2016. Với cách tính mới, lương của NLĐ bị giảm từ 10%-50%. Chị Minh Loan, nguyên đốc công chuyền may phân xưởng 1, bức xúc: “Tôi làm việc cho công ty gần 20 năm mới được hưởng mức lương hơn 6,6 triệu đồng/tháng. Thế mà nay công ty hạ lương xuống còn 4,5 triệu đồng/tháng (giảm 32,2%) trong khi chưa hề thỏa thuận với tôi. Công ty nói chúng tôi là những cán bộ mẫn cán, chủ chốt, người có tay nghề cao, cần thiết cho việc tái cấu trúc công ty nên giữ lại nhưng sao lại nỡ đối xử như vậy?”.

Tiến thoái lưỡng nan

Không đồng tình với cách điều chỉnh lương mới của công ty, tập thể NLĐ đã gửi đơn kiến nghị lên ban giám đốc và chủ tịch HĐQT yêu cầu xem xét lại. Tuy nhiên, công ty khẳng định đã làm đúng luật và thách thức NLĐ đi kiện. Chị Mộng Trinh, nhân viên phòng kỹ thuật, chia sẻ: “Trước đây, công ty nói lý do giữ chúng tôi lại là để phục vụ việc thống kê, kiểm kê, bàn giao tài sản, phục vụ kiểm toán. Nay công việc đã hoàn tất, chúng tôi đến công ty cũng không có việc để làm. Hơn nữa, không thể chấp nhận việc bị cắt giảm lương tùy tiện, chúng tôi đã đề nghị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) như đã thực hiện với số đông NLĐ trước đó. Song, công ty bảo rằng ai không đồng ý nhận mức lương mới thì tự nộp đơn xin nghỉ chứ công ty không đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Hóa ra chúng tôi bị công ty lừa ở lại rồi tìm cách ép để tự nghỉ việc nhằm tránh phải chi trả trợ cấp mất việc”.

Tại buổi làm việc với công ty ngày 15/3, các cơ quan chức năng quận 10 đã khuyến nghị: Đối với số lao động được giữ lại làm việc, nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về tiền lương, công ty phải thỏa thuận với NLĐ. Nếu không thỏa thuận được, đơn vị phải tiếp tục thực hiện các cam kết trước đó với NLĐ theo đúng quy định của pháp luật.

Tùy tiện giảm lương là trái pháp luật

Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, tiền lương là một nội dung được cam kết trong HĐLĐ. Khi có sự sửa đổi, bổ sung bất cứ điều khoản nào trong HĐLĐ thì doanh nghiệp và NLĐ phải thỏa thuận lại. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết,  nghĩa là phải trả đúng mức lương đã giao kết trước đó với NLĐ. Việc Công ty cổ phần giày Sài Gòn chưa thỏa thuận đã tùy tiện cắt giảm lương của NLĐ là trái pháp luật.

Theo Báo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh