THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:16

Nghệ sĩ Hán Văn Tình trên giường bệnh vẫn đau đáu với Tuồng

 

Dù đang phải thở bằng oxy nhưng anh Quềnh vẫn lạc quan, vẫn mỉm cười khi có khách thăm

Cười trong bệnh tật

Xin được gọi anh là Quềnh - cái tên thân thiết, gần gũi mà khán giả màn ảnh nhỏ thường gọi anh. Không giống với nhân vật có điệu cười giòn tan kèm câu:“Không thể hoãn cái sự sung sướng này được” hoặc “Thiên cơ đếch thể tiết lộ”, anh Quềnh ngoài đời thực hôm nay đang phải đối diện với căn bệnh ung thư quái ác.

Phóng viên Báo Dân Sinh trò chuyện cùng Nghệ sỹ Hán Văn Tình

Hỏi về cảm giác trong người lúc này thế nào, anh thì thào: “Mệt mỏi lắm! Tức ngực! Không thở được…”. Dứt câu, anh lại ho, ho không ngớt. Quềnh là diễn viên thuộc Nhà nhát Tuồng Việt Nam, nhưng khán giả biết đến anh qua các bộ phim, tiểu phẩm hài với các chủ đề xoay quanh nông thôn và người nông dân cùng bao tiếng cười sâu cay. Trước khi nằm một chỗ thế này, anh hãy còn “máu lửa”, còn nhiệt huyết với anh em Nhà hát vô cùng.

Giờ thì gắng gượng, anh bảo: “Bệnh nghề nghiệp ý mà. Chẳng biết bị bệnh từ bao giờ. Vừa rồi tớ vẫn đang đi diễn đều đều đấy chứ. Nhưng thước  phim cuối cùng vừa quay xong cũng là lúc tớ gục ngay tại chỗ, ngất lịm. Khi tỉnh dậy tớ mới biết mình đang nằm trong bệnh viện và nằm bẹp đến tận giờ”.

Vở kịch mà Quềnh nói đến là “Tiếng gọi non sông”, anh thủ vai Kiều Công Tiễn, một nhân vật có tính cách khá phức tạp và được nói đến nhiều trong lịch sử, người đóng vai này phải là người có bản lĩnh, khéo léo, linh hoạt mới có thể đảm đương. Và có lẽ, bao nhiêu sức lực, anh dành hết cho nhân vật của mình nên anh mới gục ngã sớm như vậy.

Ngồi xoa tay cho chồng, chị Vũ Thị Ngọc Lan không giấu nổi nước mắt nói: " Anh Quềnh bị từ hôm 31/12, khi đến bệnh viện K, các bác sĩ đã cho tôi biết anh ấy bị ung thư và khuyên không nên nói cho anh biết, sợ anh buồn lòng, lại suy nghĩ, bệnh lại thêm bệnh. Ba mẹ con bàn bạc với nhau, cố gắng giấu anh ấy, thầm lặng đưa anh đi trị xạ. Bao nhiêu tiền bạc đều rót vào viện chữa trị cho anh, tính đến nay cũng gần một tháng. Rồi anh cũng biết, anh không đồng ý chữa bệnh nữa, nhất quyết anh đòi về nhưng về được một hôm, đến đêm anh lại không thở được nên gọi xe cấp cứu đưa anh đến Bệnh viện 198 này.Biết bệnh không thể thuyên giảm nên anh không muốn trị xạ nữa, anh bảo mẹ con tôi cố gắng dành dụm tiền để lo cho con bé ăn học. Dẫu biết rằng bệnh ung thư là căn bệnh quái ác mà đôi khi y học hiện đại cũng phải lắc đầu nhưng biết làm sao được, còn nước thì còn tát mà”.

Cháu Hán Vũ Nhật Minh chăm sóc bố bên giường bệnh

Con gái anh, cháu Hán Vũ Nhật Minh phải liên tục lồng tay vào mền vuốt ngực cho bố. Ngoài thực phẩm chức năng ra, giờ anh không ăn được gì. Song anh vẫn thường xuyên cười. Anh cười để chứng minh anh không sợ bệnh tật, cười để động viên vợ con, cười để khán giả biết anh vẫn ổn. Song thực tế, cầm tay anh, bàn tay chỉ còn lại chút hơi ấm, nhưng quá nhũn, quá thô, người cầm gần như không còn cảm nhận được sự sống từ người bệnh. Anh ho liên tục, khi ngớt ho anh chỉ có thể thì thào với khách đôi ba câu rồi lại ho, Cơn ho như vắt kiệt sức lực của anh. Dù thở oxy nhưng thi thoảng anh vẫn dành cho người đến thăm một nụ cười hiền, cười không có âm thanh, nhưng chứa chan tình nghĩa mến thương.

Sẻ chia của bạn, khán giả,…

Tôi đã có dịp trò chuyện với Quềnh trước khi bệnh anh phát tác, tính anh hay cười và hay khiến người khác cười, cười sảng khoái, thoải mái và dễ chịu. Khi đó, nói về nghề, về nghiệp, anh cũng khiêm tốn với quan điểm rất rõ ràng: “Cái nghề tớ yêu vẫn là Tuồng, Tuồng thực sự là niềm đam mê, là khát khao, là xương máu của tớ”. Bên cạnh đó, anh bảo: “Tớ là nghệ sĩ, lại xuất thân từ miền quê nghèo Phú Thọ nên vai diễn của tớ lúc nào cũng là anh nông dân chân lấm tay bùn. Tớ thích được làm người nông dân, được hoá thân làm người nông dân trong vai diễn. Khi tớ diễn tớ cũng không quá chi tiết vào nhân vật đâu, tớ để cho nhân vật nhập thân vào mình ý chứ”.

Đôi lúc Nghệ sỹ Hán Văn Tình lại mệt và phải thở oxy

Nhiệt huyết là thế, và có lúc anh phải cười khi cha, chú qua đời. Anh kể: "Lần diễn ở Vĩnh Phúc, khi tớ bước chân lên sân khấu thì nhận được tin cha qua đời. Lòng như lửa đốt, nước mắt chỉ chực tuôn xuống. Không thể để khán giả nhận ra điều đó nên tớ vẫn phải cười theo điệu cười nhân vật. Diễn xong, tớ chạy một mạch về chịu tang cha, và ân hận vì không được ở bên cha trước khi cha mất; Lần khác, cũng là khi diễn, đợt diễn lần này rất quan trọng vì có đối tác của Nhà hát đến để xem xét đầu tư. Đang phải tiếp khách thì tớ nhận được tin chú mất. Ngẫm lại, rằng mình nghèo khó cũng quen rồi, có bỏ về cũng không sao, nhưng nếu bỏ về, đối tác khó tính lại không đầu tư nữa, điều đó đồng nghĩa với việc anh em khác trong nhà hát không có việc làm, lại rơi vào đói kém. Là trưởng đoàn hát, lại thêm một lần nữa tớ phải cười dù rằng trong lòng như có muôn lát dao đâm"

Quềnh là vậy, luôn dành tâm huyết cho nghề, vậy nên anh được nhiều khán giả yêu mến, nghe tin anh ốm, một khán giả Nguyễn Hồng Nhung, ở xã Đại Thành, (huyệnQuốc Oai, Hà Nội) đã đến bệnh viện thăm anh. Chị Nhung chia sẻ: "Trước, anh Tình có vào trong quê tôi diễn một vài lần. Những lần đó tôi gặp anh và rất quý anh, quý con người mộc mạc của anh. Giờ anh ấy bị bệnh như vậy, tôi cũng buồn, cũng đau lòng lắm nhưng không biết làm cách nào ngoài mong các bác sĩ tận tình cứu chữa cho anh ấy"

Còn chị Nguyễn Thị Thêu, là bạn học cùng anh nói: "Trên màn ảnh, tôi thấy anh Tình mang một dáng vẻ chân chất, thật thà, từng lời nói, hành động của anh luôn toát lên một sự gần gũi, thân thiện nên chúng tôi yêu quý các nhân vật do anh đóng. Cho đến khi lớp hành chính nhà nước, tôi mới gặp anh, anh lớn tuổi nhưng thực sự là không có khoảng cách, anh chân thành, gần gũi, cởi mở, thân thiết, đấy là phong cách, là bản chất của anh".

Cán bộ phường Phúc Diễn cùng bạn học, khán giả đến thăm, động viên anh

Chị Trần Thị Thu Hường, cán bộ phường Phúc Diễn, (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Lẽ ra những người có thâm niên như anh phải có cuộc sống khá ổn. Nhưng cho đến giờ anh vẫn là một trong số các nghệ sĩ khó khăn, khi xưa anh ở tại nhà tập thể, chật chội, nhiều hôm đi diễn về anh phải trèo qua rào mà vào nhà. Sau đó anh đã chuyển về Phúc Diễn, mua mảnh đất nông nghiệp, xây dựng căn nhà cấp bốn tạm bợ để vợ con cùng trú ngụ"

 TS Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Ung Bướu cho biết: Anh Tình nhập viện lúc 1h sáng 24/1 trong tình trạng khó thở, thiếu máu, phổi phải mờ hết, có u ở phổi, phải thở bằng oxy, nếu bỏ oxy ra thì một lúc thì được chưa lâu là không thể tự thở. Sáng bác sĩ đã mang kháng sinh sang tiêm nhưng anh Tình không nghe. Điều trị ung thư mà không có bảo hiểm y tế tại viện là rất tốn kém. “Các loại xét nghiệm như sinh tiết phổi, cắt lớp, xạ hình xương,…tốn rất nhiều tiền”, bác sĩ Hùng cho biết.

VĂN NGHĨA

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh