Đảm bảo việc làm người lao động là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 03:12 - 13/01/2016
Tham dự buổi tiếp còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Thứ trưởng Đào Hồng Lan, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lê Kim Dung, lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Việc làm, Vụ Bảo hiểm xã hội, Vụ Pháp chế cùng tham dự buổi tiếp.
Chất lượng nhân lực là động lực phát triển kinh tế
Chủ nhiệm UB Văn hóa, xã hội Quốc hội Lào Phonethet Ponsena cho biết, Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành là thời cơ, điều kiện thuận lợi để các quốc gia thành viên giữ vững chính trị, an ninh; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, tham gia Cộng đồng ASEAN, Lào gặp một số khó khăn để phát triển kinh tế, giữ vững quan hệ lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội. “Vấn đề Chính phủ Lào quan tâm khi tham gia Cộng đồng ASEAN sẽ phải đối mặt với vấn đề di cư lao động ra nước ngoài cũng như lao động nước ngoài đến Lào làm việc và tình trạng di cư lao động từ nông thôn lên thành thị. Việt Nam đã chuẩn bị những điều kiện gì khi gia nhập Cộng đồng ASEAN? Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi người lao động, phòng chống nạn buôn bán người? Những chính sách đối với những người bị tổn thương như người khuyết tật, phòng chống lao động trẻ em... cần phải điều chỉnh các văn bản pháp lý nào?”, ông Phonethet Ponsena nêu vấn đề.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn đại biểu Lào.
Trình bày về quá trình chuẩn bị của Việt Nam để gia nhập Cộng đồng ASEAN, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, một trong những quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là chủ động, tích cực để có thể thực hiện được các chính sách khi tham gia hội nhập Cộng đồng ASEAN. Việt Nam lồng ghép trong quá trình xây dựng Nghị quyết, Chỉ thị: Bộ Chính trị, Chính phủ trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, Chương trình quốc gia đều lồng ghép nội dung này. Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì điều phối thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN, 1 trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Những nội dung liên quan đến người dân, người lao động được lồng ghép giữa các mục tiêu của ASEAN và của quốc gia. “Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ Chương trình tổng thể khi cộng đồng ASEAN được thành lập bên cạnh mang lại nhiều lợi ích cho người dân và người lao động thì vấn đề đặt ra là phát triển kỹ năng và nâng cao năng suất cho lao động Việt Nam đối với 8 nghề được phép di chuyển trong khu vực ASEAN. Để người lao động đảm bảo việc làm trong nước và di chuyển trong cộng đồng ASEAN là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Khi tham gia thị trường lao động ASEAN, người lao động có nhiều cơ hội để vươn xa và phát triển hết khả năng. Tuy nhiên, năng suất và kỹ năng lao động còn thấp là một trong những khó khăn của lao động Việt Nam và khắc phục. Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đảng XI nêu rõ: Tháo điểm nghẽn chất lượng nhân lực là động lực phát triển kinh tế đất nước. Để triển khai, Quốc hội ban hành nhiều văn bản liên quan nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Luật giáo dục, Luật giáo dục nghề nghiệp... Việt nam có các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến giáo dục đào tạo, dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về dạy nghề đã tham mưu, trình Chính phủ văn bản pháp luật nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay đang triển khai thí điểm dạy nghề trọng điểm quốc gia, áp dụng bộ chương trình nghề trọng điểm của Úc, Malaysia và điều chỉnh phù hợp với Việt Nam. Đồng thời, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Việt Nam đang triển khai đào tạo 96 nghề trọng điểm quốc gia. Để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp được mời tham gia xây dựng chương trình đào tạo và cùng đào tạo để khi sinh viên tốt nghiệp được các doanh nghiệp tiếp nhận. Chính phủ ban hành các quy định kiểm định chất lượng dạy nghề để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo.
Đối với lao động nông thôn, Nhà nước có chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn để người lao động có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cao năng suất và chất lượng lao động.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhận quà lưu niệm của đoàn đại biểu Quốc hội Lào.
Xây dựng pháp luật riêng để làm cơ sở thực hiện
Nhà nước ban hành luật Người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, Luật Phòng chống, mua bán người làm là cơ sở pháp lý để bảo vệ lao động di cư. Coi trọng ký kết hiệp định hợp tác đối với những nước có lao động Việt Nam đến làm việc. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế (IOM, ILO), tập huấn nâng cao năng lực cho người dân. Xây dựng Quỹ hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài để bảo vệ lợi ích cho người lao động... Chính phủ có nhiều chính sách: thu hút đầu tư tại địa phương, phát triển nông nghiệp chất lượng cao để người dân có việc làm tại địa phương, li nông không li hương. Đối với số lao động di cư lên thành phố phối hợp với các cơ quan, ban ngành để bảo vệ lợi ích cho người lao động.
Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng chống lao động trẻ em luôn được Chính phủ ưu tiên. Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật cũng như các chương trình quốc gia nhằm đảm bảo cam kết thực hiện quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Tại việt Nam, hệ thống an sinh xã hội được thiết kế nhằm phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro cho người dân thông qua các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Người khuyết tật và người cao tuổi có Luật riêng, chuyên ngành để thực hiện hiệu qủa, phù hợp với từng đối tượng.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực tiễn của Việt Nam là cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước cũng như các chương trình cụ thể để đảm bảo thực hiện. Tuy nhiên, dưới tác động của hội nhập quốc tế, trong điều kiện Việt Nam tỉ lệ hộ nghèo còn cao, tổ chức thực hiện trong thời gian tới cần nhiều đổi mới. Việt Nam đang trong giao đoạn tổng kết 5 năm qua và xây dựng chương trình 5 năm tới tìm ra những hạn chế để có hướng khắc phục”.
Chủ hiệm Ủy ban Phonethet Ponsena đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng ASEAN như xây dựng hệ thống pháp lý, các chương trình quốc gia hay việc tập trung đào tạo ngành nghề trọng điểm. Trong đó, có 8 nghề người lao động được phép di chuyển trong khu vực. Đây là bài học quan trọng để Nhà nước Lào học hỏi trong quá trình tham gia hội nhập.